Đây là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ta tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, tổ chức sáng 18.7 tại TP.HCM. Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong 6 hội đồng điều phối vùng thì Thủ tướng làm chủ tịch hội đồng 2 vùng: vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng. Trước đây, Chính phủ từng lập hội đồng điều phối vùng chung cho các vùng kinh tế trọng điểm cả nước do một phó thủ tướng làm chủ tịch hội đồng.
Nhưng theo đánh giá của Thủ tướng, do điều kiện khó khăn, cơ chế hoạt động chưa hình thành nên các hoạt động không rõ, kết quả chưa như mong muốn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Thủ tướng đề nghị khoảng 1 - 2 tháng họp một lần để xác định những việc được, chưa được và đưa ra biện pháp tháo gỡ chứ không chờ đến 6 tháng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ
Theo quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, hội đồng sẽ điều phối trên 6 lĩnh vực: lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Thủ tướng đề nghị các thành viên hội đồng vùng Đông Nam bộ cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với công tác quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện quy hoạch cho vùng Đông Nam bộ và quy hoạch vùng TP.HCM. Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng và hạn chế, hóa giải những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, yếu kém của vùng.
"Trước mắt phải tập trung xử lý 3 vấn đề ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường sống và môi trường sinh thái, giải quyết nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ổ chuột trong thành phố", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghiên cứu chính sách đột phá cho cả vùng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đột phá phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng. "Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên thì mới làm được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội đồng điều phối vùng cũng cần hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương.
"Một vấn đề của Đồng Nai nhưng liên quan đến cả vùng, mà Đồng Nai muốn cách của Đồng Nai, Bình Dương muốn cách của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì muốn cách của Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy thì sẽ khó khăn", Thủ tướng dẫn chứng.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ chính thức ra mắt
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lần này phải nghiên cứu các vấn đề liên vùng cần chỉ đạo thống nhất để tổ chức thực hiện. Hội đồng không phải cấp hành chính, không thay được cấp ủy và chính quyền nhưng giúp Thủ tướng trong công tác điều phối, liên kết. Những vấn đề phát sinh trên địa bàn mà liên quan đến vùng thì địa phương đề xuất hội đồng giải quyết nhanh.
Các tỉnh, thành phố trong vùng lập bộ phận giúp việc bám sát nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng, hoàn thành trong tháng 7.2023. Từ nay đến cuối năm 2023, cơ quan thường trực rà soát, kiện toàn tổ chức và thẩm quyền của hội đồng. "Đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, không có hình thức. Đã làm là phải ra sản phẩm, của cải vật chất, phải lượng hóa được", Thủ tướng lưu ý.
Lập quỹ đầu tư hạ tầng cho vùng
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng. Quỹ được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và các địa phương), nguồn xã hội hóa và các nguồn khác. Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng.
"Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương, đặc biệt là vấn đề hạ tầng, giao thông, một yếu tố mang tính huyết mạch cho sự phát triển và khai thác hết tiềm năng của vùng", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (ngoài cùng bên trái) đề xuất thành lập Quỹ phát triển giao thông vùng Đông Nam bộ
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, qua trao đổi thì lãnh đạo các tỉnh trong vùng, Ngân hàng Thế giới và các doanh nghiệp bày tỏ sự thống nhất cao và ủng hộ xây dựng quỹ.
Việc thành lập quỹ đầu tư cho vùng cũng là một trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng gợi mở nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là các dự án giao thông.
Bởi theo thống kê của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỉ đồng.
Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình đề xuất hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng của vùng, bên cạnh các chính sách huy động nguồn lực xã hội, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước vào các công trình có tính dẫn dắt.
Theo Báo Thanh Niên