Xe khách biến dạng trong vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận làm tám người chết, bảy người bị thương, rạng sáng 21-7. (Ảnh: ĐÌNH CHÂU)
12 ngày ba vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Khoảng 21 giờ ngày 10-7, trên tuyến đường ven biển phường Hồng Hà (TP Hạ Long, Quảng Ninh), xe ô-tô nhãn hiệu Madaz BKS 30F-171.15 do anh T.T.A. (SN 1983, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) điều khiển hướng Cột 8 - Cột Đồng hồ bất ngờ tự lao xuống biển khu vực Cột 8. Vụ tai nạn làm bốn trong số năm người trên xe tử vong, chỉ người lái xe còn sống. Trong số những người thiệt mạng, có vợ và con của lái xe.
Chỉ vài tiếng sau đó, khoảng 4 giờ 30 phút sáng 11-7, ở Kon Tum, một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra. Xe khách lao xuống vực tại Km 23+800, quốc lộ 14C, thuộc địa phận xã Kờ Rơi, huyện Sa Thầy. Vụ tai nạn làm sáu người chết và 34 người bị thương. Xe khách giường nằm khi đó chở theo 40 hành khách, trong đó có 31 người lớn và chín trẻ em.
Hiện trường vụ xe khách lao xuống vực tại Kon Tum làm sáu người chết và 34 người bị thương. (Ảnh: PHÚC THẮNG)
Mới đây nhất là khoảng 1 giờ sáng nay, 21-7, lại một vụ tai nạn thảm khốc nữa xảy ra tại Bình Thuận. Xe ô-tô 16 chỗ biển kiểm soát 86B-01087 (xe Anh Trinh - Hàm Thắng) đi hướng Phan Thiết - Đồng Nai va chạm với ô-tô tải biển kiểm soát 79N-0315 đi hướng ngược lại, tại Km 1767 quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tân Đức, huyện Hàm Tân. Vụ tai nạn làm ít nhất tám người chết và bảy người bị thương.
Chỉ trong 12 ngày, xảy ra tới ba vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại các địa phương. Và rất dễ nhận thấy, điểm chung của ba vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này là đều gây thương vong lớn và đều xảy ra vào ban đêm, trong đó có hai vụ tai nạn (tại Kon Tum và Bình Thuận) trong khung giờ từ 23 giờ tới 6 giờ sáng.
Quy định vận chuyển vào ban đêm vẫn thiếu và yếu
Trao đổi với Nhân Dân điện tử sáng 21-7, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng kể trên, trước hết là do, khung thời gian từ 23 giờ tới 6 giờ sáng về nhịp sinh học của con người là thời gian nghỉ ngơi, bởi vậy người lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ.
Cũng trong khoảng thời gian này, các tuyến đường thường vắng nên tạo tâm lý chủ quan, lái xe dễ chạy quá tốc độ, vượt ẩu. Mức độ chiếu sáng về đêm kém nên khả năng nhận diện tình huống và phản ứng của tài xế đều kém và chậm. Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vào khung thời gian này của lực lượng chức năng cũng rất ít nên tạo tâm lý chủ quan cho lái xe, có vi phạm cũng không bị xử lý.
Tất cả các nguyên nhân này đều trực tiếp dẫn tới TNGT nghiêm trọng.
“Soi chiếu các quy định về mặt hạ tầng tổ chức giao thông, rồi vấn đề tuần tra kiểm soát xử phạt nguội trong thời gian ban đêm còn hạn chế. Các vấn đề về kỹ năng đối với người lái xe ban đêm có rồi nhưng có thể cần tiếp tục tăng cường. Quy định về thời gian làm việc của lái xe, đặc biệt là bảo đảm điều kiện sức khoẻ cho lái xe làm việc ban đêm, hiện nay cũng đã có nhưng chưa chặt chẽ”, TS Trần Hữu Minh nói.
TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ngày 2-6-2020. (Ảnh: BÔNG MAI)
Lấy thí vụ đề quy định thời gian làm việc liên tục của người lái xe hiện nay, TS Trần Hữu Minh cho biết, chúng ta quy định là bốn tiếng nhưng ban đêm, với những tính chất phức tạp và bản chất là người lái xe bị mệt mỏi và hay buồn ngủ thì cần cần quy định thì gian làm việc ngắn hơn. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi hiện nay vẫn đặt vấn đề cũ, lái xe trong vòng 24 tiếng không quá 10 giờ và không lái xe liên tục quá bốn tiếng, không quy định riêng đối với thời gian lái xe vào ban đêm.
“Tôi nghĩ cần quy định thời gian lái xe ban đêm của người lái xe ngắn hơn. Thực tế, tại các quốc gia khác, các tuyến xe ban đêm cứ hai tiếng là đã đổi lái xe. Việc bố trí lái xe tùy theo, có nơi bố trí lái xe thay ngay trên xe, có nơi lại bố trí lái xe tại một điểm trung chuyển. Khi xe đến điểm trung chuyển thì lái xe mới lên, lái xe cũ xuống nghỉ. Như vậy, dù cách tổ chức khác nhau nhưng điểm chung là các lái xe chỉ lái hai tiếng ban đêm rồi chuyển lái”, TS Trần Hữu Minh chia sẻ.
Theo TS Trần Hữu Minh, đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm, trong đó có quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát về việc này. Có thể thực hiện một số giải pháp cụ thể như: xây dựng quy định pháp luật nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với người lái xe, người lái xe cần được cung cấp đầy đủ phân tích về các rủi ro trên lộ trình, thời gian buộc phải chuyển lái không quá hai tiếng, tốc độ ban đêm cần chậm hơn tốc độ giới hạn 10km/giờ,…
Bên cạnh đó, cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, cần bổ sung quy chuẩn trên các tuyến đường quốc lộ có tốc độ cao, thí dụ như từ 60km trở lên, bắt buộc phải có đinh phản quang ở trên đường để hỗ trợ người lái xe ban đêm.
Một giải pháp quan trọng khác là cần tiếp tục lắp đặt thêm camera phạt nguội với mật độ cao trên các quốc lộ nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải vào ban đêm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra trên xe có dây bảo hiểm và xử phạt việc thắt dây bảo hiểm trên xe kinh doanh vận tải, vì theo TS Trần Hữu Minh, nếu những người trên xe thắt dây an toàn thì số thương vong trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng sẽ có thể giảm tới 70%.
“Thực ra, không khó để nghĩ ra các giải pháp như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cái khó nhất là làm sao để tích hợp, chuyển đổi những giải pháp như vậy thành những quy định pháp luật. Phải có quy phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng mới có căn cứ để làm việc được”, TS Trần Hữu Minh khẳng định.
Theo nhandan.com.vn