Qua phân tích kết quả điều tra, giải quyết của cơ quan tư pháp cho thấy:

Thứ nhất, Tai nạn giao thông đường thủy nội địa tăng 15,8% so với năm 2015 chủ yếu là do căn cứ Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (Số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) để thống kê báo cáo. Luật quy định tai nạn giao thông đường thủy nội địa là tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa do đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện, tàu biển, tàu cá gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở hoạt động giao thông hoặc gây ô nhiễm môi trường (Khoản 29, Điều 3). Ngoài ra, để không bỏ lọt hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường thủy nội địa, tại Điều 101a. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa “Áp dụng pháp luật đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải: “Hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải phải tuân theo quy định của Luật này về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quy định của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, theo quy định của luật, địa bàn và loại phương tiện (bao gồm phương tiện, tàu biển, tàu cá)  xác định vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa được xác định rộng hơn rất nhiều so với đường thủy nội địa. Việc xác định chính xác về địa bàn xảy ra tai nạn có ý nghĩa rất quan trọng trong nhận diện và xác định thẩm quyền điều tra của lực lượng chức năng (Khoản 3 Điều 98d. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa: “Cơ quan Công an khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn trên đường thủy nội địa phải kịp thời triển khai lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn; tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tai nạn giao thông phương tiện chở khách du lịch tại Cà Mau. Ảnh Hà Giang

Thứ hai, năm 2016, thiệt hại về tài sản trong vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa rất lớn so với năm 2015 chủ yếu do các vụ tai nạn do phương tiện thủy đâm va công trình vượt sông gây ra (Hải Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh v.v…). Các vụ tai nạn này đã ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động giao thông vận tải của địa phương và nhiều tuyến giao thông huyết mạch và tình hình phát triển kinh tế- xã hội. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa liên quan đến công trình vượt sông của các cơ quan tư pháp cho thấy, ngoài nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện còn có rất nhiều yếu tố tác động là nguy cơ thường trực tiềm ẩn xảy ra tai nạn. Cụ thể như: Phân cấp tuyến sông đường thủy nội địa, nhất là các tỉnh Nam bộ còn chưa hợp lý ở nhiều đoạn, tuyến (cấp II, III) dẫn đến phương tiện trọng tải lớn hoạt động trong khu vực cầu vượt sông có khoang thông thuyền nhỏ, độ cao tĩnh không thấp thường đâm va vào cầu, trụ chống va cầu. Tổ chức hạn chế luồng phục vụ sửa chữa, thi công công trình cầu vượt sông nhưng bố trí điều tiết chưa hợp lý; hệ thống cảnh báo, chiếu sáng chưa phù hợpHệ thống biển báo hiệu đường thủy nội địa nhiều tuyến, luồng còn thiếu, không đảm bảo đúng với quy định của luật còn nhiều, xảy ra ở hầu hết các địa phương v.v…

Thứ ba, Số người chết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ tai nạn (0,63 người/vụ tai nạn) chủ yếu là do số vụ tai nạn có liên quan đến phương tiện chở khách, phương tiện dân sinh: 28/114 vụ, chiếm 24/5%, số người chết 38/72 người, chiếm 53%. Loại phương tiện này thường chở những người thân trong cùng gia đình, làng, xã, trường học, cơ quan, tập thể v.v... nên tuy số vụ tai nạn xảy ra có tỷ lệ không cao nhưng khi đã xảy ra thường có hậu quả thảm khốc thương tâm lâu dài, thiệt hại rất lớn về tính mạng, ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng, bà con lối xóm và dẫn đến hệ lụy trên địa bàn lớn. Điển hình như: Vụ tai nạn xảy ra ngày 8/5/2016 tại Bản In- xã Tân Phong- Phù Yên- Sơn La làm chết 3 người/9 người đi hóng mát trên sông; ngày 25/6/2016 tại Hồ thủy điện Đại Ninh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng làm chết 3 người đi thu mua sầu riêng; ngày 4/6/2016 trên sông Hàn tại Đà Nẵng làm chết 3 người khách du lịch v.v… hoặc trước năm 2016, ngày 7/6/2015 xảy ra vụ lật thuyền trên lòng hồ Trị An, thị trấn Vĩnh An, Đồng Nai làm chết 3 cháu nhỏ; vụ tàu khách đâm vào trụ cầu ở Cà Mau tháng 11/2015 làm chết 4 người v.v… Vụ tai nạn xảy ra ngày 20/4/2014 trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp Bưng Rò, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh làm chết 4 người.

