Các hãng xe như Volvo Cars, Subaru, BMW đang triển khai hệ thống camera giám sát ánh mắt tài xế. Ảnh: Harman

Hãng xe Volvo Cars (Thụy Điển) cho biết bắt đầu triển khai hệ thống giám sát chuyển động mắt tài xế cho tất cả các dòng xe mới ra mắt vào những năm tới. Hệ thống này, bao gồm các camera gắn trong khoang lái để giám sát ánh mắt tài xế, sẽ gửi cảnh báo hoặc thậm chí tự động giảm tốc độ của xe bất cứ khi nào mắt của tài xế ngoảnh đi chỗ khác quá lâu.

Hãng xe Subaru (Nhật Bản) lắp đặt một hệ thống giám sát camera trên xe Forester thuộc dòng Crossover hồi năm ngoái. Hệ thống này sẽ phát ra tiếng kêu “bíp” nếu mí mắt của tài xế sụp xuống hoặc mắt của tài xế rời sự tập trung khỏi con đường trước mặt trong thời gian lâu.

Subaru cho biết sẽ bổ sung hệ thống giám sát mới vào hai dòng xe mẫu mới gồm Legacy thuộc dòng Sedan và xe Outback thuộc dòng SUV vào năm sau. Trong khi đó, hãng xe Đức BMW cũng đã giới thiệu hệ thống giám sát mắt tương tự cho một số dòng xe nhất định.

Các hãng xe khác gồm Daimler, Mercedes-Benz và Nissan Motor đang có cách tiếp cận khác trong vấn đề này. Thay vì lắp các camera hướng vào mặt tài xế, các hãng xe này đang bổ sung phần mềm giám sát bằng cách sử dụng các cảm biến được thiết kế để xác định tình trạng mệt mỏi hoặc mất tập trung của tài xế dựa vào kiểu lái của họ và tần suất xe chạy lệch ra khỏi làn.

Các lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô cho biết họ nhận thấy rằng các nỗ lực thuyết phục tài xế rời bỏ các thiết bị di động khi lái xe có thể thất bại hoàn toàn.

Ken Lin, Giám đốc phát triển sản phẩm của chi nhánh Subaru tại Mỹ, nói: “Chúng ta không thể ngăn chặn tài xế sử dụng điện thoại di động. Những gì chúng ta phải nỗ lực là quản lý việc sử dụng điện thoại di động càng chặt càng tốt”.

Cuộc chiến chống tình trạng xao nhãng khi lái xe từ lâu là một thách thức đối với các hãng xe, các cơ quan quản lý và cả các cơ quan thực thi pháp luật.

Trong khi luật đã cấm nhắn tin khi đang lái xe ở mọi bang của Mỹ nhưng tại bang Montana, cảnh sát cho biết họ khó thực thi luật này vì không thể giám sát được tình trạng tài xế sử dụng điện thoại khi xe đang chạy.

Theo dữ liệu của Cục An toàn giao thông xa lộ quốc gia Mỹ (NHTSA), xao nhãng khi lái xe gây ra nhiều vụ tai nạn khiến 3.166 người tử vong ở Mỹ vào năm 2017, chiếm khoảng 9% lượng người tử vong do tai nạn giao thông ở nước này.

Tỉ lệ này không thay đổi nhiều kể từ năm 2012. Các công ty bảo hiểm và cơ quan an toàn giao thông cho biết tỷ lệ tử vong trên đường do các tài xế mất trung trong khi lái xe có khả năng cao hơn con số báo cáo vì nhiều tài xế không thừa nhận sử dụng di động sau khi gây ra tai nạn.

Một chiếc xe tải trên một tuyến đường liên bang ở bang Utah, Mỹ, hiển thị dòng chữ ở đuôi xe, nhắc nhở không nhắn tin khi đang lái xe. Ảnh: Zuma Press

Trước đây, các hãng xe đã cố gắng thuyết phục tài xế không dùng điện thoại di động bằng cách cung cấp hệ thống ghép nối cho phép họ kết nối thiết bị di động trực tiếp với một màn hình của hệ thống thông tin giải trí trên xe và sử dụng màn hình này hoặc phần mềm nhận diện giọng nói để thực hiện các cuộc gọi, nghe nhạc.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hệ thống được tích hợp bên trong xe lại là vấn đề vì các sự cố phần mềm và các màn hình khó sử dụng có thể làm tài xế mất tập trung khi lái xe. Ngay cả khi các giải pháp này vận hành tốt, nhiều tài xế vẫn khó từ bỏ được thói quen bấm điện thoại.

“Điện thoại di động giống như chiếc hộp chứa nhiều điều thú vị. Bộ não của chúng ta được lập trình để tìm kiếm sự kích thích. Đối với hầu hết người lái xe, họ ủng hộ sử dụng di động. Đó mới là vấn đề lớn”, Missy Cummings, Giáo sư chuyên nghiên cứu tương tác giữa con người và xe cộ ở Đại học Duke (Mỹ), nói.

Các quy định nghiêm ngặt hơn ở Liên minh châu Âu (EU) để chấn chỉnh tình trạng xao nhãng khi lái xe đang thúc đẩy các hãng xe phải bổ sung hệ thống giám sát tài xế. Hồi đầu năm nay, EU đề xuất các hãng xe phải lắp đặt một loạt tính năng an toàn hiện đại trong xe của họ bắt đầu từ năm 2022, bao gồm các hệ thống phát hiện xao nhãng.

Tại Mỹ, chỉ có hệ thống phanh tự động được kỳ vọng triển khai rộng rãi vào năm 2022 nhưng hầu hết các hãng xe Mỹ cũng phát triển các dòng xe cho thị trường toàn cầu, vì vậy công nghệ giám sát tình trạng xao nhãng của tài xế cũng sẽ hướng trở lại về Mỹ.

Tuy nhiên, các công nghệ giám sát tài xế phần lớn vẫn chưa chứng minh tính hiệu quả vì còn quá mới và quá ít dữ liệu để đánh giá hiệu quả của chúng. Trong khi đó, nhiều hệ thống giám sát như vậy không phải là tiêu chuẩn đối với hầu hết mọi dòng xe. Ngoài ra, khách mua xe thường phải trả thêm tiền cho các xe được trang bị thêm các hệ thống này.

Nhiều khách hàng cũng thấy không thoải mái với sự hiện diện của các camera quan sát chuyển động mắt của họ trong khoang lái vì các lo ngại về riêng tư. Đặc biệt một số người lo lắng rằng nhiều hệ thống giám sát có thể ghi nhận khuôn mặt của họ và tự động điều chỉnh các tính năng trong xe chẳng hạn như hệ thống điều hòa và ghế ngồi. Họ cho rằng các hệ thống này quá xâm phạm vào không gian của họ.

Để giải tỏa các lo ngại này, hãng xe Subaru cho biết các camera giám sát trong các mẫu xe của hãng này chỉ ghi hình ảnh ở dạng hồng ngoại và không thể chụp ảnh hay ghi hình. Hãng xe Volvo Cars cũng cho biết hệ thống giám sát của hãng này không quay video hoặc thu thập dữ liệu nếu chưa có sự đồng ý của người dùng.

Theo Thời báo kinh tế SG