Thực tế cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp lái xe công nghệ Grab vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thậm chí có sử dụng ma túy. Do đó, rất cần có giải pháp quản lý đối với lực lượng này.

Gây hoang mang tâm lý hành khách

Đi theo nhu cầu của hành khách ngày càng nhiều là các dịch vụ xe công nghệ Grab được “đẻ ra” ngày một tăng mà không cần đăng ký. Một số tài xế xe công nghệ Grab không đủ chuyên nghiệp, không đảm bảo chất lượng dịch vụ, gây khó chịu và bất tiện cho khách hàng. Bên cạnh đó, một số tài xế không đăng ký, không có giấy tờ đầy đủ, gây thiếu minh bạch và gây nguy hiểm cho hành khách.

Anh Nguyễn Thành Luân, phường 8, Tp. Cà Mau, chia sẻ: “Nhiều khi đi nhậu với bạn bè phải gọi xe công nghệ Grab đưa về nhà vào ban đêm tôi rất sợ, vì không biết người chạy là ai, có chuyện gì xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm. Nhiều khi có những đối tượng giả dạng để tiến hành cướp giật…Vì rất nhiều dịch vụ xe ôm công nghệ Grab không đăng ký, không ai quản lý nên có chuyện gì xảy ra cũng không biết ai chịu trách nhiệm. Vì vậy, tôi nhờ người quen giới thiệu cho những tài xế uy tín hoặc tìm đến những Nghiệp đoàn xe công nghệ Grab để an tâm hơn”.

Nhiều dịch vụ xe ôm công nghệ  Grab “tự phong” hoạt động trên địa bàn, tiềm ẩn nhiều mối lo ngại và bất an cho người đi. 

Mặt khác, để tranh thủ thời gian, tăng thu nhập, ngoài chở khách, các lái xe còn kiêm luôn người giao hàng. Giao được nhiều hàng cũng đồng nghĩa họ càng tăng thêm thu nhập, vì vậy lái xe lại càng phải đi nhanh, đi nhiều. 

Trung tá Hồng Hoàng Biếu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: “Qua huy động nhiều lực lượng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên các tuyến giao thông, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát công khai kết hợp hoá trang, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 40 trường hợp xe công nghệ Grab vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có 4 trường hợp xe công nghệ Grab vi phạm nồng độ cồn”.

Điều đáng lo ngại hơn, mới đây trên đường tuần tra kiểm soát, Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự thuộc Công an Tp. Cà Mau phát hiện 02 đối tượng điều khiển 02 phương tiện môtô có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành dừng xe và kiểm tra đã phát hiện 02 đối tượng là Dương Hồng Tính, sinh năm 1987, ngụ khóm 4, phường 5 và Thái Thanh Sang, sinh năm 1986, ngụ khóm 7, phường 8, Tp. Cà Mau có liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Theo khai nhận ban đầu, trong lúc đang chạy xe khách công nghệ Grab thì cả hai cùng rủ nhau đến chỗ vắng để sử dụng ma túy thì bị bắt quả tang.

Cần có giải pháp quản lý dịch vụ xe công nghệ Grab

Một trong những tình trạng xảy ra phổ biến đối với hoạt động của dịch vụ xe công nghệ Grab là tình trạng tranh giành khách. Theo ghi nhận thì hiện nay tại một số quán nhậu có “ăn chia” với các nhóm xe công nghệ Grab, cho phép các nhóm này đậu, đón khách trước quán, ngược lại họ thu “tiền bến”.

Điều này vô tình gây nên tình trạng tranh giành khách dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau. Bạn N.H.D, Dịch vụ xe công nghệ Grap D.A, tâm sự: “Hiện nay, mỗi nhóm xe công nghệ đều có bến riêng, tuy nhiên nhiều khi cũng có tranh giành chở khách, có trường hợp dịch vụ xe ôm công nghệ giành giật khách rồi gây thương tích cho người khác, bây giờ dịch vụ đó đã nghỉ hoạt động. Ngoài ra, cũng có cái khó là nhiều khi khách quen gọi mình lại rước tại quán nhậu đã có nhóm khác đậu bến nên khi thấy mình thì họ tỏ vẻ khó chịu, kiếm chuyện, gây sự. Riêng em thấy chạy chỗ này không được thì em đi chỗ khác chạy, chứ có bao nhiêu tiền đâu mà cự cãi rồi sinh chuyện!”.

Theo ghi nhận thì hiện nay tại một số quán nhậu có “ăn chia” với các nhóm xe công nghệ, cho phép các nhóm này đậu đón khách trước quán, ngược lại họ thu “tiền bến”. 

Ông Nguyễn Thành Đương, Phó chủ tịch LĐLĐ Tp. Cà Mau, trăn trở: “Trước tình hình các dịch vụ xe công nghệ bùng nổ trên địa bàn như hiện nay, LĐLĐ thành phố tiếp tục vận động các nhóm xe công nghệ Grab có lực lượng đông thì thành lập tổ chức Nghiệp đoàn để dễ quản lý. Từ đó, tuyên truyền các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, từng bước đưa họ vào khuôn khổ. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần có hướng để cho loại hình dịch vụ này đăng ký kinh doanh, có chế tài, xử lý rõ ràng!”.

Trung tá Hồng Hoàng Biếu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh:  “Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tập trung 3 biện pháp trọng tâm. Đó là, huy động lực lượng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên các tuyến giao thông, nhằm chủ động phòng ngừa và phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, phục vụ công tác kiểm tra, xử lý. Tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các nhóm dịch vụ xe công nghệ Grab về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và việc đăng ký kinh doanh hoạt động xe ôm công nghệ, nhằm hạn chế thấp nhất vi phạm xảy ra”. 



Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND Tp. Cà Mau, cho biết: “Việc quản lý dịch vụ xe công nghệ Grab, UBND thành phố có giao bộ phận chuyên môn nghiên cứu quản lý nhưng chưa có giải pháp cuối cùng. Vừa qua, xảy ra tình trạng một số lái xe công nghệ Grab có liên quan rượu bia, thiếu giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, hoạt động không vào tổ chức Nghiệp đoàn… Song, hiện nay dưới góc độ quản lý Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể, nên các cơ quan chức năng có chỉ đạo, hướng dẫn chung cho lực lượng này.


Theo Báo Cà Mau