Phân tích các vụ tai nạn đối với loại hình phương tiện này cho thấy: Phương tiện vận tải hành khách ngang sông, dân sinh chở người thường là phương tiện loại nhỏ, máy công suất thấp, nhiều phương tiện chèo tay thường chở quá tải, chất lượng phương tiện không đảm bảo, cũ nát, nên khi hoạt động dễ bị lật, tự chìm đắm khi mất trọng tâm, khi có sóng to, gió lớn. Tình trạng hoạt động phương tiện không đăng ký mở bến, không được chính quyền cấp phép, không đăng ký, đăng kiểm hoặc có đăng ký, đăng kiểm nhưng đã hoán cải nhằm mục đích tăng diện tích, trọng tải phục vụ kinh doanh vận tải nên thường không đảm bảo về phương tiện cứu sinh, cứu đắm, khi có tai nạn xảy ra thường không có tài liệu dùng làm căn cứ đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật, sức chở chính xác của phương tiện. Đối với loại phương tiện tàu cao tốc, là loại phương tiện khoang kín nhưng thường sử dụng phương tiện loại cũ, lâu năm, hoán cải nhiều lần nên độ an toàn thấp, dễ xảy ra tình trạng chết máy, tự trôi; cháy, nổ trên phương tiện v.v... gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng hành khách tham gia giao thông đường thủy. Do nơi xảy ra tai nạn thường xa khu vực dân cư nên việc phát hiện và tổ chức cứu hộ, cứu nạn thường chậm. Có vụ tai nạn thiệt hại ban đầu không lớn nhưng do không được phát hiện và tổ chức cứu hộ kịp thời nên hậu quả trở nên rất nghiêm trọng (số người chết tăng do không được cứu vớt kịp thời, phương tiện bị chìm đắm sâu, trôi dạt dưới mặt nước…). Hoạt động giao thông đường thuỷ dân sinh thường bị chi phối bởi tập quán, kinh nghiệm, hành nghề theo cha truyền, con nối nên rất khó thay đổi nhận thức thói quen khi tham gia giao thông. Người lái, điều khiển phương tiện thường chủ quan, vô ý hoặc không đủ điều kiện theo quy định, chủ yếu là theo kinh nghiệm nên không có những hành động cụ thể phòng chống tai nạn như chở quá nhiều người; không nhắc nhở, yêu cầu đảm bảo an toàn cho người khi đi trên phương tiện. Không biết điều khiển phương tiện đúng hướng, luồng, chạy đè sóng, dựa hướng gió khi có thời tiết xấu xảy ra dẫn đến lật, chìm phương tiện. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ khởi tố điều tra theo tố tụng chưa cao, nhiều vụ không tiến hành điều tra giải quyết được đối với loại hình tai nạn này do người điều khiển phương tiện đã chết trong vụ tai nạn; phương tiện và người đi trên phương tiện mất tích. Đặc thù phương tiện chở người nên số người đi trên phương tiện nhiều, thường đi lại, lên xuống lộn xộn mất trọng tâm phương tiện và không được hướng dẫn hoặc được hướng dẫn nhưng không chấp hành các biện pháp tự cứu sống cho bản thân nên khi xảy ra tai nạn chìm, đắm không tự thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm dẫn đến thiệt mạng nhiều.

Thứ tư, căn cứ Bộ luật hình sự hiện hành, các tội liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường thủy được quy định từ điều 212 đến 215, trong đó hậu quả của vụ tai nạn là yếu tố bắt buộc cấu thành vụ TNGT đường thuỷ, là căn cứ rất quan trọng để phân công, phân cấp điều tra cũng như quyết định hình thức xử lý đối tượng gây tai nạn. Tuy nhiên hiện nay việc xác định thiệt hại về tài sản trong vụ tai nạn còn chưa được thống nhất, không có danh mục cụ thể, còn tình trạng không lập được hội đồng định giá thiệt hại (Căn cứ vào quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT- BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ Luật hình sự về các tội xâm phạm TTATGT; quy định tại khoản 4 Mục I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của ngành, có thể phân loại TNGT).

Tai nạn giao thông phương tiện chở khách. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức khảo sát, đánh giá các vị trí nguy hiểm liên quan đến tai nạn giao thông giữa phương tiện thủy và công trình vượt sông và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công để có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp cấp bách phòng ngừa tai nạn xảy ra (số 3076/BCA-C67 ngày 15/12/2016). Đồng thời chỉ đạo Công an các địa phương điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Qua phân tích tình hình tai nạn và kết quả công tác điều tra, giải quyết của lực lượng Cảnh sát nhân dân đối với loại tai nạn giao thông đường thủy liên quan phương tiện đâm va công trình vượt sông; phương tiện chở người, vận tải hành khách; từ những đặc điểm về phương tiện, địa bàn, người điều khiển và người tham gia giao thông như trên, để góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy xảy ra cho thấy:

Trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa về cảng, bến thủy nội địa và nhất là Điều kiện hoạt động của phương tiện. Hiện nay, trên nhiều tuyến, có thể nói là trên tất cả các tuyến đường thủy nội địa đều có các phương tiện thuộc diện phải quản lý về hoạt động phương tiện còn đang thiếu sự quản lý của nhà nước trong đảm bảo điều kiện hoạt động của phương tiện. Trách nhiệm quản lý hạ tầng của Bộ Giao thông vận tải (văn bản kiến nghị) nêu ví dụ Cầu Hạc Trì, Việt Trì; Phao neo tàu biển của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ v.v…; Bộ Giao thông vận tải chưa có văn bản xác định vị trí nguy hiểm về an toàn giao thông trên đường thủy nội địa. Thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, Bộ Giao thông đã có Thông tư quy định về bắt buộc sử dụng áo phao dụng cụ cứu sinh trên phương tiện chở khách nhưng vấn đề ở loại phương tiện dân sinh chở người đang còn diễn ra ở các vùng miền (Ví dụ ở các vùng sâu, xa, đồng bằng sông Cửu Long) v.v… chưa có quy định về quản lý và thực hiện phòng chống tai nạn trên đường thủy nội địa.

Các văn bản của Chính phủ như Nghị quyết 88, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới đều quy định nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý, tuy nhiên chưa đề cập đến việc quản lý phương tiện dân sinh, bến dân sinh trên địa bàn được phân công. Trách nhiệm của UBND các cấp, nhất là cấp xã đối với hoạt động phương tiện thủy trên địa bàn (Ví dụ: Tai nạn xảy ra ở các hồ thủy điện, điển hình: Hồ Hòa Bình, hồ Trị An, hồ Sơn La, Lai Châu v.v… sông Son ở Quảng Bình; phương tiện nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long) v.v…

Tai nạn giữa xà lan và cầu Cái Trăng ở Cà Mau. Ảnh Hà Giang

Để nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới, đồng thời phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra, kiến nghị trong thời gian tới:

1. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, ban hành các văn bản:

- Văn bản quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa (điểm đen) để thống nhất các Bộ, ngành các hình thức, biện pháp tổ chức phòng ngừa, giải quyết khi có vụ tai nạn xảy ra.

- Nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về đảm bảo an toàn hoạt động phương tiện thủy nội địa được quy định tại Luật bổ sung  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (thay thế Thông tư 15). Hướng dẫn về đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa theo quy định của Luật Bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là đối với phương tiện loại nhỏ, phương tiện gia dụng.

2. Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành chức năng khẩn trương rà soát, xây dựng phương án phòng ngừa, phân công trách nhiệm từng lực lượng trong việc xử lý các vị trí nguy hiểm nguy cơ xảy ra tai nạn giữa phương tiện thủy và công trình cầu vượt sông trên địa bàn, tập trung những công trình liên quan cầu đường bộ và đường sắt; Kiên quyết xử lý triệt để đối với các công trình, cảng bến (kể cả được cấp phép) hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình vượt sông để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

3. Trong quá trình xây dựng văn bản của Chính phủ điều chỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tư an toàn giao thông đường thủy nội địa, cơ quan chức năng cần quy định rõ về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý nhà nước về phương tiện chở khách, phương tiện dân sinh trên địa bàn được quản lý để hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra. Chủ tịch UBND cấp xã, Chính quyền các cấp, các bộ, ngành có kế hoạch, phương án cứu hộ, cứu nạn tình huống chìm, đắm phương tiện, tai nạn đường thủy xảy ra. Tập huấn rộng khắp đến từng cấp cơ sở hoạt động sơ cứu, cấp cứu về đuối nước, nhất là đuối nước trẻ em để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng người bị tai nạn.

4. Lực lượng Cảnh sát nhân dân căn cứ nội dung luật định và những văn bản mới ban hành để xây dựng các văn bản phù hợp thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; luật tố tụng hình sự và các đạo luật khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động điều tra, giải quyết tai nạn giao thông nói chung. Tổ chức có hiệu quả công tác điều tra các vụ TNGT đường thuỷ có liên quan đến phương tiện chở người, chở khách để xác định chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn, lỗi của các bên có liên quan trong vụ tai nạn và đặc biệt là phát hiện những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Tham mưu cho ngành nội chính đưa các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ra xét xử tại nơi xảy TNGT để răn đe, cảnh báo, phòng ngừa giáo dục chung./.

Nguồn: Lê Anh Chiến,

Phòng Điều tra TNGT, Cục CSGT