Bất kể các con số trên, BRT 01 vẫn được Hà Nội đánh giá là mang lại những kếtquả tích cực, được nhân dân tin tưởng, góp phần quan trọng cho vận tải hànhkhách công cộng Thủ đô.Tuy nhiên, mới đây, Hà Nội lại đề xuất làm một tuyến đường sắt đô thị trên cùnghành lang, để thay thế BRT 01.
Vậy, rốt cuộc, BRT 01 đã từng hiệu quả hay không? Làm đường sắt thay BRT 01,đó có thể là một hướng đi dũng cảm để chấm dứt tình trạng “cố đấm ăn xôi”, haylà một sự vội vàng có nguy cơ lặp lại.
Hai “anh em”, hai thân phận
Cùng được ra đời với sự kỳ vọng đáng kể về những loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, cùng chạy trên một hướng tuyến từ phía Tây Nam vào trung tâm Thành phố, song dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và tuyến buýt nhanh BRT 01 hiện có số phận trái ngược.
Mặc dù mới được đưa vào khai thác hơn 2 năm, song tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngày càng thu hút hành khách sử dụng. Thống kê của Tổng công ty Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy, sau 2 năm đi vào khai thác (từ tháng 11/2021), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn được hơn 16 triệu hành khách.
Nếu năm 2022, bình quân ngày làm việc vận chuyển được khoảng 20-22 nghìn lượt khách, thì năm 2023, con số này đã lên đến 34-35 nghìn lượt hành khách/ngày. Trong đó 70-75% là khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng, góp phần giảm lưu lượng giao thông dọc hành lang tuyến.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng giám đốc Hanoi Metro cho hay, đây là kịch bản tốt nhất về kết quả vận hành 2 năm đầu trong phương án vận hành đã được Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội đề ra:
"Trong tháng 9 vừa rồi cũng xác lập 3 kỷ lục, về lượng hành khách đi lại đông nhất rơi vào ngày 2/9; hành khách đi lại trong ngày đông nhất, là chúng tôi đạt trên 37 nghìn. Và đây cũng là tháng mà từ ngày vận hành đến nay là chúng tôi vượt đướt trên 1 triệu lượt hành khách đi lại trong tháng".
Về phía hành khách, đa số đều khá hài lòng về những tiện lợi do dịch vụ mang lại:
"Mình đi nhiều chuyến rồi, chất lượng rất tốt, không thấy bị sóc lắc gì cả".
"Em chưa đủ tuổi để đi xe, nên hay phải nhờ bố mẹ chở đi. Có cái này em đi lại cũng tiện hơn".
Trong khi đó, cũng được đầu tư lớn, hơn 55 triệu USD, đi vào vận hành từ năm 2017, được dành một làn riêng, cùng chạy trên hướng tuyến phía Tây Nam vào trung tâm thành phố, song tuyến BRT 01 Bến xe Kim Mã- bến xe Yên Nghĩa đã để lại sự thất vọng đối với hành khách và người dân.
Hiện tại, cả Tổng công ty vận tải Hà Nội và Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội đều không đưa ra thông tin về hiệu quả của dự án. Các số liệu đến thời điểm này cũng chỉ có từ năm 2017-2020 với sản lượng khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm.
Tỷ lệ bình quân từ năm 2017 đến nay không thay đổi, chỉ đạt từ 40- 45 khách/lượt, bằng nửa công suất thiết kế.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng và một số chuyên gia, sau 6 năm vận hành, tuyến BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng. Còn người dân cũng ngày càng thờ ơ, chứ chưa nói đến việc tạo sự dịch chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng:
"Em đi bằng xe của nhà thôi. Đường đông tắc nên nhiều khi người tham gia giao thông thấy vắng họ vẫn cứ đi vào".
"Nó cũng rất bất tiện và bất cập, đường đã hẹp rồi, mật độ thì đông, BRT thì lại chiếm rất nhiều diện tích, thành ra đường luôn luôn bị tắc".
