Ông Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT phát biểu tại hội thảo
Nghiên cứu tỷ lệ sử dụng cát biển…
Tại Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho công trình xây dựng diễn ra ngày 19/12, ông Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã đạt được một số kết quả tương đối khả quan về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường. Trong đó, cát biển có thể được sử dụng lu lèn đạt độ chặt K95 theo yêu cầu với lu thông thường; kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian qua bước đầu cho thấy nền đường ổn định.
Báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, vị trí thi công thí điểm thi công cát biển tại đường hoàn trả ĐT978 (giao với cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại vị trí km 79+820) đã có kết quả kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu đối với đường cao tốc, không ảnh hưởng đến các giá trị quan trắc, không tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Theo ông Thành, với những kết quả thí điểm được ghi nhận, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng cát biển trong giai đoạn trước mắt ở những nơi mặt bằng đã nhiễm mặn. Phạm vi đắp nền đường giai đoạn đầu nên hạn chế, có thể chỉ dùng cát biển đắp bù cho phần cào bóc hữu cơ, đắp nền đường với chiều cao nhất định, không đắp hết bằng cát biển mà vẫn kết hợp với cát sông.
Cũng theo quan điểm của ông Thành, cần tiếp tục nghiên cứu việc dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế sự thẩm thấu mặn của cát biển ra môi trường xung quanh.
Cát biển được kỳ vọng sẽ phù hợp làm vật liệu thi công nền đường cao tốc, giải quyết bài toán về tiến độ các dự án (ảnh minh họa)
Theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), vấn đề đặt ra hiện nay là chưa rõ cơ sở để có thể ứng dụng cát biển hoàn toàn. Vì vậy, có thể áp dụng theo hướng kết hợp giữa cát biển trộn với cát thông thường theo một tỷ lệ nhất định, đảm bảo về kỹ thuật và an toàn cho môi trường. Đây cũng sẽ là biện pháp có thể giải quyết được những nhược điểm của cát biển.
Một số hình ảnh tham luận tại hội thảo
Đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, môi trường
Một trong những ý kiến tham luận tại hội thảo được quan tâm, đại diện Công ty CP Geleximco cho biết, việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đường cao tốc được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng và đạt được những hiệu quả tích cực. Trên thực tế, đơn vị cũng đã thiết lập các mối quan hệ hợp tác với những doanh nghiệp ở nước ngoài trong lĩnh vực này.
"Tôi đã từng trực tiếp ở trên tàu cỡ lớn quan sát quá trình khai thác cát từ Malaysia sang Singapore. Họ sử dụng đường ống chuyền tải cát có đường kính 1,5 m với các công nghệ hiện đại, nhờ vậy giảm được gần 30% chi phí so với công nghệ mà Việt Nam đang áp dụng", vị đại diện Geleximco chia sẻ và bày tỏ mong muốn, các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đề cương để đơn vị phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lấy mẫu sớm, tổ chức khảo sát, thăm dò, đánh giá môi trường xã hội đưa dự án vào hiện thực.
Trong một báo cáo được đưa ra tại hội thảo, đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, theo kết quả đánh giá sơ bộ tại công trình thí điểm, giá cát biển đến chân công trình đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Quang cảnh Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho công trình xây dựng diễn ra vào ngày 19/12
Thông tin tại hội thảo, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay tại các dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gặp vướng mắc rất lớn về thiếu hụt nguồn cát, trong khi áp lực tiến độ ngày càng gia tăng.
Nói về giải pháp sử dụng cát biển, ông Tuân cho biết, kết quả thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, cát biển đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng đắp nền đường. Còn thực tế thí điểm thi công vừa qua tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau cũng không phát sinh dấu hiệu bất thường. Đây là những cơ sở để thúc đẩy việc chấp thuận cát biển làm vật liệu thi công nền đường cao tốc, giải quyết bài toán về tiến độ các dự án.
Thông tin tại hội thảo, ông Lương Văn Hùng, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng phương án thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, thực hiện theo quy hoạch thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời ký 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, trên cơ sở tài liệu quy hoạch mỏ cát biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại theo từng vùng cát biển xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà có thể lấy cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ còn tăng trong tương lai.
Ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, với 9 báo cáo và 16 ý kiến trao đổi, hội thảo đã cơ bản thống nhất phạm vi dùng cát biển, như: Thi công lớp K95 và vùng không chịu tải trọng động trong quá trình khai thác nền đường...
Các nội dung của hội thảo sẽ phục vụ cuộc họp của Hội đồng Khoa học công nghệ của Bộ GTVT diễn ra vào hôm nay (20/12) để tiếp tục đánh giá một cách khách quan, chính xác kết quả dự án thí điểm. Dựa trên kết quả cuộc họp này, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, chỉ dẫn kỹ thuật sẽ thống nhất định nghĩa vật liệu, quy định liên quan đến công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu nền đường đắp bằng vật liệu cát biển. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xem xét tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc.
Nguồn Tạp chí GTVT