Krabi, Thái Lan: Những cụm đèn giao thông được mang vác bởi một người tiền sử. Trong những hang động đá vôi ở tỉnh Krabi, Thái Lan, người ta đã tìm thấy dấu tích của những người tiền sử, vì vậy, cột đèn này được dựng lên như một cách để nhắc nhớ về lịch sử lâu đời của mảnh đất này.
Prague, Séc: Con đường hẹp nhất trong thành phố phải trang bị đèn giao thông để không xảy ra tình trạng “ùn tắc” nơi giữa con hẻm. Nếu chẳng may có hai người đi từ hai đầu, thì một trong hai người sẽ phải đi giật lùi trở lại, bởi con hẻm quá hẹp đến mức hai người không thể đi ngang qua nhau.
Để tránh tình trạng này, người ta lắp đèn giao thông, để ai đi qua thì bấm nút, đầu bên kia ngay lập tức hiện ra tín hiệu đèn đỏ. Tuy vậy, con hẻm này cũng không dành cho những người “quá khổ” bởi một du khách từng bị mắc kẹt ở đây và người ta đã phải đổ thật nhiều bọt xà bông lên du khách này để “khổ chủ” có thể “trượt” ra khỏi con hẻm.
Đức: Trước đây, nước Đức sử dụng những biểu tượng hình người cách điệu trong tín hiệu đèn giao thông rất được người dân yêu thích. Những hình người trông khá dễ thương, khắc họa hình ảnh một người đàn ông “tròn trĩnh” đội mũ, đi giày, khoác áo, đang bước đi hoặc giơ tay sang ngang… Về sau những biểu tượng này bị thay thế bằng biểu tượng đơn giản hơn.
Biểu tượng mới chỉ khắc họa hình người cơ bản, không có những chi tiết như giày, mũ, áo… vì vậy, người dân đã rất nuối tiếc và thực hiện một chiến dịch yêu cầu chính quyền phải đưa biểu tượng “Ampelmann” trở lại. Đến năm 1997 thì “Ampelmann” bắt đầu xuất hiện trở lại trên các con phố nhỏ và những khu dân cư để đem lại sự thân thiện trong giao thông.
Trên những tuyến phố lớn thì “Ampelmann” không xuất hiện. Du khách đến Đức du lịch còn có thể tìm được rất nhiều đồ lưu niệm có hình “Ampelmann” - một nhân vật giao thông được yêu quý của người Đức.
Zwickau, Đức: Giờ đây bên cạnh “Ampelmann” khắc họa đàn ông, còn có “Ampelwoman” khắc họa phụ nữ. Ở thành phố Zwickau, Đức, kể từ năm 2004, một số đèn giao thông đã được thay thế thành hình ảnh “Ampelwoman” để thể hiện sự bình đẳng giới.
Nhiều thành phố khác của Đức cũng hành động theo Zwickau. Gần đây, thành phố Dortmund thậm chí còn đang cân nhắc ý tưởng đặt “quota” cho đèn giao thông, với 50% cột đèn hình “Ampelmann” và 50% hình “Ampelwoman”.
Munich, Đức: Munich, Vienna, Berlin và Hamburg… là một số thành phố đã sử dụng tín hiệu đèn giao thông để thể hiện sự ủng hộ cho quyền bình đẳng của người đồng giới. Một số cột đèn tín hiệu ở những thành phố này đã sử dụng hình ảnh cặp đôi đồng giới, trong ảnh là một cột đèn ở Munich, Đức.
Fredericia, Đan Mạch: Những cụm đèn giao thông khắc họa hình người lính ở thị trấn Fredericia là để nhắc nhớ tới một trận đánh khốc liệt từng diễn ra ở đây hồi năm 1849 khiến 1.781 lính Đan Mạch bị thương vong nhưng sau cùng họ đã giành được chiến thắng và bảo vệ bình yên cho vùng đất này.
Odense, Đan Mạch: Nhiều cụm đèn giao thông ở thành phố Odense được thực hiện theo hình một người đàn ông với phong cách thời trang cổ điển, đó là một nhân vật khiến người dân bản địa rất tự hào - nhà văn nổi tiếng với những sáng tác dành cho thiếu nhi, tác giả của câu chuyện “Cô bé bán diêm” - Hans Christian Andersen.
Utrecht, Hà Lan: Đèn giao thông hình chú thỏ Miffy - nhân vật quen thuộc với tuổi thơ tại nhiều nước trên thế giới, từng xuất hiện trong nhiều cuốn truyện tranh dành cho trẻ nhỏ được sáng tác bởi họa sĩ người Hà Lan Dick Bruna. Nhà văn sinh ra ở Utrecht, vì vậy, thành phố này đã đưa thỏ Miffy lên tín hiệu đèn giao thông.
Ulan Bator, Mông Cổ: Đèn giao thông nơi đây khắc họa các môn thể thao truyền thống của người dân bản địa như cưỡi ngựa, đấu vật, bắn cung…
London, Anh: Đèn tín hiệu dành cho người cưỡi ngựa tham gia giao thông có thể được tìm thấy trong công viên Hyde Park và quận Wimbledon ở London, Anh, nơi không gian đủ lý tưởng để những người có thú vui cưỡi ngựa có thể rong ruổi.
London, Anh: Cụm đèn giao thông này không phải được sử dụng để điều khiển giao thông, mà là một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ người Pháp - Pierre Vivant. “Cây đèn giao thông” cao 8m, được “trồng” từ năm 1998.
Thoạt tiên, người tham gia giao thông không thích tác phẩm này bởi họ cảm thấy rất dễ bị nhầm lẫn, hốt hoảng, vì vậy, “cây đèn giao thông” được “nhổ rễ”, chuyển tới một khu vực khác có mật độ giao thông thấp. Từ đó, nó trở thành một địa điểm rất được du khách và người dân bản địa yêu thích.
Nguồn : Dân trí – Quốc HưngSt