BRT, từ “con cưng” thành “con ghẻ”
Được cả chính quyền và các chuyên gia đánh giá cao, dành riêng một làn đường, tuyến BRT 01 bến xe Kim Mã- bến xe Yên Nghĩa được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều “đột phá” cho hình thức vận tải hành khách công cộng Thủ đô, sẽ góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân khi đi vào hoạt động, song sau vài năm, tuyến buýt nhanh BRT 01 ngày càng gây thất vọng với người dân và người tham gia giao thông.
Lý do là dù được ưu tiên hẳn một làn riêng, song phương tiện này cũng không thật sự nhanh như tên gọi của nó. Bởi vậy, dù hàng ngày đi làm trùng với lộ trình của tuyến buýt nhanh BRT, song anh Nguyễn Hoàng Thắng, ở Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội vẫn sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại:
"Bởi vì nó không đồng bộ, có mỗi trục đường này, cho nên nó không kết nối được. Đấy, xe nọ, xe kia, nó chen chúc nhau".
Anh Nguyễn Văn Tuyền, ở Hà Đông, Hà Nội cũng hàng ngày phải đi qua trục đường có làn BRT. Căng thẳng, mệt mỏi khi một làn gần như để không, trong khi làn còn lại phương tiện chen chúc, khiến anh Tuyền rất bức xúc:
"Đường bé mà ông chiếm mất diện tích của nó, thế là bao nhiêu phương tiện cũng phải tránh, cho nên có nhanh được đâu, thế nên rất lãng phí".
Cũng bởi phương tiện BRT không đi được nhanh nên đa số thời điểm tuyến đường này rơi vào tình trạng một làn chen chúc, làn kia lại để không. Bởi vậy, nhiều người đi xe máy đã cố tình đi vào làn BRT. Tài xế xe công nghệ Nguyễn Văn Tình, ở Long Biên, Hà Nội cho biết:
"Nếu đường tắc quá thì em cũng đi vào. Tắc quá mà muốn đi nhanh thì chỉ có vào đấy để đi. Nên cho các phương tiện khác đi vào, vì binh thường xe buýt cũng không đi nhiều".
Đáng chú ý, thời kỳ đầu, lực lượng chức năng còn tập trung lực lượng phân luồng, phạt nguội phương tiện đi vào làn BRT, song, một phần do lượng phương tiện đi vào quá nhiều, không chỉ giờ cao điểm, mà cả các khung giờ thấp điểm, vẫn có rất nhiều xe máy đi vào làn BRT; mặt khác, lực lượng chức năng phạt không xuể, nên tình trạng vi phạm diễn ra thường xuyên.
Trung tá Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện tại, việc xử lý dứt điểm phương tiện đi vào làn BRT là rất khó:
"Phần lớn do ý thức của người dân, nêu lý do là để đảm bảo thời gian công tác hay học tập. Tuy nhiên các lý do mà người tham gia giao thông đưa ra chỉ là lý do thôi, còn lực lượng chức năng chúng tôi vẫn tiến hành kiểm tra, xử lý, mặt khác cũng tuyên truyền để người dân hiểu được và chấp hành tốt các quy tắc tham gia giao thông".
Thậm chí có thời điểm, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất cho phép một số phương tiện đi vào làn BRT. Còn các chuyên gia thì nhiều lần đề xuất xóa bỏ làn dành riêng cho BRT, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này.
Về phía người tham gia giao thông, họ càng có lý do để đề xuât skhai tử xe buýt nhanh BRT khi phải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường ùn tắc, trong khi một làn rất ít được sử dụng:
"Tuyến BRT rất ít người đi, đường nó bé, đôi khi rất dở vì tầm đấy không có khách, xe chạy không, nói chung là lãng phí".
"Thấy bất tiện, BRT chỉ đi được ở một số tuyến đường nhất định, không đáp ứng được hết nhu cầu của mọi người".
Theo VOV giao thông