Giao thông hỗn loạn ở Ấn Độ là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Ở Thái-Lan, có hai kỳ nghỉ được các phương tiện truyền thông gọi là “bảy ngày chết chóc” là kỳ nghỉ năm mới và lễ hội Songkran vào tháng 4 hằng năm. Trong dịp nghỉ lễ này khoảng 800 người bị chết do tai nạn giao thông mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đường bộ ở Thái-Lan được xếp hạng thứ hai những con đường chết chóc nhất trên thế giới chỉ sau Libya.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhiều năm qua, năm mới vừa rồi đã có 478 người chết trên đường phố Thái-lan chỉ trong vòng bảy ngày. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) có trụ sở ở Manila cho biết số người chết trên đường ở Thái-lan mỗi năm là 36,2/100.000 người, cao hơn so với Việt Nam và Trung Quốc, trong đó 73% là người lái xe máy. Ở những nước có an toàn đường bộ tốt nhất thế giới như Anh, Thụy Điển, Hà Lan, con số đó thấp hơn 10 lần.

Ấn Độ cũng là một trong những nước có tỷ lệ rất cao với 140.000 người chết do tai nạn giao thông năm 2015, theo Bộ giao thông. Cũng theo bộ này, 71% số vụ tai nạn là lỗi của lái xe. Ở một đất nước nơi phương tiện giao thông tăng mạnh trong những năm gần đây, Chính phủ cho rằng vấn đề chính là khoảng 30% số tài xế sử dụng bằng giả. Dù nhiều sáng kiến được thực hiện trong vòng hai năm qua, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm, bởi Ấn Độ là một trong những nước đã ký Tuyên bố Braxin về an toàn đường bộ và cam kết giảm số vụ tai nạn và số người chết tới 50 % vào năm 2020.

Đại học công nghệ Chalmers Thụy Điển đưa ra báo cáo hai năm trước thu thập dữ liệu từ 24 nước châu Á trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy gần 750.000 người bị chết vì tai nạn giao thông mỗi năm và hơn 50 triệu người bị thương với 12 % cần chữa trị tại bệnh viện, gây mất mát cho nền kinh tế ở 24 quốc gia ước tính 800 tỷ USD, tương đương 3,6% GDP.

Nhiều yếu tố đóng góp vào những con số thống kê khủng khiếp này. Khi khu vực châu Á ngày một hiện đại hóa, ngày càng có nhiều người mua được xe hơi, được xem như biểu tượng của sự giàu có. Nhưng hạ tầng đường bộ ở nhiều nước còn yếu với đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp và xe máy còn ít. Những yếu kém trong chấp hành luật giao thông liên quan tới tốc độ, say xỉn khi lái xe, không mang mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và không sử dụng ghế trẻ em trong xe hơi là những vấn đề chủ yếu.

Vụ tai nạn thảm khốc ở tỉnh ChonBuri Thái-lan khiến 25 người chết đầu năm 2017.

Tuân thủ luật pháp là yếu tố tiên quyết để giữ an toàn giao thông đường bộ.

Khó mà có câu trả lời đơn giản tại sao châu Á có nhiều vụ chết người do tai nạn giao thông đường bộ đến vậy, ông Raphael Grzebieta, giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu an toàn đường bộ và giao thông, đại học New South Wales cho biết. “Bạn có thể giáo dục mọi người về an toàn đường bộ nhưng điều này không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bạn cần giáo dục những người có sức mạnh để tạo ra sự thay đổi, những người tạo ra những chiếc xe an toàn hơn, con đường an toàn hơn và buộc lái xe phải tuân thủ luật pháp”. Cải thiện những yếu tố như chiếu sáng trên đường và hệ thống báo hiệu đường bộ là những yêu cầu cơ bản để đường bộ an toàn hơn. Ở châu Á, không phải chuyện hiếm khi thấy trẻ con vượt qua đường cao tốc tới trường. Ông nói: “Gần 50% người chết vì tai nạn giao thông ở châu Á là người đi bộ, đi xe đạp và xe máy - những người tham gia giao thông dễ gặp rủi ro nhất. Theo số liệu của WHO, 49% những cái chết do tai nạn giao thông là người lái xe máy (23%), người đi bộ (22%) và lái xe đạp (4%).

