Ông Lê Kim Thành Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phát biểu tại Hội thảo
Sáng 26/7, Bộ GTVT và cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo công nghệ quản lý và bảo trì đường bộ của Nhật Bản và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT cho biết, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được xác định là một trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu thế giới của mình, các bài trình bày, các ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản tại đây ngày hôm nay sẽ là một trong các nguồn tham khảo giúp Bộ GTVT trong việc xem xét, định hướng triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam nói chung và công tác quản lý, bảo trì đường bộ nói riêng. Trong thời gian tới, Bộ GTVT rất mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ Nhật Bản, các Hội, các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản, các công ty, chuyên gia Nhật Bản trong công tác xây dựng, quản lý và bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam”, ông Thành nói.
Trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm huy động nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, mang lại những đổi mới nhất định và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trên các vùng miền và cả nước, phải kể đến các công trình lớn và hiện đại như các tuyến đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển…
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang gặp nhiều thách thức trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể như nhu cầu đầu tư lớn trong khi huy động nguồn lực khó khăn, đầu tư chưa cân đối giữa các lĩnh vực, chi phí xây dựng lớn, công nghệ mới chưa được áp dụng nhiều và hiệu quả, một số công trình chất lượng còn chưa cao.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo trì công trình giao thông, Bộ GTVT đã thường xuyên đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình giao thông trên hàng đầu trong công tác quản lý xây dựng và đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn các đơn vị triển khai đồng loạt nhiều giải pháp tích cực. Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện các “Năm chất lượng công trình” với các nội dung “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ”, trong đó mục tiêu chính là siết chặt quản lý chủ thế tham gia dự án. Qua đó, công tác quản lý chất lượng các công trình đường bộ ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Về phía Nhật Bản, ông Takuya Kudo - Bí thứ thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản cho biết trong bối cảnh xây dựng cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ cấp bách để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng mà việc quản lý và duy trì chất lượng cũng là chủ đề rất quan trọng.
Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo
“Ngay tại Nhật Bản, sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng trong thời kỳ phát triển cao độ cũng là một vấn đề lớn, tôi cho rằng đây cũng là vấn đề Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai. Trong bối cảnh đó, tôi mong rằng những kinh nghiệm, kỹ thuật quản lý bảo trì của Chính phủ, các trường, hội của Nhật Bản được chia sẻ, thảo luận trong buổi hội thảo này sẽ có ý nghĩa”, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản chia sẻ.
Tại buổi Hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu 7 công nghệ góp phần giải quyết các vấn đề trong công tác bảo trì đường bộ như ứng dụng kết cấu thép trong cơ sở hạ tầng đường bộ, các phương pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ thảm họa phổ biến tại Nhật, cáp dự ứng lực độ bền cao, phương pháp sửa chữa vết nứt trường hợp xâm nhập Cloride và bê tông cốt thép, phương pháp giám sát vết nứt cơ sở hạ tầng từ xa....
Chuyên gia JICA đã giới thiệu về các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc đến công tác bảo trì ngay từ giai đoạn thiết kế, thi công để có thể thực hiện bảo trì một cách hiệu quả. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của Trung tâm Công nghệ xây dựng Tiên tiến (ACTEC). Trung tâm giới thiệu việc sử dụng công nghệ mới ở Nhật Bản và phổ biến công nghệ xây dựng tại Thái Lan, nêu lên tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ trong xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Theo tapchigiaothong.v