Điều hòa ô tô hiện là một trong những trang bị không thể hiếu của xe hơi. Đối với những quốc gia có mùa hè nắng nóng như Việt Nam, hệ thống điều hòa ô tô càng trở nên cần thiết hơn nữa.
Điều hòa ô tô và những điều cần biết
Hệ thống điều hòa trên xe ô tô tuy khá quen thuộc và được sử dụng hàng ngày nhưng không phải ai cũng hiểu hết về nó. Bởi vậy Tinxe.vn xin gửi đến bạn những thông tin, kiến thức đầy đủ nhất trong bài viết dưới đây!
Về cơ bản, cấu tạo của các hệ thống điều hòa ô tô đều bao gồm những bộ phận chính như máy nén, bình ngưng, bình làm khô, van giãn nở nhiệt, máy hóa hơi và chất làm lạnh. Trong đó, chất làm lạnh là một dạng chất lỏng, bay hơi ở nhiệt độ thấp.
Cấu tạo điều hòa ô tô
Đầu tiên, máy nén được nối với động cơ bằng dây curoa, hút chất làm lạnh ở thể khí rồi nén ở áp suất cao. Khi bị nén, chất làm lạnh tăng nhiệt độ và được đẩy sang dàn nóng ở phía đầu xe, gần lưới tản nhiệt và có quạt riêng.
Ở dàn nóng, chất làm lạnh được tản nhiệt ở áp suất cao và hóa lỏng, chuyển sang van giãn nở. Tại van giãn nở, áp suất giảm đột ngột nên chất làm lạnh hóa hơi và được chuyển đến giàn lạnh. Khi đến giàn lạnh, chất làm lạnh lấy nhiệt từ môi trường xung quanh khiến nhiệt độ giảm xuống, hơi lạnh được quạt gió thổi ra ngoài. Gió thổi từ dàn lạnh có thể là gió trong, gió ngoài hoặc cả hai.
Sử dụng điều hòa trên xe ô tô đúng cách nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra cũng có nhiều điều cần chú ý. Sau đây là một số cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô hiệu quả cao, mát mẻ, tiết kiệm nhiên liệu mà các bạn cần biết.
Cách sử dụng điều hòa xe ô tô
Làm giảm nhiệt độ trong xe trước khi bật điều hòa
Vào những ngày hè nắng như đổ lửa, nhiều người thường có thói quen bật luôn điều hòa khi bước vào bên trong ô tô. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn ô tô, đây là một thói quen không tốt. Thay vào đó, người dùng ô tô nên làm một số thao tác để giảm nhiệt độ trong xe trước rồi mới bật điều hòa.
Cụ thể, các bạn có thể khởi động máy, hạ kính cửa sổ bên ghế hành khách xuống và đóng/mở cửa xe vài lần để quạt bớt hơi nóng bên trong ô tô ra ngoài. Cách này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc hạ nhiệt độ trong xe, từ đó giảm tải cho điều hòa và giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Cách sử dụng điều hòa ô tô vừa mát vừa tiết kiệm nhiên liệu
Khởi động máy rồi mới bật điều hòa
Thói quen bật điều hòa trước khi khởi động máy có thể gây tốn điện của ắc-quy và dần dần sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của hệ thống làm lạnh. Vì thế, người dùng ô tô nên khởi động máy rồi mới bật điều hòa.
Giảm nhiệt độ bên trong xe trước khi bật điều hòa
Điều chỉnh quạt gió và nhiệt độ thích hợp
Sau khi bật điều hòa, người dùng ô tô nên giảm dần tốc độ quạt gió để tiết kiệm điện. Ngoài ra, bạn cũng không nên chọn mức làm lạnh cao nhất khi mới bật điều hòa vì có thể khiến hệ thống làm lạnh phải hoạt động quá sức.
Điều chỉnh mức độ quạt gió thích hợp
Chọn chế độ lấy gió phù hợp
Chọn chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài sao cho phù hợp là một trong những điều bạn nên biết khi sử dụng điều hòa ô tô. Theo đó, người dùng nên để chế độ lấy gió trong sau khi bật điều hòa để làm mát xe nhanh hơn. Tương tự như vậy, khi chạy trên đường nhiều khói bụi, có mùi khó chịu hoặc trời mưa, chế độ lấy gió trong cũng là lựa chọn phù hợp.
