Hơn chục năm sống và làm việc tại thành phố cũng là từng đó thời gian tôi phải hòa vào dòng người ùn ứ hàng sáng bò từ nhà tới công ty làm việc, buổi chiều lết từ công ty về nhà.

Tôi cũng đã 34 tuổi, không còn là cô sinh viên tỉnh lẻ, mới chân ướt chân ráo ra thành phố ngày nào. Tôi không còn sợ tắc đường, không còn ngại phải đợi đèn đỏ dài 2 phút giữa cái nắng hè. Thế nhưng, thói hơn thua khi tham gia giao thông của nhiều người vẫn làm tôi ngán ngẩm.

Có lẽ vì đi xe quá hiền nên dường như ngày nào tôi cũng bị người khác chèn ép hoặc tạt đầu xe. Hoặc khi tôi đi chậm, giữ khoảng cách với xe đi trước thì lập tức sẽ có xe phía sau vượt lên để điền vào chỗ trống. Những tình huống tưởng chừng đơn giản như vậy cũng khiến tâm trạng của tôi cảm thấy bực bội cả ngày. Theo tôi, phong cách lái xe kiểu tranh giành, chèn ép người khác là một dạng biểu hiện của bắt nạt khi tham gia giao thông. Trong đó, những người tay lái vững hoặc đơn giản là liều lĩnh hơn đang bắt những người yếu bóng vía đi đúng luật như tôi phải nhường đường cho họ.

Về sâu xa, cái thói hơn thua, tranh giành khi tham gia giao thông còn chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn nạn.

Đầu tiên và dễ thấy nhất đó là vấn đề tắc đường. Vào giờ cao điểm mà ai cũng muốn mình đi trước, ai cũng không chịu thiệt thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn, tắc đường càng nghiêm trọng. Để tiết kiệm vài giây, người ta sẵn sàng đi sang đường ngược chiều và dừng đỗ đèn đỏ ngay tại đó, khi các phương tiện từ hướng khác muốn đi sang cũng không có khe nào để chui vào và gây ùn tắc giữa ngã tư.

Tôi ngẫm rằng, nếu mỗi người chúng ta biết nhường nhịn nhau thì dẫu có tắc đường, có phải đi chậm thì cái chậm đó cũng dễ chịu hơn biết bao nhiêu, sẽ không còn cảnh lộn xộn, nhốn nháo, đầy âm thanh còi xe.

Hình ảnh tắc đường trong trật tự ở Đài Loan gây bão trên Facebook gần đây. Ảnh: Facebook

Thứ hai, thói quen hơn thua khi lái xe còn có thể dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng. Câu chuyện dê đen, dê trắng cùng qua cầu dường như chưa bao giờ hết tính thời sự. Như trường hợp cậu bạn của tôi, gặp tai nạn giao thông chỉ vì 2 xe nhất quyết không chịu nhường nhau khi qua điểm giao cắt. Cậu bạn tôi cho biết đã nhìn thấy chiếc xe kia từ phía xa nhưng “Mình là người đi đúng thì tại sao phải nhường?”. Dĩ nhiên là chủ chiếc xe va chạm kia cũng cho rằng là họ đi đúng luật và họ mới là người vào điểm giao cắt trước.

Với một số vụ tai nạn giao thông, thời gian chỉ được tính bằng tích tắc nên rất khó phân biệt đúng sai trừ khi xem lại bằng camera. Nhưng liệu chuyện ai đúng, ai sai có quan trọng bằng tất cả cùng an toàn. Dù mình là người đi đúng luật nhưng trong thời buổi ngày nay tôi nghĩ rằng “tránh kẻ liều chẳng xấu mặt nào”.

Đôi lúc, tôi tự hỏi những người thích vượt ẩu, tạt đầu xe sẽ làm gì với khoảng thời gian vài phút giành giật được của người khác khi tham gia giao thông. Cái giá bỏ ra để nhanh vài phút liệu có đáng để mạo hiểm.

Và như tôi đã nói ở trên, những người có máu hơn thua khi lái xe có thể là những kẻ thích bắt nạt. Không ngạc nhiên khi những người này lại dễ dàng ẩu đả dù chỉ có va quệt nhẹ. Còn gì xấu xí hơn trong mắt con em chúng ta khi những bậc phụ huynh lại tung về nhau từng cú đấm, các câu chửi thề. Những đứa trẻ sẽ học được gì từ bố mẹ chúng khi chứng kiến bố mẹ lạng lách, bon chen từng chút một trên đường phố.

Nhiều vụ va chạm kết thúc bằng ẩu đả. 

Chúng ta cần loại lên án mạnh mẽ để loại bỏ thói xấu này, không chỉ vì vấn đề an toàn trước mắt mà còn vì hướng tới một nền văn hóa giao thông đúng luật, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau trong tương lai. Với sự phát triển kinh tế như ngày nay, cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều thành phố lớn đã được nâng cấp mạnh mẽ. Nếu văn hóa giao thông không bắt kịp tốc độ phát triển tương ứng thì mục đích hướng tới “đi nhanh, đi an toàn” vẫn là câu chuyện xa vời.

Theo Vietnamnet