Câu chuyện thứ 1 - trích mục Bạn đọc viết trên VNExpress 

Có những người đi cách người phía trước mình đến cả vài mét đã ấn còi inh ỏi; có người thì lại sát sàn sạt người phía trước rồi mới vội vã ấn còi và quay lại…chửi! (Thuy)

Có một lần, vô tình tôi đọc được một bài trên Blog của anh chàng Tây siêu tiếng Việt “Dâu” viết về “Văn hóa sử dụng còi” của người Việt Nam mình, cụ thể là những người đang tham gia giao thông hàng ngày tại Hà Nội. Đúng là “văn hóa còi xe” của người Việt cần phải được “cải tạo” thật!

Như anh chàng “Dâu” đã nói thì có những người sử dụng còi xe rất “không đúng lúc đúng chỗ”.

Có những người đi cách người phía trước mình đến cả vài mét đã ấn còi inh ỏi; có người thì lại sát sàn sạt người phía trước rồi mới vội vã ấn còi và quay lại…chửi! Thật không thể hiểu nổi! Đó là chưa kể đến giai đoạn đợi đèn đỏ cũng có nhiều điều phải nói! Lẽ ra là đèn vàng thì “được vượt” mà đằng trước lại không có bóng “áo vàng” đâu nhưng lại có “kẻ chết nhát” dừng lại chặn đường cho nên cách duy nhất để rẽ đám đông vượt lên vượt đèn đỏ là bấm còi… liên thanh! Để góp phần thêm vào phong cách sử dụng còi “độc đáo” này là các bác mô-tô đứng ở giữa dòng người hoặc tít dưới cuối hàng vẫn thường hay bày tỏ sự sốt ruột của mình bằng… còi khi đồng hồ báo hiệu mới chỉ ở những giây thứ 5 để chuyển sang đèn xanh!

Tuy nhiên, những “lỗi văn hóa” này là không thể kiểm soát được mà phải do nhận thức và ý thức văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông. Giả như, ở trường hợp “xấu nhất”, người dân của chúng ta không thể từ bỏ được thói quen sử dụng còi “vô tội vạ” này thì bất quá cũng chỉ khiến người đi đường bực dọc đôi chút. Điều mà tôi muốn nêu ra ở đây đó là “văn hóa còi” của những người lái xe tải. Thành thực mà nói, đây là điều mà tôi đã bức xúc từ rất lâu nhưng mãi tới hôm nay mới quyết định tham gia vào Bạn Đọc viết của VnExpress để chia sẻ cùng mọi người và mong có một giải pháp thực sự cho vấn đề tưởng như là nhỏ này!

Những “lỗi văn hóa còi” mà tôi đã nêu ra ở trên đều xuất phát từ những người điều khiển mô-tô, với mức âm lượng còi còn có thể chấp nhận được mặc dù cũng gây không ít khó chịu đối với mọi người xung quanh khi cùng tham gia giao thông. Điều đáng nói ở đây là “lỗi văn hóa còi” của những người lái xe tải không đơn thuần chỉ là một sự khó chịu khi đi đường mà còn là một tác hại đối với những người cùng tham gia giao thông.

Đã không ít lần tôi “vô tình” đi bên cạnh hay phía trước một chiếc xe tải và đột nhiên giật bắn người vì bị một thứ âm thanh có âm lượng cỡ lớn dội vào tai. Đó là khi chiếc còi hơi xe tải được sử dụng để “xin đường”! Những lúc đi quá gần những chiếc xe tải kiểu như vậy, tôi tưởng như màng tai mình bị rách toạc và không khỏi choáng váng. Tôi không hiểu tại sao những chiếc xe tải này lại có thể ung dung sử dụng còi hơi âm lượng lớn khi đang tham gia giao thông trong đô thị, nhất là tại Hà Nội – nơi mà mật độ người đi lại trên đường khá đông nên khoảng cách giữa các phương tiện là khá bé, mà không bị xử phạt gì.