Với chế độ lấy gió ngoài, người dùng nên chọn khi chạy đường dài, qua những khu vực ít khói bụi, có không khí trong lành, để đảm bảo lượng ô-xy bên trong xe.
Tắt điều hòa khi đi vào đường ngập nước
Khi chạy trên đường ngập nước, người dùng nên tắt điều hòa ô tô để tránh rác bẩn làm kẹt quạt gió, gây hỏng hóc cho xe.
Tắt điều hòa rồi mới tắt máy xe
Thay vì làm cùng lúc, người dùng ô tô nên thực hiện theo thứ tự tắt điều hòa trước rồi mới đến tắt máy. Nếu được, các bạn nên tắt điều hòa rồi mở hé các cửa kính để giảm từ từ sự chênh lệch về nhiệt độ giữa không gian trong xe và môi trường bên ngoài.
Theo các chuyên gia tư vấn ô tô, bạn nên kiểm tra hệ thống điều hòa 1 năm 1 lần và bảo dưỡng 2 năm 1 lần với xe ít dùng. Với xe chạy dịch vụ, tài xế nên kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần và bảo dưỡng 1 năm 1 lần.
Bảo dưỡng điều hòa xe ô tô
Những điều cần làm khi khi mang xe đi kiểm tra điều hòa định kỳ
- Kiểm tra quạt gió, bên ngoài các dàn trao đổi nhiệt của hệ thống điều hòa không khí và làm sạch nếu cần
- Kiểm tra lượng ga lạnh và độ lạnh của xe khi bật hệ thống điều hòa ô tô
- Kiểm tra dây curoa dẫn động của máy nén
- Kiểm tra lọc gió cabin và thay mới nếu cần
- Kiểm tra các hiện tượng và tiếng kêu bất thường khác liên quan đến hệ thống điều hòa ô tô
Quy trình bảo dưỡng điều hòa ô tô bao gồm
- Tất cả những mục như kiểm tra định kỳ
- Kiểm tra độ kín của các bộ phận có thể bị rỏ rỉ ga lạnh
- Thay mới phin lọc
- Thay mới ga lạnh và bổ sung dầu bôi trơn
Ngoài kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ, vệ sinh điều hòa ô tô cũng là một điều quan trọng mà các tài xế không nên bỏ qua. Sau đây là các bước cần làm khi vệ sinh điều hòa ô tô.
Xem thêm: Hướng dẫn vệ sinh điều hòa và khử khuẩn khoang lái
Vệ sinh lọc gió ô tô
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người dùng ô tô nên kiểm tra và vệ sinh lọc gió điều hòa sau mỗi 5.000 km. Việc thay lọc gió điều hòa ô tô khá đơn giản. Đầu tiên là tháo cốp trước bên phụ, sau đó lấy lọc gió điều hòa ra. Bước tiếp theo là dùng súng hơi xịt vào giữa các tấm lọc để đánh bay bụi bẩn. Cũng có thể sử dụng thêm dung dịch khử mùi cho lọc gió điều hòa ô tô.
Sau khoảng 20.000 km, người dùng ô tô nên thay lọc gió điều hòa. Nếu thường xuyên đi lại trong môi trường nhiều bụi bẩn, khí hậu nóng ẩm thì bạn nên thay lọc gió điều hòa sớm hơn.
Vệ sinh dàn nóng điều hòa ô tô
Để vệ sinh dàn nóng của điều hòa ô tô, bạn chỉ cần dùng nước sạch, hóa chất chuyên dụng hoặc thổi khí nén vào để làm sạch. Cần lưu ý đưa xe đến garage uy tín, nơi có thợ lành nghề để vệ sinh dàn nóng nhằm tránh làm hỏng khoang động cơ.
Vệ sinh dàn lạnh điều hòa ô tô
Theo phương pháp truyền thống, việc vệ sinh dàn lạnh điều hòa ô tô khá phức tạp. Với phương pháp này, người thợ phải mở táp-lô xe, lấy dàn lạnh ra để vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các garage đều dùng phương pháp "nội soi" để vệ sinh dàn lạnh điều hòa ô tô. Với phương pháp "nội soi" này, thợ chỉ cần tháo lọc gió và quạt điều hòa, đưa camera vào để quan sát dàn lạnh. Sau đó là xịt hóa chất chuyên dụng để vệ sinh và làm sạch dàn lạnh điều hòa ô tô.
