Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục nhận được nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn.
Tại hội thảo lấy ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) tổ chức hôm nay (14/2), ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm 2 luật mới: Luật Đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Ông Thanh cho rằng, để thực hiện một quy định về giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải tham khảo 2 luật, từ đó phát sinh nhiều bất cập.
Đơn cử, về hệ thống báo hiệu đường bộ và công tác quản lý, đào tạo cấp giấy phép lái xe, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tới nay đều quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành, quản lý nhưng tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông lại đưa tất cả về phía Bộ Công an.
Còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách luật Giao thông đường bộ
Ông Thanh cho rằng, không nên vì thay đổi một số nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, ngành trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc lý do nào khác mà phải xây dựng 2 luật.
Còn ông Vũ Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức đánh giá, 10 năm qua tỷ lệ người chết/100.000 giấy phép lái xe giảm 52 lần, tỷ lệ số người chết/10.000 phương tiện giảm 13 lần. Tỷ lệ tai nạn giao thông đã giảm hàng năm, dù số phương tiện tăng, cho thấy công tác sát hạch đào tạo lái xe đã đóng góp ít nhiều.
Ông Tuấn cho rằng, về quản lý nhà nước, luật cần đảm bảo đủ các nội dung thành tố do Quốc hội quyết định, còn phân cấp cho các ngành do Chính phủ quyết định.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, yêu cầu quản lý về trật tự an toàn giao thông không chỉ được quy định trong Luật Bảo đảm an toàn giao thông mà còn cần được quy định trong xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng, hoạt động vận tải, kiểm tra về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trong quản lý người lái xe. Bởi vậy, nếu tách thành 2 luật thì cần rà soát kỹ dự thảo của cả 2 luật để có sự thống nhất và không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn khi triển khai.
Liên quan đến việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT về Bộ Công an quản lý, ông Quyền cũng kiến nghị tiếp tục giao ngành giao thông quản lý.
Theo ông Quyền, hiện cơ sở dữ liệu về GPLX trên toàn quốc đã được hình thành, sẵn sàng liên thông giữa ngành giao thông và công an, đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với lái xe của ngành công an. Để không phát sinh những xáo trộn liên quan đến hàng triệu người thì ngành giao thông vẫn cần quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Trong khi đó, nếu chuyển về Bộ Công an thì bộ này phải tuyển dụng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này cùng việc phải đầu tư trang thiết bị mới, từ đó dẫn tới tốn kém ngân sách.
Do vậy, nếu chuyển cho Bộ Công an thì cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Nếu còn nhiều ý kiến, nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ.
Theo Vietnamnet