Năm 2015, Phòng Ngăn ngừa thảm họa Thái-lan thông báo mục tiêu giảm tai nạn gây chết người trên đường tới 80%. Trong đó chuyện say xỉn khi lái xe vẫn là vấn đề lớn. Mặt khác thủ phạm số một của các vụ tai nạn gây chết người là tốc độ bởi mọi người thường lái rất nhanh. Tại một trạm bắn tốc độ, Cảnh sát trưởng Major Kanthachat Nua quan sát các xe ô-tô trên đường cao tốc ngoài Băng Cốc chạy quá giới hạn 80km/h nhưng không buồn phạt bởi ông giải thích như thế có nghĩa là phạt tất cả mọi người. Ông chỉ phạt một xe chạy gần 130km/h nhưng phí phạt nhỏ, và phàn nàn nhiều người không buồn trả.

Tình trạng vi phạm Luật Giao thông đang phổ biến ở các nước Châu Á.

Ông Grzebieta cho biết nhiều quốc gia châu Á đang thúc đẩy lĩnh vực này cùng với phát triển kinh tế nhưng còn rất nhiều việc chưa làm được để bảo vệ người tham gia giao thông. “Nếu có bốn người cưỡi một chiếc xe máy ở Sydney bạn chắc chắn sẽ bị bắt và bị phạt. Nhưng ở nhiều thành phố châu Á, đó là chuyện bình thường”. Tuân thủ luật pháp là yếu tố tiên quyết để giữ an toàn giao thông đường bộ. Cảnh sát phải thực thi công vụ chuẩn xác và được đào tạo đúng đắn để điều tra những vụ tai nạn và khởi tố những kẻ vi phạm luật giao thông.

Ông Nak Moon Sung, chuyên gia giao thông cấp cao ở Ngân hàng thế giới nói rằng tai nạn trên đường trở thành cuộc “khủng hoảng sức khỏe toàn cầu” và đòi hỏi “những biện pháp toàn diện nhằm ngăn ngừa chúng bao gồm hiểu biết sâu hơn về tác động xã hội của những cái chết và bị thương do tai nạn giao thông. Theo Ngân hàng thế giới, toàn cầu có khoảng 1,3 triệu người chết trên đường mỗi năm và 50 triệu người bị thương, gây tổn thất về kinh tế chiếm từ 2 - 5% GDP ở nhiều nước.

Một gia đình bị mất mát người thân chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn, cả về góc độ chấn thương cảm xúc lẫn mất mát về thu nhập, đặc biệt khi nhiều nước nghèo không có mạng lưới an toàn đủ tốt cho nạn nhân tai nạn giao thông, ông Sung nói. Nhưng tác động xã hội của tai nạn giao thông chưa được hiểu biết sâu sắc và việc thiếu dữ liệu chính xác là một thách thức. Một thành viên bị tai nạn giao thông sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong gia đình. Nếu người chủ gia đình hoặc người là trụ cột kinh tế bị chết hoặc bị thương nghiêm trọng, tác động đối với gia đình sẽ cực kỳ khủng khiếp. Một nghiên cứu bởi Viện giao thông Hàn Quốc năm 2013 cho biết 70,7% số người tàn tật do tai nạn giao thông bị mất việc. Hơn nữa 67,9% số người tàn tật bị thất nghiệp trong thời gian dài. Về mặt đời sống cá nhân, tai nạn giao thông cũng có thể gây tan vỡ gia đình. Gần 37% số người tàn tật do tai nạn đã ly hôn hoặc ly thân.

Ở nhiều nước thu nhập thấp và trung bình ở châu Á, con số vụ chết người và bị thương hằng năm đang gia tăng. An toàn giao thông đường bộ ở châu Á xứng đáng sự quan tâm đầy đủ, đòi hỏi những hành động mạnh mẽ và hiệu quả. Có nhiều cơ hội cho cải thiện an toàn giao thông bao gồm những con đường an toàn, những người tham gia giao thông có ý thức, xe cộ đạt chuẩn, tuân thủ luật pháp... theo Thập niên hành động vì An toàn đường bộ 2011-2020 do WHO khởi xướng. Mục đích của nó là giảm một nửa con số người chết do tai nạn trên toàn cầu vào năm 2020.

Theo Báo Nhân dân