Các lỗi điều hòa ô tô thường gặp là liên tục đóng ngắt, bị đóng băng, phát ra tiếng kêu ồn,... Những trục trặc đó sẽ làm giảm khả năng làm mát, gây cảm giác khó chịu cho mọi người trong xe, việc phát hiện sớm các vấn đề sẽ giúp chủ xe nhanh chóng có phương pháp sửa chữa, tránh làm ảnh hưởng đến bộ phận khác.
Điều hòa ô tô đóng ngắt liên tục
Việc đóng/ngắt điều hòa ô tô do các cảm biến và công tắc trên xe điều khiển. Nguyên nhân chính của việc điều hòa ô tô đóng ngắt liên tục là do áp suất gas trong hệ thống cao hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi cảm biến phát hiện áp suất gas không bình thường, hệ thống sẽ tự động ngắt ly hợp lốc điều hòa nhằm bảo vệ các bộ phận khác.
Với lỗi này, người dùng ô tô không thể tự mình sửa chữa vì không có thiết bị chuyên dụng. Giải pháp tốt nhất chính là mang xe ra garage để kiểm tra và sửa chữa.
Điều hòa ô tô bị đóng băng
Có một số nguyên nhân khiến điều hòa ô tô bị đóng băng, bao gồm:
- Dàn lạnh ô tô bị bám bụi bẩn, không được vệ sinh định kỳ khiến gas lạnh không được lưu thông.
- Quạt gió điều hòa bị hỏng, quay chậm, mòn cổ góp... dẫn đến thiếu gió thổi qua dàn lạnh.
- Lọc gió điều hòa ô tô ít được vệ sinh nên bị bám cặn bẩn, tạp chất, làm giảm công suất hoạt động và không khí không được lọc sạch.
- Khi thay mới, chủ xe chọn dàn lạnh ô tô không đúng chủng loại, sai thông số kỹ thuật hoặc dàn lạnh kém chất lượng.
- Van tiết lưu bị hỏng, hoạt động kém, lắp đặt sai thông số kỹ thuật làm ảnh hưởng tới quá trình phun chất làm lạnh vào trong dàn lạnh điều hòa ô tô.
- Gas lạnh trong hệ thống điều hòa xe hơi kém chất lượng hoặc bổ sung sai chủng loại, sai thông số kỹ thuật. Trong một số trường hợp, thiếu gas cũng dẫn đến hiện tượng ngưng tụ hơi lạnh, gây ra hiện tượng điều hòa ô tô bị đóng băng.
- Dàn nóng, lốc điều hòa bị hỏng, hoạt động kém công suất.
- Bộ điều khiển nhiệt độ và bộ cảm biến nhiệt độ của dàn lạnh điều hòa bị hỏng.
Khi thấy điều hòa ô tô bị đóng băng, bạn nên mang xe đến garage để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.
Vì sao điều hòa ô tô bị kêu?
Có một số nguyên nhân khiến điều hòa ô tô bị kêu to, cụ thể như sau:
- Quạt gió quá hạn sử dụng, làm việc quá công suất hoặc thậm chí bị gãy, gây hiện tượng rung và ồn.
- Đường dẫn khí bị cong vênh, thủng, méo mó hoặc rạn nứt trong quá trình sử dụng.
- Cần chuyển số của điều hòa ô tô chưa được gạt hết vị trí theo yêu cầu.
- Đường lấy gió của điều hòa ô tô có nhiều góc lượn nhỏ, khi gió lớn cũng gây ra tiếng kêu bên trong.
- Bộ phận lọc gió quá bẩn.
Nếu bạn thấy điều hòa ô tô phát ra tiếng rít khi khởi động máy, nguyên nhân có thể do dây curoa động cơ. Nếu tiếng rít không xuất hiện khi khởi động máy mà thỉnh thoảng lại phát ra khi xe đang bật điều hòa thì có thể quạt thổi gió gặp vấn đề. Người lái có thể tắt điều hòa và chỉ bật quạt gió để kiểm tra xem có phải quạt thổi gió bị trục trặc hay không.
Nhìn chung, khi thấy điều hòa ô tô bị kêu bất thường, chủ xe nên đến các garage để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục kịp thời, tránh những hỏng hóc nghiêm trọng hơn.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về hệ thống điều hòa ô tô và những điều cần lưu ý. Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được rõ hơn về điều hòa ô tô và không còn cảm thấy bối rối trong quá trình sử dụng.
Theo autopro