Những ứng dụng thời đại

Chiều tối 29-8, qua đường dây nóng 1022, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (TTQLĐHSSG) tiếp nhận cuộc điện thoại từ người dân gọi đến báo tin xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do mất tín hiệu tại hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở giao lộ đường Vĩnh Khánh - Hoàng Diệu thuộc phường 8, quận 4. Gần như ngay lập tức, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân, đầu mối TTQLĐHSSG đã chuyển tin đến đúng địa chỉ và rồi chưa đầy 24 giờ sau, vào 2 giờ chiều 30-8, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở GTVT - đơn vị thay mặt Sở GTVT quản lý địa bàn, đã khắc phục xong sự cố đèn tín hiệu.

Theo dõi tình hình giao thông tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

Lúc 16 giờ 56 ngày 23-8, người dân gọi đến đường dây nóng 1022 báo tin mặt đường bị sụt lún tại đoạn trước địa chỉ 33M đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Sau khi được TTQLĐHSSG thông báo, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 lập tức xác minh và nhanh chóng phản hồi: Tình trạng sụt lún này là do việc lắp đặt thủy lượng kế cấp nước do Công ty Cấp nước Trung An làm chủ đầu tư. Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã yêu cầu Công ty Cấp nước Trung An đến hiện trường kiểm tra và xử lý khắc phục.

Buổi tối 27-8, TTQLĐHSSG nhận được tin báo của người dân về việc xuất hiện ổ gà đoạn trước số nhà A1/12 quốc lộ 50, ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Nhận được tin báo, đến sáng 29-8, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 đã tiến hành thảm nhựa, khắc phục xong sự cố.

Trên đây là một vài điển hình người dân báo tin đến cơ quan chức năng thông qua những ứng dụng hiện đại đã được Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động. Ngoài đường dây nóng 1022, Sở GTVT còn có nhiều “kênh” kết nối với người dân khác. Có thể nhắc đến phần mềm thông tin xử lý hạ tầng kỹ thuật có tên gọi “Phản ánh sự cố hạ tầng” có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android và IOS nhờ đó người dân có thể chụp ảnh và gửi tin phản ánh các sự cố hạ tầng về Sở GTVT. Một công cụ khác là trang Facebook của Sở GTVT với đường link là https://www.facebook.com/sgtvthcm. Khi vào trang facebook này, người dân có thể trực tiếp phản ánh các bất cập hoặc nêu các ý kiến, đề xuất của bản thân liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Ngoài số tiếp nhận 1022, ngay tại đầu mối tiếp nhận là TTQLĐHSSG còn có một đường dây nóng khác là 1800.599.938 của chính TTQLĐHSSG. Cả hai đường dây nóng 1800.599.938 và 1022 đều hoạt động 24/24 giờ và hoàn toàn miễn phí cho các cuộc gọi đến báo tin.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin các sự cố giao thông nhanh chóng được khắc phục

Vẹn cả đôi đường

Dù là đường dây nóng 1800.599.938 hay phần mềm Metronet tiếp nhận thông tin từ 1022 được Sở GTVT tiếp nhận từ Tổng công ty Điện lực thành phố hồi đầu năm 2016, hoặc qua trang Facebook của Sở GTVT hay sử dụng phần mềm “Phản ánh sự cố hạ tầng” trên điện thoại thông minh, điều ghi nhận đầu tiên là mặc dù vẫn còn mới mẻ, nhưng các “kênh” nối kết này đang từng bước nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ phía người dân thành phố. Trung bình mỗi tháng, TTQLĐHSSG tiếp nhận trên dưới 100 tin báo thông qua hai đường dây nóng 1800.599.938 và 1022. Trong khi đó, từ ngày 29-8 đến ngày 28-9, Sở GTVT đã tiếp nhận 20 tin báo từ điện thoại đi động của người dân thông qua phần mềm “Phản ánh sự cố hạ tầng”.

Bản thân các loại tin báo gửi về Sở GTVT thông qua các “kênh” tiếp xúc trên cũng rất đa dạng, nhiều vẻ: tin báo sự cố ổ gà; ùn tắc giao thông vì hệ thống đèn xanh đèn đỏ bị trục trặc, không hoạt động; mặt đường trồi sụt hoặc bong tróc lớp nhựa; công trình thi công kéo dài gây phiền toái cho người dân; dải phân cách bị tháo ốc vít; đất đá do ai đó đổ tràn ra đường gây cản trở đi lại của người dân; mặt cầu bị đọng nước khiến trơn trượt; mặt đường trơn trượt do có nhớt chảy đọng thành vũng… Đặc biệt, khi phản ánh thông tin sự cố qua hai đường dây nóng 1800.599.938 và 1022, người phản ánh đều nhận được thông tin phản hồi từ TTQLĐHSSG sau khi sự cố được xử lý, khắc phục xong.

Hưởng lợi từ việc đưa vào ứng dụng các “kênh” liên lạc hiện đại, tân tiến này không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cho chính bản thân người dân. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Sở GTVT, những “kênh” liên kết này đã giúp sở tiếp nhận thông tin từ người dân một cách nhanh chóng, thiết thực và rồi sở kịp chỉ đạo các cơ quan quản lý địa bàn trực thuộc kịp thời khắc phục sự cố, qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong khi đó người dân thì có “kênh” phản ánh sự cố hoặc bày tỏ ý kiến, đề xuất của bản thân liên quan đến việc quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan đến nơi họ sinh sống.

                                          Thao tác phản ánh sự cố trên điện thoại di động

Người dân trước hết thao tác mở kho ứng dụng CH Play rồi cài đặt phần mềm “Phản ánh sự cố hạ tầng” vào diện thoại của mình. Yêu cầu đó là loại điện thoại thông minh (Smartphone) dùng hệ điều hành Android và IOS.

Bước tiếp theo sau khi mở kho ứng dụng CH Play, cài đặt phần mềm “Phản ánh sự cố hạ tầng” (có biểu tượng chữ HT) là mở hệ thống định vị GPS hoặc Glonass trên điện thoại. Kích mở ứng dụng, xuất hiện chế độ chụp ảnh. Người dân có thể chụp ảnh đưa thẳng lên phần mềm hoặc có thể thoát chế độ chụp ảnh để lấy ảnh có sẵn trong điện thoại đưa lên phần mềm gửi lên mạng của Sở GTVT (cùng lúc có thể đưa lên 3 ảnh).

Người dân cũng có thể dùng tọa độ của hệ thống định vị hiện sẵn nếu không rõ vị trí hoặc gõ chính xác lại vị trí cần phản ánh sự cố hạ tầng.

Trước khi bấm nút “Gửi”, người dân có thể khai báo thêm nội dung phản ánh, loại hạng mục cần phản ánh, như cầu, đường, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước…

Theo Sài Gòn Giải Phóng- Ong Vò Vẽ sưu tầm