"Giao thông công cộng hướng tới phát triển đô thị xanh bền vững" là chủ đề chính của cuộc hội thảo do Cục Hà tầng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Hà Nội ngày 21/10.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, sự tăng nhanh về số lượng đô thị và dân số chưa tương xứng với chất lượng. Nhiều đô thị đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường như không khí, nguồn nước, thiếu không gian xanh…
Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng triển khai rà soát điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là những nơi có mật độ đô thị hóa, mật đô dân số cao, đã tác động rất lớn đến giao thông công cộng.
Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục do quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng Nguyễn Hồng Tiến, giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị và có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng đô thị theo hướng xanh về bền vững. Giao thông công cộng là bộ phận cấu thành của hệ thống giao thông vận tải đô thị.
Chiến lược Phát triển giao thông vận tải của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản về phát triển giao thông công cộng.
Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn; đảm vảo tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 25-30% đến năm 2020; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại – an toàn – tiện lợi. Đồng thời, kiểm soát gia tăng phương tiện cá nhân.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận xét, hệ thống vận tải hành khách công cộng của các thành phố tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là quy hoạch mạng lưới này mang tính bị động, “đuổi” theo sau phát triển của đô thị và hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt thiếu về quy mô, yếu về chất lượng, tiêu chuẩn thấp và ngày càng xuống cấp khiến dịch vụ xe buýt bộc lộ nhiều bất cập như quá tải trong giờ cao điểm. Có những xe buýt 80 chỗ nhưng “chất” tới hơn 170 hành khách.
Bởi vậy, nếu không có giải pháp toàn diện và thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện hệ thống vận tải công cộng tại các đô thị thì Việt Nam sẽ tiếp tục lún sâu vào phụ thuộc phương tiện cơ giới cá nhận khiến ùn tắc và tại nạn gia tăng, cùng đó là ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ông Khuất Việt Hùng mạnh dạn đề xuất phải tích hợp các loại quy hoạch từ phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất cho đến xây dựng đô thị và nên giao Bộ Xây dựng làm đầu mối kết nối. Có như vậy vận tải công cộng mới trở thành động lực phát triển đô thị.
Ông Choi Hyung-Wook – Giám đốc Ban Quy hoạch giao thông – Cơ quan kiểm soát xây dựng đô thị quốc gia (NAACC) Hàn Quốc đã chia sẻ về các chính sách giao thông đô thị bền vững tại Thành phố Hành chính Quốc gia Hàn Quốc.
Theo đó, các tuyến xe buýt được thiết kế theo định hướng sử dụng ô tô. Quy hoạch giao thông kiểu đa phương thức với mục tiêu rõ ràng như: dưới 30% sử dụng xe hơi để quản lý hiệu quả theo nhu cầu vận tải; 40% phương tiện vận tải công cộng nhanh và xe buýt; 30% dành cho xe đạp và người đi bộ.
Chuyên gia này cho rằng cần xây dựng phương tiện vận tải công cộng nhanh như một dự án gói gọn mọi cấu phần./.
Theo Bnews. Khánh Ngọc st