Hệ thống quản lý bến xe đang được áp dụng tại Bến xe phía Bắc TP Lạng Sơn lưu giữ mọi thông tin về số lượng vé, số khách, phí dịch vụ, tần suất hoạt động của các xe... và các bộ phận của bến đều có thể nắm được - Ảnh: Hữu Tuấn
Kỳ 1: Tiện ích, minh bạch, tiết kiệm
Thực trạng ngày càng nhiều bến xe tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại, tiện nghi đã đánh dấu một bước ngoặt lớn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên toàn quốc.
Hiện đại như những bến xe hàng đầu ở Nhật
Sáng 19/9, tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bến xe Sa Pa được khánh thành với qui mô gồm 6 tầng nổi, 1 tầng hầm với tổng diện tích 4.012m2 cho sức chứa tối đa gần 300 xe, với tổng suất đầu tư lên đến hơn 200 tỉ đồng. Được đánh giá sánh ngang với những bến xe hàng đầu ở Nhật Bản, bến xe Sa Pa áp dụng hệ thống điều hành tự động thông minh, quản lý xe ra vào bằng thẻ từ, có camera giám sát theo quy trình liên hoàn và khép kín.
Tháng 7/2016, bến xe trung tâm TP Thái Nguyên đi vào hoạt động với tổng diện tích 43.411,73m2, 68 vị trí đón khách, 29 vị trí trả khách; hơn 5.000m2 bãi đỗ xe chờ; gần 2.300m2 diện tích bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác; phòng chờ cho hành khách gần 1.000m2… Ngay khi khánh thành, bến xe đã áp dụng công nghệ điều hành tự động, các xe vào bến quẹt thẻ tại cổng vào; hệ thống sẽ chụp ảnh biển số, lưu lại thông tin giờ vào. Nếu xe không đủ điều kiện vào bến, hệ thống không nâng barie, xe phải làm lại thủ tục vào bến. Khi vào bến, xe được cấp phép lên nốt, bán vé và khi hoàn tất thanh toán sẽ được cấp lệnh rời bến. Lúc này, xe quẹt thẻ tại cổng ra.
“Bến xe áp dụng phần mềm điều hành của Công ty CP Tư vấn và chuyển giao công nghệ Sơn Phát, gần như không có sự can thiệp của con người, vừa nâng cao năng suất lao động, tăng tính minh bạch, vừa tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp”, ông Phạm Đăng Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên - chủ đầu tư bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên cho hay.
Bến xe phía Bắc Lạng Sơn ứng dụng quản lý theo công nghệ hiện đại
Nhà xe thích, hành khách ưng
Sáng 14/9, sau khi xếp 5 hành khách lên xe, phụ xe khách BKS 34M - 3641 chạy tuyến Lạng Sơn - Hải Dương đến bộ phận điều độ của bến xe phía Bắc Lạng Sơn hoàn tất thủ tục xuất bến và nhận lại tiền bán vé ở quầy. 10h, xe di chuyển ra cổng, bộ phận bảo vệ của bến kiểm đếm lại số lượng hành khách, sau đó lái xe quẹt thẻ để barie mở ra. “Quản lý bến bằng công nghệ giúp nhà xe giảm bớt thủ tục khai báo thủ công, không phải chạy bộ đến từng bộ phận để đóng dấu, giờ chỉ cần làm việc với phòng điều độ, nhận lệnh xuất bến rồi quẹt thẻ là xe xuất bến. Chỉ khi đủ điều kiện, các thông số khớp, quẹt thẻ barie mới nâng lên, xe mới ra được khỏi bến, nên đã hạn chế được một số xe cố tình chạy sớm, chạy muộn”, phụ xe khách BKS 34M - 3641 cho hay.
