Lực lượng điều tiết giao thông trên sông Cấm (Hải Phòng)

Trực 24/24h

“Yêu cầu toàn bộ các tàu phía thượng lưu giữ nguyên vị trí, tàu Hoàng Phát 08 nhanh chóng di chuyển vượt qua khu vực công trường cầu Hoàng Văn Thụ theo chỉ dẫn của ca nô hoa tiêu điều tiết”; “Trạm C1 thông báo toàn bộ tàu từ thượng lưu đã dừng”; “Tàu Hoàng Phát 08 thông báo đang đi theo sự chỉ dẫn của ca nô điều tiết”… Những đoạn hội thoại ngắn gọn đó liên tục vang lên từ hệ thống bộ đàm, Icon đặt tại con tàu và cũng là Trạm Điều tiết C2 đặt tại sông Cấm qua khu vực thi công công trình cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng). Khi những con tàu lần lượt đi qua an toàn, trong buồng lái chật chội của con tàu điều tiết giao thông, anh Phan Văn Sơn, cán bộ điều tiết Trạm Điều tiết C2 mỉm cười: “Công việc điều tiết giao thông thủy là làm sao phải để các phương tiện đường thủy, hàng hải đi qua các công trình một cách an toàn”.

Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều tiết đảm bảo ATGT cho các công trình trọng điểm. Đơn vị đã thực hiện đảm bảo giao thông tại nhiều công trình lớn như: Cầu Bính (Hải Phòng), cầu Phú Mỹ (TP HCM), cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam) và nhiều công trình tại Hà Nội, Hải Phòng, Cà Mau, Đồng Tháp…

Sông Cấm là sông nhưng cũng là cửa biển, tại đây đặt cảng Hải Phòng với hàng chục con tàu thường xuyên ra vào, neo đậu. Sông Cấm đồng thời tồn tại 2 luồng: Luồng hàng hải với những con tàu quốc tế lừng lững ra vào ở khu vực giữa sông, phía hai bên bờ là luồng đường thủy nội địa với hàng chục tàu tải trọng nhỏ, thậm chí là thuyền nan, thuyền đánh cá. Từ đầu năm 2017, TP Hải Phòng khởi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên (nơi sẽ đặt trung tâm hành chính của TP Hải Phòng trong tương lai). Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng được giao nhiệm vụ bảo đảm ATGT thủy qua khu vực công trường cầu Hoàng Văn Thụ trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Xuân Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng cho biết: “Khu vực thi công cầu Hoàng Văn Thụ có lượng tàu, thuyền qua lại rất đông, nên chúng tôi phải thành lập 3 trạm điều tiết là trạm Trung tâm và C1, C2 tại 2 đầu thượng và hạ lưu luồng sông Cấm. Các trạm này trực 24/24h, đảm bảo điều tiết giao thông qua khu vực được thông suốt, an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Lập, Thuyền trưởng tàu điều tiết C2 cho biết: “Đây là nơi lưu thông những con tàu hàng nước ngoài tải trọng lớn, dài tới hơn 100m, khi quay đầu có thể choán hết cả khu vực lòng sông. Với những tàu lớn, dài hơn 100m luôn có hoa tiêu dẫn tàu để yêu cầu tuyệt đối tuân thủ báo hiệu đường thủy và hướng dẫn của lực lượng điều tiết, khống chế giao thông”.

Tại các trạm điều tiết mỗi ngày làm việc gồm 3 ca, mỗi ca là kíp trực 12 người gồm: Thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, nhân viên điều tiết. Khi phát hiện có tàu thuyền sắp đi qua khu vực, 3 người gồm thủy thủ và nhân viên xuống một chiếc xuồng máy chạy ra gần các phương tiện, một nhân viên điều tiết vẫy cờ lệnh, nhân viên điều tiết còn lại dùng bộ đàm liên lạc với trạm, sau đó dùng loa hướng dẫn người điều khiển các phương tiện đi đúng luồng, đảm bảo an toàn.

Cán bộ trạm điều tiết theo dõi, cập nhật tình hình tàu thuyền qua lại sông Cấm

Gian nan nghề điều tiết

24 tuổi, làm công tác điều tiết bảo đảm ATGT thủy được 5 năm, Đỗ Thế Nam cho biết, khi xong một công trình này thì lại lên đường tới những công trình khác. Nam kể: “2 năm trước em làm điều tiết tại công trình cầu sông Cái Tắt ở thị trấn Năm Căn (Cà Mau), xong công trình đó là về Hải Phòng làm dự án cầu Hoàng Văn Thụ, sau đây thì tổng công ty điều đi đâu em lại tiếp tục lên đường”.

Ông Nguyễn Văn Lập, Thuyền trưởng tàu điều tiết C2 là người lớn tuổi nhất trên tàu và cũng là người có thời gian, kinh nghiệm đi tàu lâu nhất chia sẻ: “Tôi từng có 15 năm chạy tàu đường sông, sau đó tôi học 3 năm tại Đại học Hàng hải Việt Nam rồi gắn liền với 10 năm đi tàu biển. Hiện, tôi làm thuyền trưởng tàu điều tiết giao thông tại trạm C2 được hơn 1 năm nay, công việc điều tiết rất nguy hiểm, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả khó lường, do đó mỗi ca làm việc, tôi đều nhắc nhở anh em thủy thủ, nhân viên nghiêm túc thực hiện đúng nội quy”.

Anh Phan Văn Sơn, công nhân Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng chia sẻ: Công việc điều tiết nhiều lúc rất khó khăn, hạn chế khi nhiều tàu thuyền di chuyển mà không nghe theo sự hướng dẫn của lực lượng điều tiết; đặc biệt những tàu cát tặc, bất chấp và liều lĩnh lao tới, có khi va cả vào xuồng điều tiết.

“Điều tiết ban ngày đã vất vả, công việc càng khó khăn hơn khi về đêm. Ban đêm tầm nhìn bị hạn chế nên rất khó để ghi chép số liệu tàu thuyền chính xác. Rồi những lúc trời giông tố, sóng to gió lớn các tàu neo đậu trên sông đứt dây neo rồi trôi sát, va vào nhau rất nguy hiểm và gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Làm nghề điều tiết, chúng tôi phải nắm bắt được địa hình của con sông, căn cứ tốc độ, dòng chảy, hướng gió có thể biết được phương tiện di chuyển như thế nào để phối hợp điều tiết, hướng dẫn một cách chính xác, an toàn”, anh Vũ Văn Sơn, nhân viên điều tiết với 10 năm kinh nghiệm cho biết.

Theo atgt.vn