Tôi thiết nghĩ, đây không phải là một vấn đề nhỏ, chỉ dừng lại ở một “lỗi văn hóa còi” mà còn là sự an toàn cho những người tham gia giao thông. Nếu những chiếc còi hơi âm lượng lớn vẫn còn được ung dung sử dụng trên đường phố đô thị thì sẽ còn không biết bao nhiêu người tham gia giao thông bị “tra tấn” và có thể bị ảnh hưởng xấu đến thính giác. Bầu không khí Thủ đô không chỉ bị ô nhiễm vì khói bụi mà còn trầm trọng thêm vì ô nhiễm âm thanh.

Tôi đã từng có dịp vào công tác tại Huế và cảm thấy rất ấn tượng với khu đô thành xưa của chúng ta. Ngoài những con người với ý thức tham gia giao thông rất tốt, Huế còn áp dụng rất nghiêm ngặt việc cấm lái xe tải sử dụng còi hơi trong thành phố. Ngay tại đầu mỗi con đường dẫn vào nội thành đều có đặt biển “Cấm sử dụng còi hơi trong thành phố” và lái xe cũng thực hiện rất nghiêm túc quy định này. Do vậy, khi xe tải bắt đầu tiến vào nội thành, còi hơi sử dụng cho đường cao tốc đã được chuyển sang còi xe bình thường với âm lượng bé hơn và tuyệt đối an toàn cho những người tham gia giao thông xung quanh.

Như vậy để thấy được rằng, để Thủ đô của chúng ta ngày càng văn minh hơn thì những điều nhỏ nhất cũng phải được giải quyết triệt để và nghiêm khắc, nhất là khi những điều đó không đơn thuần chỉ là gây phiền phức, khó chịu cho mọi người mà còn có khả năng gây tác hại. Mà một khi điều nhỏ có thể gây tác hại thì bản thân nó đã không còn là “chuyện nhỏ” nữa!

Tôi hy vọng rằng những chia sẻ này cùng với những góp ý của đông đảo bạn đọc VnExpress sẽ mang lại được thay đổi nào đó trong lĩnh vực “Văn hóa còi xe” này. Hy vọng một ngày rất gần đây thôi, khi ra đường sẽ không còn ai phải “giật bắn mình” vì những chiếc còi được dùng “không đúng chỗ”!

Câu chuyện thứ 2 từ vnMedia.vn

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và cũng rất hy hữu xảy ra vào khoảng 9h hôm nay, tại đường Trần Phú, quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Thanh Hóa, khiến một phụ nữ đi xe máy chết tại chỗ.
Một số người dân chứng kiến vụ tai nạn kể lại, ô tô biển có kiểm soát Nghệ An đi sau xe máy do chị Hàn Thị Sen, 40 tuổi, thường trú tại ngõ 106, đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa điều khiển.
Cũng theo những người chứng kiến, do muốn vượt xe máy, tài xế ô tô bóp còi, làm chị Sen giật mình ngã xuống đường, ô tô không phanh kịp đã chèn qua đầu chị Sen, làm chị chết tại chỗ. Sau khi gây tai nạn tài xế ô tô bỏ chạy.
Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu cho thấy, chị Sen bị đa chấn thương.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra làm rõ vụ tai nạn

Câu chuyện thứ 3 từ phununet.com 

Tiếng còi rú inh ỏi, môi trường tiếng ồn trở nên quá sức chịu đựng. Cái xe máy, ôtô và sự bùng nổ của nó không có tội mà lỗi là tại "văn hóa" của người điều khiến chúng đang ở mức... bấm còi!
Đôi khi, còi cũng... bất lực
Ngã tư đã ùn tắc, tiếng động cơ nổ phình phịch chưa đủ gây căng thẳng thần kinh cho con người trong nhịp sống ồn ào hàng ngày lại thêm tiếng còi. Người trước còi người trên, người sau còi người trước inh ỏi cho dù chẳng ai nhích lên được bao nhiêu. "Đã chôn bánh một chỗ rồi còn cứ còi, sốt hết cả ruột!", không ít người phải xổ toẹt ra như thế.
Tín hiệu đèn giao thông còn gần chục giây nữa mới sang màu xanh, đó là khi y như rằng ô tô, xe máy đang dàn trước vạch vôi thi nhau bấm còi tin tin, bum bum như muốn đẩy người đứng trước: "Nhanh lên! Nhanh lên! Đi thôi!" Thì ai chẳng muốn nhanh, muốn qua đèn xanh, nhưng mốc đèn đỏ còn đó, sao phải vì chút hơn thua nhau vài giây mà phải "đuổi" nhau, giục nhau bằng... còi?!

