Xã Tam Giang được huyện Năm Căn chọn hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2023. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại xã mới đạt 11/19 tiêu chí. “Trong 8 tiêu chí chưa đạt thì giao thông là tiêu chí nan giải nhất hiện nay. Sụp lún, sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng về vật chất cũng như đi lại của người dân trên địa bàn xã”, bà Nguyễn Hồng Mơ, Chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết.

Hiện nay, tỷ lệ đường liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đảm bảo ô tô đi lại quanh năm ở Tam Giang chỉ mới đạt 42,3% (thực hiện được 14,4/34 km). Tỷ lệ đường liên ấp được cứng hoá đạt 38,4% (tổng thực hiện 20/52 km). Tỷ lệ đường ngõ, xóm tổng nhu cầu của toàn xã là 135 km.

Nhiều hộ dân kinh doanh trên tuyến Kinh 17 bị ảnh hưởng do sạt lở.

Bà Mơ cho biết: “Do nguồn vốn đầu tư hàng năm ít, địa bàn xã có diện tích rộng, sông ngòi, kênh rạch nhiều. Hiện nay, nguồn vốn cần đầu tư để hoàn thiện tiêu chí giao thông quá lớn. Cụ thể, để thực hiện đạt chỉ tiêu 20 km đường liên xã còn lại, cần khoảng 50 tỷ đồng; lộ liên ấp còn lại 32 km cần khoảng 30 tỷ đồng; lộ liên xóm đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, kè chống sạt lở cần khoảng 40 tỷ đồng. Xã đã vận động xã hội hoá nhưng với con số quá lớn này, cần có sự trợ lực của Nhà nước thì tiêu chí giao thông mới đạt được”.

Không chỉ khó khăn về nguồn vốn mà hiện nay nhiều tuyến lộ trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng bị sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của người dân. Riêng năm 2023, tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, có đoạn sạt lở mất cả thân lộ, có những căn nhà bị “nuốt chửng" hoàn toàn.

Như sự vụ xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 19/5 vừa qua tại khu vực chợ nhà lồng, ấp Kinh 17, sạt lở làm ảnh hưởng đến 2 hộ kinh doanh, tổng thiệt hại trên 50 triệu đồng. Hay vụ sạt lở xảy ra vào 0 giờ ngày 6/6, cũng trên tuyến Kinh 17, ảnh hưởng 5 hộ dân sinh sống trên tuyến, ước tính thiệt hại trên 480 triệu đồng.

Không chỉ ven sông mà ở các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn xã cũng ảnh hưởng nặng nề do sạt lở. “Ða phần các tuyến lộ được xây dựng theo bờ vuông, khi thuỷ triều dâng, dòng nước chảy mạnh cũng gây ra sạt lở. Hàng năm, xã rà soát và thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nhưng chi phí năm sau cao hơn năm trước vì tình trạng sạt lở ngày càng nhiều”, bà Mơ trần tình.

 Trên tuyến Cây Xanh, ấp Nhà Hội, nhiều chỗ bị ảnh hưởng do sạt lở mất toàn bộ thân lộ, người dân phải nâng lộ đất đen, đổ bê tông để tạm lưu thông.

Tuyến bị ảnh hưởng lớn là tuyến Cây Xanh thuộc ấp Nhà Luận. Tuyến này sạt lở nhiều đoạn, mỗi đoạn gần 1 km và hiện nguy cơ sạt lở thêm luôn rất cao (phần nước hiện đã tới sát thân lộ). Theo đánh giá của chính quyền địa phương và người dân nơi đây, sạt lở những tháng đầu năm nay nhiều hơn so với cùng kỳ các năm trước, thiệt hại nghiêm trọng hơn rất nhiều (trong 7 vụ có 4 vụ thiệt hại nghiêm trọng).

Trước tình trạng triều cường dâng cao, sạt lở đe doạ nhiều tuyến lộ và nhà ở ven sông trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã ra sức vận động, tuyên truyền các hộ dân nêu cao ý thức trong phòng, chống thiên tai, chằng chống nhà cửa, làm bờ kè chống sạt lở. Thế nhưng, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có những giải pháp căn cơ giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, vững tâm cùng với chính quyền địa phương chung sức đưa Tam Giang về đích xã NTM./.

Theo Báo Cà Mau