Xã hội hóa đầu tư, phân cấp quản lý triệt để - Ảnh 1.
Giám sát chặt công tác sát hạch lái xe
Xã hội hóa triệt để, Phân cấp quản lý cho địa phương
Chủ trương xã hội hóa cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe theo Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ đã quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đã làm thay đổi cơ bản công tác đào tạo lái xe. Nhờ đó, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư nâng cấp, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, được phân bố hợp lý trong toàn quốc.
Theo thống kê của Cục ĐBVN, hiện nay cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành (trong đó tư nhân chiếm 70%, ngành Công an có 11 cơ sở, Quân đội có 3 cơ sở, số còn lại của ngành GTVT và một số bộ, ngành khác) với 48.419 giáo viên dạy thực hành lái xe, 40.682 xe tập lái các hạng, phần lớn là các xe ô tô thế hệ mới, niên hạn sử dụng dưới 10 năm.
Về trung tâm sát hạch lái xe ô tô hiện cả nước có 154 trung tâm (ngành Công an có 4 trung tâm, Quân đội có 2 trung tâm, 148 trung tâm sát hạch dân sự), phân bố trên 57 tỉnh, thành phố, còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe ô tô là Yên Bái, Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bạc Liêu.
Ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục ĐBVN) cho biết, công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định số 65/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể từ điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe xã hội hóa, tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức thực hiện việc đào tạo, duy trì dịch vụ. Cục ĐBVN (cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT) được giao nhiệm vụ tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại các sở GTVT. Sở GTVT thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo lái xe, trực tiếp thực hiện quản lý công tác đào tạo lái xe và tổ chức sát hạch, cấp GPLX cho người học lái của các cơ sở đào tạo lái xe tại địa phương.
Cũng theo ông Thống, công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe được phân cấp triệt để cho địa phương, cơ sở đào tạo, sát hạch. Cụ thể, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch chịu trách nhiệm duy trì điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo lái xe đảm bảo thời gian, chương trình và nội dung theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và của Bộ GTVT; các sở GTVT trực tiếp quản lý hoạt động các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trong việc chấp hành quy định.
Trên thực tế, các trung tâm đào tạo đều có chính sách thu hút học viên. Ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, môi trường thân thiện, đội ngũ giáo viên tận tình yêu nghề thì một số giáo viên ở một số cơ sở đào tạo đã "lôi kéo" học viên bằng nhiều chiêu trò như "bao luật, bao đỗ". Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, không mang tính phổ biến.
Quản lý công tác đào tạo lái xe thật hiệu quả
Ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, công tác quản lý đào tạo lái xe nhiều năm qua được tăng cường theo các quy định của Bộ GTVT. Các sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát từ khâu học đến kiểm tra, thi cấp chứng chỉ nghề, cụ thể là: Về nội dung, chương trình đào tạo lái xe được quy định cụ thể tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT và Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Theo đó, người học lái xe phải học 5 môn học lý thuyết, học lái xe trong sân tập lái và học lái xe trên đường. Hiện nay, thời gian đào tạo lái xe của Việt Nam tương đương với Trung Quốc và dài hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Về giáo trình đào tạo lái xe ô tô gồm 5 môn học: Pháp luật giao thông đường bộ, Cấu tạo và sửa chữa thông thường ô tô, Nghiệp vụ vận tải, Kỹ thuật lái xe ô tô, Đạo đức và văn hóa giao thông.
Cũng theo ông Cường, công tác quản lý đào tạo lái xe được các sở GTVT tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch; không được tuyển sinh qua trung gian; có trách nhiệm ký hợp đồng đào tạo với người học lái xe ô tô (trong đó thể hiện rõ nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, thời gian hoàn thành khóa học, mức học phí, phương thức thanh toán, hình thức đào tạo, loại xe tập lái, chất lượng đạt được) và thu học phí trực tiếp của người học; bố trí đủ giáo viên thực hiện các quy định về nội dung chương trình đào tạo; soạn giáo án, ghi chép đầy đủ các nội dung trong sổ giáo vụ, chú trọng dạy môn Pháp luật giao thông đường bộ và thực hành lái xe; có quy chế cụ thể đối với học viên, giáo viên khi học thực hành lái xe, dã ngoại đường trường, chống các biểu hiện tiêu cực.
Cục ĐBVN đã xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ khâu đào tạo đến khi sát hạch, cấp GPLX, đồng thời đã triển khai quy định lắp đặt thiết bị để nhận dạng và giám sát thời gian học lý thuyết môn học Pháp luật giao thông đường đối với học viên học lái xe ô tô từ ngày 01/5/2020. Theo quy định, các học viên không học đủ thời gian tập trung tại cơ sở đào tạo sẽ không được dự sát hạch, cấp GPLX.
Công tác sát hạch lái xe là khâu quan trọng nhằm đánh giá kiến thức, kỹ năng trước khi cấp GPLX cho người đạt yêu cầu. Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, siết chặt quy trình quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa, công khai hóa và giám sát chặt chẽ quá trình sát hạch lái xe.
"Hiện nay, dữ liệu giám sát phòng sát hạch lý thuyết và các bài sát hạch lái xe trong hình của các trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc đã được kết nối về Cục ĐBVN để chia sẻ đến các cơ quan có thẩm quyền giám sát công tác sát hạch từ ngày 01/01/2020. Với việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường và tổ chức giám sát các kỳ sát hạch, chất lượng sát hạch lái xe hiện nay được đánh giá là nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp, được dư luận rất đồng tình, đánh giá cao", ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, quy định, quy chế thì đầy đủ, tuy nhiên tại các sở GTVT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, sai sót, tiềm ẩn một số nguy cơ vi phạm, tiêu cực như: Việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức tập huấn giáo viên dạy thực hành lái xe tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức; hồ sơ lưu trữ của một số giáo viên dạy thực hành lái xe chưa đầy đủ, việc cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe chưa đảm bảo thời gian theo quy định; các giáo viên không đạt kỳ kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành chưa được thông báo kịp thời. Bên cạnh đó, báo cáo đăng ký sát hạch (báo cáo 1), báo cáo đề nghị sát hạch (báo cáo 2) của một số cơ sở đào tạo được gửi trực tiếp đến sở GTVT, tuy nhiên báo cáo gửi trực tuyến qua hệ thống phần mềm quản lý còn chưa đủ thành phần hồ sơ theo quy định, có báo cáo còn thiếu nội dung (báo cáo chưa đóng dấu công văn đến, chưa thể hiện đầy đủ các khóa đào tạo đối với các trường hợp tồn, vắng, trượt; thời gian gửi báo cáo chậm theo quy định). Ngoài ra, kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở một số địa phương chưa theo định hướng chương trình thanh tra chuyên ngành hàng năm của Bộ GTVT.
Một số địa phương chưa xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sám làm cơ sở triển khai để bố trí cán bộ phù hợp; chưa có văn bản phân công, bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ sở pháp lý khi kiểm tra, giám sát tại đơn vị; chưa xác định cụ thể mục đích, phạm vi, nội dung kiểm tra, giám sát làm cơ sở thực hiện, đánh giá, kết luận và gắn trách nhiệm của người kiểm tra, giám sát; kết thúc kiểm tra, giám sát chưa có báo cáo kết quả để phục vụ công tác quản lý.
Theo Tạp Chí Giao thông