Chẳng may kẹt vào đoạn đường tắc, nhiều người muốn "phát điên" vì tiếng còi xe

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng đều là "ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó", vậy mà ai ở ngõ đều thấm "mùi"... còi và tiếng nổ đành đạch của xe máy đủ loại suốt ngày đêm. Giờ nghỉ trưa, tiếng xe máy rồ ga, lạng lách làm bố mẹ bọn trẻ phải dè chừng khi cho bọn trẻ ra cửa nhà. Đêm tối, có khi cả ngõ bị đánh thức vì tiếng rú ga, bấm còi vì "phởn chí" của mấy cậu choai choai. 
Riêng tiếng còi xe vô tổ chức vào bất cứ thời điểm nào trong ngày thì dù khu phố có để tấm biển nhắc nhở "Khu vực đề nghị không bấm còi, rồ ga" cũng chẳng ăn thua. 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm thì lỗ tai cũng vẫn bị tra tấn như nhau. Khách thập phương tứ xứ đều như thế, rất bực mình, nhưng chả lẽ phải ra... bịt còi lại cho chừa?
Mà bực nhất, ức chế nhất phải kể đến những tiếng còi "chế" để... không ai giống mình! Có khi người ta phải giật bắn vì sát sạt mình là tiếng còi ô tô choang choang; mải mê né tránh né, khi hoàn hồn quay lại thì hóa ra là... con Wave RS! 
Chưa đủ, buổi tối mùa hè hiu hiu gió mát, một vài xe đi dạo thong dong trên phố có thể sẽ phải... cụt hứng vì tiếng còi xe hú dài như xe cứu thương, có khi như kèn hơi phát ra từ... xe máy! Lúc ấy chỉ mong có cảnh sát cơ động dẹp ngay các kiểu "loạn còi" đấy.

Văn hóa ở đâu?

Xu thế sống gấp, "mau lên chứ vội vàng lên với chứ", chỉ biết đến cá nhân mình vẫn đang tỏ ra thắng thế ở nhiều nơi tại Việt Nam. Người ta như chỉ cần hơn nhau vài vòng bánh xe là đã... mãn nguyện lắm rồi. Người dân cứ ngày ngày phải sống chung với tắc đường, sống chung với khói bụi xe và cả sống chung với những tiếng còi nối dài tưởng không bao giờ dứt. 
Cứ mỗi xe vài bước lại còi không cần biết còi thế có hiệu quả hay không. Bấm còi và nghe tiếng còi dần dần thành thói quen của không ít người, đến mức chẳng còn biết có thực sự cần còi và nghe còi liên miên thì có tổn hại thính lực, có làm tăng thêm stress (?). Giá mà các thành phố ta được như xứ người, dù xe đầy đường nhưng phân luồng thẳng tắp, đường ai người nấy đi, chứ không chen lấn xô đẩy, không phải lê từng bước kèm theo tiếng còi ong lên nhặng xị!
Mà oái oăm ở chỗ, có thể ban đầu chả ai muốn còi, nhưng có còi rú ầm ầm thì các xe phía trước mình vẫn "trơ" ra, "bình chân như vại" không chịu thôi dàn hàng ngang thì có khi lại phải... thêm tí còi. Mà càng còi to thì có khi chỉ để... cho mình nghe rõ, người ta vẫn mặc kệ ("cái đứa trước có tránh tao đâu mà tao tránh mày"!). Cái vòng luẩn quẩn còi - hay không còi, là như thế... 
Nhiều nghiên cứu về tiếng ồn đường phố gần đây đã chỉ ra rằng mức độ tiếng ồn trên đường phố Hà Nội và TP HCM nhìn chung đều đã vượt quá mức cho phép. Một số kết quả điều tra xã hội học cũng cho thấy: ngày càng nhiều người bị tác động bởi tiếng ồn từ giao thông hơn bất cứ tiếng ồn nào khác. Tiếng ồn gây cho con người không nghe được những âm thanh cần thiết hoặc giảm khả năng nghe. Nếu tiếng ồn ở mức độ cao ( > 90 đề xi ben) thì nó sẽ trở thành nguyên nhân gây bệnh thần kinh, nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, ...
Ngành giao thông cũng có cái khó khi phải phân trần rằng họ chưa thể phạt vi phạm về tiềng còi xe vì bên công an giao thông chưa có máy đo đề xi ben. Do thiếu thiết bị nên không biết dựa vào đâu để phạt. Nhiều loại máy đo tiếng ồn mua về đã phải... xếp kho. Và thế là trước mắt chỉ xử phạt xe máy gắn các loại còi không đúng quy định, các loại còi đồng âm với các loại xe ưu tiên.