Chị Trần Thu Giang, hành khách trên xe BKS 34M-3641 cho hay, trước đây ngại vào bến vì xe thường chạy “rùa bò”, thủ tục lâu, cả tiếng vẫn loanh quanh trong bến. Nay thủ tục ra khỏi bến nhanh gọn, khách lại ngại bắt xe dọc đường vì sợ thiếu chỗ ngồi.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách (sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012), trước ngày 31/12/2018, các bến xe khách từ loại 4 trở lên phải áp dụng phần mềm quản lý bến xe, hệ thống camera giám sát và kết nối, truyền dẫn dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (http://benxe.goc.vn) theo định dạng và giao thức truyền dữ liệu đã hướng dẫn. |
Ông Lộc Viết Nghĩa, Phó bến xe phía Bắc Lạng Sơn cho biết, trước đây, các thủ tục xuất bến, bán vé, khai báo, thống kê ngày giờ ra vào bến, quyết toán… đều phải thực hiện thủ công trên giấy, mất nhiều ngày để cộng trừ, nhân chia, xảy ra sai số gây tranh cãi giữa bến và nhà xe. “Giờ áp dụng phần mềm quản lý bến, khi xe vào vị trí xếp nốt đón khách, bến xe sẽ phát thanh thông báo để hành khách biết, nhân viên quầy vé sẽ cập nhật số lượng vé, số sơri vé vào phần mềm và bàn giao tiền vé cho bộ phận điều độ. Lúc này, lái, phụ xe sẽ đến bộ phận điều độ làm thủ tục xuất bến và nhận lại tiền bán vé tại quầy. Xác nhận xe đủ điều kiện xuất bến, bộ phận điều độ sẽ tích vào ô “đồng ý” trên phần mềm. Khi xe ra cổng bến, bộ phận bảo vệ lên xe kiểm lại số khách, lái xe quẹt thẻ và barie cổng ra sẽ mở khi mọi thông tin trùng khớp”, ông Nghĩa thông tin.
Hệ thống phần mềm quản lý bến xe sẽ lưu giữ tất cả thông tin trên và các bộ phận của bến đều có thể nắm được. Phần mềm cũng giúp bến xe kiểm soát tiền phí dịch vụ ra vào bến, tần suất hoạt động của các nhà xe để báo cáo với Sở GTVT.
Bến xe phía Bắc Lạng Sơn ứng dụng quản lý theo công nghệ hiện đại
Tại Nghệ An, từ giữa năm 2017, Công ty CP Bến xe Nghệ An đã chi trả hơn 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý bến và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN tại 10/13 bến xe trên địa bàn. Ông Trần Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: Chúng tôi đã đầu tư đồng bộ để thay đổi toàn diện công tác quản lý, vận hành bến xe. Tuy việc lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý bến gây tốn kém một số tiền nhất định cho doanh nghiệp, nhưng mang lại lợi ích cho cả 3 bên: Tạo ra hình ảnh bến xe văn minh hiện đại, tránh thất thoát, tiêu cực; Doanh nghiệp vận tải tiện lợi, nhanh chóng về thủ tục ra vào bến; Cơ quan quản lý nhà nước tăng khả năng giám sát hoạt động các bến xe… “Việc đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý là xu thế tất yếu của sự phát triển. Mặc dù việc đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng mang hiệu quả lâu dài”, ông Thành cho hay.
Là người đã trực tiếp khảo sát ý kiến các lái xe, doanh nghiệp vận tải, người dân... cần gì ở một bến xe, cần gì để thích vào bến xe hơn bắt xe ngoài đường, để hạn chế tình trạng bến cóc xe dù, ông Phạm Đăng Thiện cho hay: Các doanh nghiệp vận tải nói cần sự công bằng, minh bạch, sợ có sự can thiệp trong điều độ xe, sợ bảo kê, “đầu gấu” trong bến... Người dân nói cần sự tiện nghi, chất lượng phục vụ. “Để giải quyết bài toán này, chỉ có cách quản lý bến theo công nghệ điện tử, không có sự can thiệp của con người, như vậy, cả doanh nghiệp lẫn hành khách mới thích vào bến, mới hạn chế “từ gốc” tình trạng bến cóc, xe dù”.
Theo atgt.vn