Xe đạp, xe máy điện là phương tiện tham gia giao thông khá phổ biến của học sinh THPT.
Xe đạp, xe máy điện - phương tiện thiếu an toàn
Theo PGS, TS Chu Công Minh (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), phụ trách nhóm nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm học sinh THPT ở Hà Nội có xu hướng tăng trong hai năm gần đây. Ba nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT ở trẻ em bao gồm: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát; trong đó, chạy xe quá tốc độ (20%), qua đường không đúng cách (18%), và chuyển hướng không đúng cách (16%).
Các nguyên nhân này cho thấy bất cập về kỹ năng điều khiển phương tiện và nhận thức của học sinh THPT. Ngoài ra, học sinh còn vi phạm một số quy định cơ bản khi tham gia giao thông: 34% số xe mô-tô không có gương chiếu hậu, với xe máy con số này là 81%, với xe đạp điện là 90%. Qua khảo sát 2.390 học sinh THPT tại Hà Nội cho thấy, 52% lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện đi lại, 7% đi xe máy trái phép.
Cần xử lý nghiêm mang tính răn đe để thay đổi nhận thức về ATGT
Bên cạnh đó, xe buýt, phương tiện di chuyển thích hợp nhất đối với độ tuổi của học sinh từ lớp 9 đến THPT bởi sự tiện lợi, an toàn trong điều kiện giao thông phức tạp tại đô thị, lại chưa phải là lựa chọn hàng đầu, chỉ có 2% số học sinh lớp 9 và 4% số học sinh THPT sử dụng xe buýt tới trường. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% số vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện.
PGS, TS Chu Công Minh cho hay: “Sự thay đổi phương tiện từ đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy đã lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% số vụ TNGT của trẻ em, do đây là các loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50 km/giờ). Cả dữ liệu của CSGT và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy vi phạm tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT cho học sinh THPT. Điều đó cho thấy, xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện không an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt hơn nữa để bảo đảm an toàn”.
Tại Hà Nội, vài năm gần đây, số lượng xe đạp điện và xe máy điện tăng nhanh. Chỉ tính riêng gia đình có con em học THPT đến hết năm 2017, dự báo có khoảng 200 nghìn xe đạp điện và xe máy điện lưu hành. Số lượng xe đạp điện và xe máy điện đang tăng nhanh đã làm cho tình trạng ùn tắc và TNGT ở Thủ đô thêm nghiêm trọng.
Cải thiện về ATGT cho học sinh
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về độ tuổi thấp nhất được điều khiển các loại xe đạp điện, xe máy điện. Thêm vào đó, chưa có quy định về việc người điều khiển xe đạp điện và xe máy điện phải có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe. Dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện từ 16 tuổi trở lên. Thêm vào đó, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện. Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, phần lớn cha mẹ học sinh ủng hộ việc học sinh đi xe máy điện cần có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe. Đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần siết chặt quản lý phương tiện xe đạp điện và xe máy điện.
Nên nhớ rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông
Chủ tịch VAMM Y. Ta-kê-si cho biết: “Qua những số liệu nghiên cứu đã được thực hiện, chúng tôi nhận thấy rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông. Đối với học sinh THPT - đối tượng được phép tham gia giao thông độc lập, nhưng lại thiếu những kỹ năng xử lý tình huống thực tế, càng cần phải nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường hơn nữa. Chúng tôi cam kết đưa ra một lộ trình thực hiện nhanh chóng nhằm góp phần phát triển môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung”.
Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo dục ATGT cho từng cấp học; chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và cấp chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện cho học sinh. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tổ chức chương trình dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cho học sinh THPT.
Theo đó, năm 2018 sẽ thí điểm tại ba trường ở khu vực nội thành và xem xét, đánh giá hiệu quả thực hiện; đến năm 2020, triển khai tại các trường của bốn quận nội thành; sau năm 2020 sẽ xem xét triển khai tại tất cả các trường trên toàn thành phố. Đồng thời, tổ chức chương trình trải nghiệm đi xe buýt công cộng theo lộ trình cho học sinh,... Từ những hiệu quả nghiên cứu, VAMM tiếp tục tài trợ nghiên cứu về vai trò của xe máy tại Việt Nam, mục tiêu là đưa ra giải pháp quản lý sử dụng xe máy an toàn, hiệu quả, thân thiện để phát triển một môi trường giao thông an toàn, hiện đại cho người dân.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: "Các giải pháp nhằm nâng cao ATGT cho học sinh THPT có vai trò rất quan trọng. Các kết quả nghiên cứu, phân tích tỷ lệ TNGT theo nhóm phương tiện, nguyên nhân TNGT, sở thích đi lại, kỹ năng điều khiển phương tiện của học sinh THPT, thực trạng sở hữu phương tiện của gia đình cùng các kiến nghị, đề xuất giảm thấp nhất số vụ TNGT ở lứa tuổi THPT của nhóm nghiên cứu sẽ là căn cứ quý báu để Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp đề ra những biện pháp, chính sách hiệu quả, kịp thời ngăn chặn TNGT ở học sinh THPT tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện và bền vững”.
Theo Báo Nhân Dân