Khi các hình thức xử phạt còn gian nan với tiếng còi thì càng khó nâng cao được "văn hóa còi". Nếu hỏi văn hóa còi ở đâu, làm sao để khắc phục thì có lẽ câu trả lời là ở chỗ làm sao để văn hóa của mỗi người tham gia điều khiển phương tiện giao thông... không bao giờ còi cọc. 

Bản thân mỗi hãng sản xuất xe đều đã chế tạo ra các loại còi xe đi cùng phương tiện một cách khoa học, theo những nghiên cứu riêng. Lẽ nào, với xe bán cho người VN thì nhà sản xuất phải kích lên tiếng còi xe ở mức tối thiểu to lên một chút để phố phường... nghe cho rõ?
Nói Việt Nam là đất nước của xe máy thì nghe vừa buồn vừa vui. Nhưng nếu nói Việt Nam còn là đất nước của tiếng còi, vì tiếng còi đã "hòa tấu" lên những bản nhạc đường phố mà có nhạc sĩ theo đuổi thể loại "noise music" đã tận dụng đắc địa chuyện còi xe ấy để đưa vào các tác phẩm thể nghiệm của mình - thì thử hỏi: nên vui hay buồn?

Câu chuyện thứ 4 tử Tinmoi.vn

Ngày nào cũng vậy, tan giờ làm việc tôi lại phải đi qua đến năm sáu con phố chật chội và đông đúc. Cứ vào giờ cao điểm là có tắc đường. Thôi thì đành chấp nhận, phố chật người đông sao tránh được. Nhưng đã nhẫn nại chờ đợi mà vẫn chẳng bao giờ được yên. Cả một dòng người chen nhau nhích đi từng mét, làm thế nào cũng không đi nhanh hơn được, thế mà người đi sau vẫn liên tục bấm còi thúc giục người đi trước. Xen trong những tiếng máy nổ là những hồi còi inh ỏi. Thậm chí thứ âm thanh đanh chua ấy còn lấn át cả những tiếng máy nổ kia. Cảnh tắc đường vì thế mà càng trở nên rối beng. Người tham gia giao thông vốn bực bội vì ùn tắc càng trở nên căng thẳng và bội hơn…Ấy vậy mà người ta vẫn bấm còi!
Không chỉ trên những con phố đông đúc, ra đến đường vắng rồi mà những tiếng còi xe vẫn không chịu buông tha. Một chàng trai trẻ ăn mặc bảnh bao đi xe máy vừa lạng lách vừa không ngớt bấm còi như thể đang truy bắt cướp. Một người phụ nữ trung tuổi cứ vài giây lại bấm còi ra hiệu mặc dù cách xe phía trước đến cả vài chục mét. Một người đàn ông đi trên chiếc xe hơi sang trọng cũng liên tục bấm còi như thể sợ người khác quệt vào xe làm xước sơn…Những tiếng còi ấy cứ thi nhau rộ lên, liên tục và nhức tai. Ấy vậy mà người ta vẫn bấm còi!

