Trẻ em khi tắm sông hoặc vui chơi khu vực ao hồ phải có người lớn đi cùng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 trường hợp đuối nước thương tâm, tại các huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, U Minh, Ðầm Dơi, Thới Bình, Ngọc Hiển.
Vào ngày 10/6 vừa qua, vụ đuối nước thương tâm ở Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, khiến 2 đứa trẻ chưa được 10 tuổi tử vong, để lại nỗi đau không gì bù đắp được cho người thân. Hôm đó, 2 bé là M.C.T (sinh năm 2016) và N.T.N.P (sinh năm 2014), học sinh lớp 1 và lớp 3 Trường Tiểu học U Minh 3 (xã Trần Hợi) lén gia đình ra ao phía sau nhà để tắm. Khi người nhà tìm kiếm thì phát hiện 2 bé chìm dưới ao, dù được đưa đi bệnh viện nhưng 2 bé đã tử vong.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) huyện Trần Văn Thời cùng UBND xã Trần Hợi phối hợp các đoàn thể xã và ấp đến thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng gia đình.
Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng LÐ-TB&XH huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hàng năm, phòng phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND xã, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trong tháng 6, phối hợp triển khai kế hoạch tổ chức Tháng Hành động vì trẻ em, thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở về phòng chống đuối nước ở trẻ; có nhiều mô hình dạy bơi cho các em. Nhưng vì bất cẩn, vì điều kiện, hoàn cảnh sống nên sự chăm lo, bảo vệ của gia đình với trẻ chưa được tốt”, bà Loan nhận định.
Chỉ cần cha mẹ thiếu sự quan tâm, hay một phút lơ là cũng để lại sự hối tiếc muộn màng. Như trường hợp của bé H.T.T, 5 tuổi, ở Ấp 1, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Từ khi còn nhỏ, bé T ở cùng với ông bà nội ở Ấp 6, do cha mẹ đi làm ăn xa. Ngày 9/4, bé T được rước qua nhà cô chơi, không may bất cẩn bị té xuống ao và tử vong.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH: “Từ đầu năm đến nay, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được các cấp, các ngành, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện, nhất là phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 222.841 trẻ. Trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.254 em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa) là 11.474 trẻ”.
Hàng năm, nhiều lớp bơi được tổ chức, vừa dạy bơi cho trẻ, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em dịp hè.
Thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em, 6 tháng đầu năm, Sở LÐ-TB&XH phối hợp thăm, tặng quà cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ðồng thời, mở 66 lớp dạy bơi với 2.445 trẻ tham gia học. Trong đó, cấp huyện mở 23 lớp, với khoảng 1.000 trẻ học; cấp xã mở 43 lớp, với 1.445 trẻ học. Tổng trị giá các mô hình, hoạt động gần 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận 9 trẻ tử vong do đuối nước, 8 trẻ em bị xâm hại tình dục, 1 trẻ em bị bạo hành, 1 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm 2022, trẻ em bị xâm hại tình dục giảm 13, trẻ em tử vong do đuối nước tăng 1 trường hợp, số trẻ em bị bạo hành bằng cùng kỳ.
Sở LÐ-TB&XH đã phối hợp với địa phương đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình với tổng số tiền 32,5 triệu đồng. Ðồng thời, hướng dẫn gia đình lập thủ tục hỗ trợ mai táng phí theo Nghị định số 20/2021/NÐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ đối với các trẻ tử vong.
Ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh: “Trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là đuối nước tăng, 6 tháng đã có đến 9 trường hợp, đặc biệt 2 trường hợp mới đây tử vong ngay trong Tháng Hành động vì trẻ em. Ðây là vấn đề đòi hỏi vai trò không chỉ của ngành LÐ-TB&XH trong công tác phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em, mà quan trọng hơn hết là ý thức của chính các bậc làm cha mẹ trong quản lý, chăm sóc con trẻ. Ðồng thời, các đơn vị, địa phương tham mưu đề xuất các giải pháp phù hợp, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc”./.
Theo Báo Cà Mau