“Sự hợp tác giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) thời gian qua đã đóng góp nhiều thành tựu trong việc xây dựng môi trường giao thông an toàn và bền vững tại Việt Nam”.
Đây là khẳng định của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia tại lễ ký kết hợp tác về ATGT năm 2018 giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam vào cuối tháng 9 tại Hà Nội.
Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) ký kết hợp tác về ATGT năm 2018.
Tại Lễ ký kết, ông Kawano Toshiya – Chủ tịch VAMM cho biết, mỗi thành viên của Hiệp hội luôn nỗ lực thực hiện nhiều hình thức hoạt động ATGT đa dạng, để mang đến hiệu quả tổng thể và tối ưu nhất.
VAMM cũng đóng góp xây dựng chính sách, điều luật liên quan đến xe máy thông qua việc tài trợ cho những nghiên cứu độc lập nhằm đưa ra những kết quả khách quan và giải pháp khả thi cho các cơ quan quản lý chuyên trách.
“Để thay đổi nhận thức, chúng tôi tuyên truyền, đào tạo và tổ chức Cuộc thi làm phim ATGT. Để cải thiện hành vi, chúng tôi triển khai hướng dẫn lái xe thực tế, tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người dân. Sứ mệnh của VAMM không chỉ là sản xuất những chiếc xe máy chất lượng, thân thiện với người tiêu dùng, mà còn hướng đến phát triển cộng đồng Việt Nam an toàn. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động ATGT sáng tạo, mới mẻ, thu hút và tác động mạnh hơn đến cộng đồng trong những năm tiếp theo”, ông Kawano Toshiya chia sẻ.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và tư vấn từ Ủy ban ATGT Quốc gia, các thành viên trong Hiệp hội VAMM đã thực hiện thường xuyên và liên tục nhiều hoạt động tuyên truyền ATGT đa dạng trên diện rộng, giúp nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, từ đào tạo, hướng dẫn lái xe an toàn, tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đến đầu tư và áp dụng các công nghệ an toàn, tiên tiến trên các sản phẩm xe máy cung cấp ra thị trường.
Trong 4 năm qua, VAMM đã tiến hành đào tạo cho hơn 13 triệu học viên, tặng gần 250.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng bày tỏ sự vui mừng trước sự đồng hành của VAMM với Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục, thực hành và nghiên cứu về ATGT trên toàn quốc, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề ATGT tại Việt Nam.
“Những kết quả thực tiễn và kiến nghị từ 5 nghiên cứu được tài trợ thực hiện bởi “Quỹ nghiên cứu VAMM” là căn cứ tham khảo giá trị cho Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, đưa ra những biện pháp, chính sách hiệu quả nhằm nâng cao ATGT trên toàn quốc”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Tương lai của xe máy ra sao?
Tại lễ ký kết, nhóm nghiên cứu về “Vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam” do TS Vũ Anh Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức đã công bố một nghiên cứu mới về nhu cầu sử dụng xe máy tại Việt Nam trong năm 2017.
Hà Nội đang lên kế hoạch để đến năm 2030 Hà Nội sẽ đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy đi vào khu vực nội đô.
Theo kết quả nghiên cứu, xe máy hiện đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi đối tượng. Trong tương lai, khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng.
Nguyên nhân, do điều kiện cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng mới đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại, ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM.
“Riêng đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mặc dù có hệ thống đường phát triển nhất nước, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại thì mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân trong những thập niên vừa qua vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố châu Á khác”, TS Vũ Anh Tuấn nói.
Vẫn theo nghiên cứu, các đô thị, thành phố tại Việt Nam đang lúng túng trong việc ứng xử với xe máy với nhiều giải pháp được đưa ra như kịch bản phát triển bình thường, quản lý, hạn chế, hoặc đề xuất cấm.
Tuy nhiên những đề xuất trên đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, đồng thời xuất hiện những quan ngại về tính khả thi và hiệu quả thực sự của từng giải pháp.
Từ kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng môi trường với các điều kiện thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn thông qua khung chiến lược an toàn giao thông xe máy với 4 thành phần: Chính thức đưa xe máy vào các chính sách, pháp luật về an toàn giao thông; cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho lưu thông xe máy; cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo về an toàn giao thông xe máy cho mọi đối tượng đi đường và đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật – công nghệ an toàn cho xe máy.
Nghiên cứu cũng đã lựa chọn một số giải pháp, chính sách có tỷ lệ ủng hộ cao của người dân để các cơ quan nhà nước xem xét triển khai trong những năm tới, gồm quy định trẻ em dưới 6 tuổi đội mũ bảo hiểm, quy định trẻ 16 - 18 tuổi có chứng chỉ lái xe an toàn (50cc, e-bike), bổ sung nội dung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy, phổ biến sổ tay điều khiển xe máy an toàn…/.
Cũng tại buổi lễ, ban tổ chức đồng thời phát động Dự án an toàn giao thông mới năm 2018 – cuộc thi làm phim an toàn giao thông “Tôi biết. Tôi thay đổi” nhằm đề cao những cách hành xử văn minh khi tham gia giao thông thông qua lăng kính của giới trẻ.
Đây là hoạt động thường niên giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM trong khuôn khổ “Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy” do VAMM thành lập từ năm 2015. Sự hợp tác thể hiện cam kết lâu dài và chặt chẽ giữa VAMM với Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong nỗ lực cải thiện tình hình ATGT tại Việt Nam.
Theo VOV