Đèn tín hiệu giao thông ngoài dạng cổ điển xanh, vàng, đỏ còn có nhiều loại khác, đa dạng hơn, thực hiện cùng lúc nhiều chức năng hơn trong điều tiết giao thông, như trên đường có nhiều làn đường, lưu lượng xe lớn, để điều tiết giao thông hợp lý, cơ quan quản lý bố trí cùng một lúc nhiều tín hiệu khác nhau, làn thì đèn tín hiệu xanh, làn thì đèn tín hiệu đỏ, vì vậy khi lái xe chúng ta cần phải hiểu đúng về nguyên tắc điều tiết của tín hiệu đèn, quan sát thật kỹ để đi đúng, tránh tình trạng khi rẽ phải mà đi làn đi thẳng (lúc đó, đèn làn trái có tín hiệu màu xanh, đèn tín hiệu của làn xe đi thẳng tín hiệu màu đỏ), nếu rẽ phải sẽ vi phạm “vượt đèn đỏ”,…
Ngoài ra, nhiều người hiện nay còn chưa thông về tín hiệu đèn vàng, vậy như thế nào thì được gọi là vượt đèn vàng, gặp trường hợp đèn vàng phải đi như thế nào vừa an toàn giao, vừa không phải vi phạm luật giao thông, đây là những câu hỏi đặt với nhiều người tham gia giao thông hiện nay.
Về tín hiệu đèn giao thông được quy định theo Quy chuẩn Việt Nam 41:2016/BGTVT – Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ, thì việc Điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn được quy định như sau:
1. Đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng ba loại màu tín hiệu: xanh, vàng và đỏ; chủ yếu có dạng hình tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang.
- Thứ tự tín hiệu lắp theo chiều thẳng đứng: đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới.
-Thứ tự tín hiệu lắp đặt theo chiều ngang: đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều lưu thông.
Đèn vàng phải đi như thế nào vừa đúng luật, vừa an toàn?
2. Đèn tín hiệu ngoài ba dạng đèn chính còn được bổ sung một số đèn phụ tùy thuộc vào quy mô nút giao và tổ chức giao thông. Việc bố trí đèn phụ được thực hiện tại các nút giao rộng và nơi đường có nhiều xe tải, xe buýt có kích thước lớn lưu thông gây cản trở tầm nhìn.
- Đèn phụ có hình mũi tên hoặc các hình có ký hiệu phù hợp với quy định của Quy chuẩn này, được lắp đặt trên mặt phẳng ngang với đèn tín hiệu xanh. Các hình trên đèn phụ có thể là hình một loại phương tiện giao thông hoặc hình người đi bộ.
- Đèn tín hiệu không có đèn phụ thì trong từng tín hiệu của đèn chính, có thể có hình mũi tên. Nếu mũi tên chỉ hướng cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu, trừ khi có cắm biển báo “Cấm quay đầu xe”.
- Đèn tín hiệu kèm đồng hồ đếm ngược có tác dụng báo hiệu thời gian có hiệu lực của đèn chính; màu của số trên đồng hồ đếm ngược phải sử dụng cùng màu với tín hiệu của đèn chính đang có tác dụng hiệu lệnh.
- Đèn tín hiệu có hình chữ thập màu đỏ báo hiệu xe phải dừng lại. Trong trường hợp xe đã ở trong nút giao thì phải nhanh chóng đi ra khỏi nút giao.
3. Ý nghĩa của đèn tín hiệu:
- Tín hiệu xanh: cho phép đi.
- Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn“Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
- Tín hiệu vàng nhấp nháy: báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
- Tín hiệu đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
4. Ý nghĩa của đèn phụ hình mũi tên:
- Nếu đèn có lắp đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép. Tín hiệu mũi tên cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu nếu không có báo hiệu cấm quay đầu khác.
- Nếu đèn phụ có hình của một loại phương tiện giao thông nào đó xanh thì chỉ loại phương tiện đó được phép đi.
- Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì các phương tiện đi theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi.
- Khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên. Những nơi bố trí mũi tên màu đỏ phải bố trí làn chờ cho các xe đi hướng đang có đèn màu đỏ.
- Khi tín hiệu màu đỏ có hình của một loại phương tiện nào đó bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì loại phương tiện đó không được đi. Những nơi có bố trí đèn hình phương tiện màu đỏ thì phải bố trí làn chờ cho phương tiện đó.
Trên mặt đường bố trí cùng một lúc nhiều tín hiệu đèn ở các làn đường khác nhau.
5. Điều khiển giao thông bằng loại đèn hai màu:
- Điều khiển giao thông đối với người đi bộ bằng loại đèn hai màu: khi tín hiệu màu đỏ có tín hiệu hình người tư thế đứng hoặc chữ viết "Dừng lại"; khi tín hiệu màu xanh, có hình người tư thế đi hoặc chữ viết "Đi".
Người đi bộ chỉ được phép đi qua đường khi tín hiệu đèn xanh bật sáng và đi trong hàng đinh gắn trên mặt đường hoặc vạch sơn dành cho người đi bộ qua đường. Tín hiệu đèn xanh nhấp nháy báo hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu màu đỏ; người đi bộ lúc này không nên bắt đầu đi ngang qua đường.
- Loại đèn hai màu xanh và đỏ không nhấp nháy dùng để điều khiển giao thông ở những nơi giao nhau với đường sắt, bến phà, cầu cất, dải cho máy bay lên xuống ở độ cao không lớn v.v... Đèn xanh bật sáng: cho phép các phương tiện giao thông được đi. Đèn đỏ bật sáng: cấm đi. Hai đèn xanh và đỏ không được cùng bật sáng một lúc.
- Loại đèn đỏ hai bên thay nhau nhấp nháy nơi giao nhau với đường sắt, khi bật sáng thì mọi phương tiện phải ngừng lại và chỉ được đi khi đèn tắt. Ngoài ra để gây chú ý, ngoài đèn đỏ nhấp nháy còn trang bị thêm chuông điện hoặc tiếng nói nhắc nhở có tàu hỏa.
6. Để điều khiển giao thông trên từng làn đường riêng có thể áp dụng đèn tín hiệu gồm 2 hộp treo trên phần đường xe chạy, tín hiệu xanh có hình mũi tên phải đặt ngay trên làn đường cần điều khiển, tín hiệu đỏ có hình hai gạch chéo. Những tín hiệu của đèn này có ý nghĩa như sau:
- Tín hiệu xanh cho phép đi ở trên làn đường có mũi tên chỉ;
-Tín hiệu đỏ phải dừng lại theo điểm 3.4 mục 3 phần trên, trên làn đường có đèn treo tín hiệu màu đỏ.
Như vậy, quy định về tín hiệu đèn điều tiết giao thông được quy định rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, chỉ cần chúng ta phải chịu khó quan sát thật kỹ, tránh tình trạng đi sai làn đường, dẫn đến vi phạm tín hiệu đèn. Mặt khác, khi gặp đèn có tín hiệu màu vàng chúng ta cần thực hiện đúng quy định, tránh tình trạng đi an toàn- không vi phạm nhưng dừng xe đột ngột, gây tai nạn giao thông./.
Huỳnh Anh