Mức phạt quá nhẹ
Chỉ cần một ngày có mặt trên nhiều tuyến đường ngoại thành thuộc huyện Ứng Hòa, Thanh Oai… không khó để ghi nhận những vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, xe máy chở 2, chở 3, sử dụng điện thoại trong quá trình tham gia giao thông… Đáng chú ý, vi phạm trật tự an toàn giao thông xảy ra ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, trong đó đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ đối tượng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm, chở quá số người quy định. Cụ thể, ngày 4/5, tại Km36 thuộc Quốc lộ 32, 3 thanh niên điều khiển xe máy đi ngược chiều với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm đã đâm trực diện vào xe máy của 2 chiến sĩ cảnh sát thuộc trung đoàn Cảnh sát Cơ Động khi đang làm nhiệm vụ. Hay mới đây nhất, ngày 25/8 tại tổ 1A phường Tân Lập, Thành phố Thái Nguyên một xe máy “kẹp” 5 người, chạy với tốc độ cao đã tự đâm va vào dải phân cách giữa đường. Cú đâm mạnh đã làm 4 người tử vong và 1 người bị thương rất nặng.
Những hành vi điều khiển phương tiện không tuân thủ giao thông cần phải xử nghiêm để tạo tính răn đe, hình thành ý thức chấp hành Luật Giao thông
Nhìn nhận những vi phạm trên khía cạnh pháp lý, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam) cho biết, hành vi điều khiển xe máy chở 3, chở 4 thậm chí chở 5 người, chạy với tốc độ cao… là hành vi thiếu ý thức, không chấp hành luật giao thông. Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, gần đây những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc tìm cách giải quyết và quản lý xe 2 bánh là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện tại với vi phạm như trên còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Nói cách khác, mặc dù các điều khoản, các quy định các mức xử phạt được đề cập khá rõ ràng và đầy đủ trong luật song không ít quy định, mức xử phạt chưa phù hợp với thực tế.
Chẳng hạn, với hành vi chở quá số người quy định, nếu theo điểm l Khoản 3 và Điểm b Khoản 4, Điều 6 Nghị định 46/2016 /NĐ-CP người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài ra, chở theo từ 3 người trở lên trên xe ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Đồng bộ các giải pháp
Theo các chuyên gia tâm lý, đối tượng thanh thiếu niên thường là giai đoạn “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em” nên không hiểu được chính bản thân mình, dễ sa đà vào những thói quen xấu, có suy nghĩ lệch lạc. Một số em thích thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh bởi vậy dễ nảy sinh sự bốc đồng, không ý thức được bản thân đang vi phạm luật giao thông khi điều khiển phương tiện.
Trở lại câu chuyện những vụ xe máy chở quá số người quy định gây tai nạn, thời điểm này cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang bước vào khai giảng năm học mới. Cùng với niềm vui ngày hội đến trường của các học sinh, là nỗi lo lắng chưa khi nào dứt từ phía những cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Những hành vi vi phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh như: Chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy chở 3, đèo 4, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn.
Để ngăn chặn những vi phạm này, các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý. Chẳng hạn, mới đây Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Công an các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông phục vụ lễ khai giảng năm học mới. Đội Cảnh sát giao thông số 6 cũng xác định rõ, không giống như những vi phạm của các thành phần khác, lỗi chủ yếu của đối tượng thanh thiếu niên, học sinh đó là điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi nhưng vẫn lái xe và chở quá số người quy định. Nhiều trường hợp thản nhiên vượt đèn tín hiệu giao thông.
Tất cả những lỗi vi phạm này đều là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, thậm chí khi tai nạn xảy ra thì hậu quả rất nặng nề. Bởi vậy, muốn nhóm đối tượng này hiểu và chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông thì nội dung tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp, tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Nói cách khác, công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp chặt chẽ với việc kiểm tra xử lý vi phạm và phối hợp áp dụng các chế tài xử lý là giải pháp tối ưu và đồng bộ để phòng ngừa và ngăn chặn những vụ tai nạn liên quan.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thể ký văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan thông tấn, báo chí… về việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Theo đó Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, những ngày qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến mô tô, xe máy, các nạn nhân tử vong, bị thương đều rất trẻ, gây đau thương cho các gia đình nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện và chủ đề năm 2019 “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” đề nghị: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban An toàn giao thông địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy, xe đạp điện; tập trung tuyên truyền, vận động người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện như: Chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không có giấy phép lái xe...
Rõ ràng, tình trạng thanh, thiếu niên không chấp hành luật khi tham gia giao thông như lái xe máy khi chưa có bằng, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường... vẫn còn tồn tại. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, công tác kiểm tra xử lý vi phạm điều khiển xe cơ giới đối với giới trẻ cần được thực hiện thường xuyên và quyết liệt và có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình – nhà trường – xã hội.
Cụ thể, về phía gia đình cần quan tâm nhắc nhở các cháu, tự làm gương cho con học tập, yêu cầu các cháu đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện...; không giao phương tiện không phù hợp cho các cháu, thường xuyên nhắc nhở các cháu tuân thủ quy định pháp luật, chấp hành các quy tắc tham gia giao thông. Phía nhà trường cần tăng cường giáo dục kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, thường xuyên nhắc nhở các cháu tuân thủ các quy định về giao thông.
Các lực lượng chức năng phối hợp với nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời kiểm tra học sinh, sinh viên tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh. Đặc biệt, phải xử nghiêm, phạt nặng các hành vi như chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm, học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện... điều khiển phương tiện xe máy khi chưa có giấy phép lái xe.
Theo Giang Nam (laodongthudo.vn)