Nửa đêm, cả khu phố vừa tĩnh lặng trở lại chưa được bao lâu, người người vừa đi ngủ thì chợt những âm thanh chói tai liên hồi bên dưới làm mọi người tỉnh giấc. Ngó qua cửa sổ thì thấy một người đàn ông trên chiếc xe máy vẫn miệt mài bấm còi, dù phía trước chẳng còn ai đi lại…Tờ mờ sáng, khi mà mấy bác cao tuổi hàng ngày vẫn dậy sớm chạy thể dục vẫn chưa tỉnh giấc thì đột nhiên cả khu phố lại bị đánh thức bởi một hồi còi lớn không kém, cất lên, vụt tắt rồi lại cất lên thảm thiết. Ngó qua cửa sổ thì thấy một người phụ nữ chạy chợ đang ra sức bấm còi, dù trên đường cũng chỉ có một hai người đi bộ…Ấy vậy mà người ta vẫn bấm còi!

Kế bên căn nhà lụp xụp của tôi là một tòa nhà to gấp tới cả chục lần mới xây cách đây chưa lâu của một đôi vợ chồng giàu có. Tòa nhà to ấy có cả một chiếc gara rất rộng xây sau cánh cổng cao vút. Mỗi khi đi làm về anh chồng lại có thói quen bấm còi gọi vợ ra mở cổng. Bấm cho đến khi nào cô vợ xuất hiện mới thôi. Cả khu phố chật chội nhà tôi vì thế mà hôm nào cũng nhộn lên vì thứ tiếng inh tai quen thuộc ấy. Đau đầu nhất là khi anh chồng về mà cô vợ đi vắng hoặc đang bận việc không ra ngay được. Tiếng còi khi ấy cứ rít lên mãi...Ấy vậy mà anh ta vẫn bấm còi!

Tôi có một anh bạn người Mỹ có tên là James Wayland. Anh bạn tôi sang Việt Nam làm việc đã được ba năm. Wayland chia sẻ, dù đã đi ba năm trên phố Hà Nội và Sài Gòn rồi mà anh vẫn không thể nào quen được với tiếng còi xe ở đây. Anh đã từng qua New Delhi của Ấn Độ, Đài Bắc của Đài Loan và Jakarta của Indonesia – những thành phố còn chật chội hơn cả Hà Nội và Sài Gòn, nhưng ở đó người ta cũng chẳng sử dụng còi bừa bãi như ở ta. Thế mới biết, thói quen sử dụng còi xe của người Việt Nam chẳng phải bắt nguồn từ điều kiện đường sá.
Văn hóa còi xe của chúng ta kém quá...

Câu chuyện thứ 5 trích từ báo Dân Trí: “Ông Tây” nói chuyện còi xe ở Việt Nam

Giao thông ở Hà Nội rất dày đặc. Đường phố đông nghịt. Tiếng còi xe inh ỏi. Đôi khi thật là lố bịch. Việc lạm dụng bóp còi khiến nhiều người phát điên. Không thể “can thiệp” về số người lưu thông trên đường nhưng chúng ta có thể làm điều gì đó để áp dụng quy tắc ứng xử đơn giản trên đường.

Bóp còi quá nhiều vừa gây bực mình, vừa gây nguy hiểm

Nhiều tài xế bấm còi mọi lúc mọi nơi, bất kể khi dừng lại, lên dốc hoặc chạy nhanh một cách nguy hiểm trên đường. Tiếng còi làm chói tai, gây xao nhãng và rất nguy hiểm. Họ đang hủy hoại mục đích của còi. 

Mục đích đơn giản của còi là một cách giúp các tài xế (đặc biệt là những người đi xe mô-tô) biết bạn đang di chuyển, cảnh báo họ và để tránh tai nạn. Bấm còi liên hồi là hiểm họa vì khiến các tài xế khác sao nhãng khỏi đường đi và chú ý tới bạn. Khi không có chỗ để đi, không có lý do gì để bóp còi. Bóp còi không thể khiến đường xá trở nên trống vắng. Thời gian của một lần bóp còi cũng cần phải chú ý. Một tiếng còi rõ và đơn giản là đủ. Bóp còi với độ to hết cỡ liên tục trong 30 giây là khiếm nhã, không cần thiết và đặc biệt nguy hiểm.

Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng Hà Nội có vấn đề ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Việc sử dụng còi xe bừa bãi đã trở thành mối nguy hiểm. Có quá nhiều tiếng còi thiếu thận trọng, mục tiêu an toàn của còi đã bị đánh mất và tiếng ồn trên đường phố không bao giờ dừng lại. Thậm chí một số người bấm còi khi không có phương tiện nào trước mặt. Có người sử dụng còi khi không có nơi nào để đi.

Việt Nam có đủ các loại còi: còi âm nhạc, còi hơi, bất kể loại nào mà bạn có thể tưởng tượng. Quá nhiều tài xế rất thích bấm còi. Ngày càng có nhiều người lắp còi hơi (được thiết kế cho xe tải loại lớn) cho xe máy và taxi cứ như thể còi càng to thì độ an toàn càng cao. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Những loại còi này là một mối nguy hiểm, vì chúng có thể khiến tài xế giật mình và sợ hãi, dẫn tới tai nạn. 

Không có luật lệ, quy định hay hướng dẫn nào về việc sử dụng còi. Đó là chuyện ý thức của từng người. Về cơ bản, còi được thiết kế để cảnh báo những tài xế khác trên đường. Tại Việt Nam, một số tài xế nghĩ rằng họ phải bấm còi mọi lúc. Tôi thấy có người thậm chí còn coi còi giống như âm nhạc phát ra từ đài phát thanh.

Nhiều người đồng tình rằng có quá nhiều tiếng còi trên các đường phố của thủ đô. Còi nên được sử dụng “tiết kiệm”. Tiếng còi bị lạm dụng, vì thế mọi người nên hạn chế tối đa âm thanh này. Các tài xế thậm chí không để ý khi tiếng còi vang lên vì âm thanh đó lúc nào họ cũng nghe thấy. Họ đã quen với việc bấm còi vô dụng đến nỗi họ không hay biết hoặc không phản ứng khi nghe thấy chúng.

Có những quy tắc chung cho phép lịch sự khi điều khiển xe, bất kể bạn từ đâu tới. Lái xe là quyền và tài xế có bổn phận phải giữ an toàn. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các du khách nước ngoài cần thận trọng khi tới Việt Nam, miêu tả giao thông Việt Nam “là hỗn loạn. Tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra và hầu hết các nạn nhân là những người đi xe máy hoặc đi bộ. Ít nhất 30 người chết mỗi ngày liên quan tới tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông là rủi ro an toàn và sức khỏe lớn nhất tại Việt Nam”.

Cảnh sát giao thông khó có thể làm gì để cải thiện tình hình. Rượt đuổi ai đó với một chiếc dùi cui trên tay sẽ không giúp mọi người có ý thức hơn về việc dùng còi. Cần đặt các biển hiệu giao thông và đưa ra các chỉ dẫn cho việc sử dụng còi. Nhưng dùng còi thích hợp hay không cuối cùng là phụ thuộc vào từng tài xế. Tôi biết các tài xế tại Việt Nam phải thi để lấy bằng, vì thế trong bài thi giao thông, hoặc trong các tài liệu hướng dẫn thi, nên có phần hướng dẫn về cách dùng còi.

Theo Tổ chức Phòng chống Thương vong châu Á, “Việt Nam và Campuchia là hai nước có lượng xe máy tăng hơn 17% trong năm 2007 và 2008. Sự gia tăng này vượt quá khả năng thích nghi của xã hội. Cơ sở hạ tầng và hệ thống trợ giúp mật độ giao thông cao không đủ đáp ứng. Khu vực này chỉ chiếm 16% phương tiện có động cơ toàn thế giới nhưng chiếm 44% số thương vong vì tai nạn giao thông toàn cầu”.

Có rất nhiều điều mà tài xế không thể kiểm soát, nhưng cũng có vài điều có thể. Chúng ta nên đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, lái xe thận trọng, tuân thủ luật và luật giao thông, và chỉ sử dụng còi lúc cần. Còi cứu các mạng sống, nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ trở nên không hiệu quả khi chúng ta thực sự cần. Hãy để đôi tai và các tài xế được nghỉ ngơi, làm ơn thôi bấm còi!

Làm ơn hãy thôi bấm còi
David Cornish - phóng viên của Dtinews. 

Thiên Ân tổng hợp