Trong giai đoạn năm 1960-1970, Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện chính sách chống lại tình trạng TNGT rất hiệu quả, là một ví dụ điển hình cho các nước trong đó có Việt Nam học hỏi. Có thể nói năm 1970 là năm mở đầu của chương trình thực thi chính sách an toàn giao thông (ATGT) của Nhật Bản. Trong năm này, những quy định cơ bản của chính sách an toàn giao thông đã được ban hành, quán triệt thống nhất từ chính quyền trung ương tới địa phương. Đồng thời Chính phủ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật và mô hình quản lý, làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách một cách chặt chẽ. Cụ thể:
1. Nội dung “cuộc chiến tranh giao thông” ở Nhật Bản
Năm 1945, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Nhật Bản tiến hành xây dựng lại đất nước. Từ nửa cuối thập niên 50, cùng với việc nền kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc thì phương tiện giao thông cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Cùng với đó, số vụ tai nạn giao thông cũng gia tăng. Trong thời gian 5 năm, từ 1955 đến 1960, số xe ôtô tăng gấp 3 lần và lượng xe máy tăng gấp 2 lần; số người chết tăng từ 6.379 người lên đến 12.055 người, số người tử vong phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi.
Việc đảm bảo an toàn giao thông trở thành một vấn đề xã hội lớn và cụm từ “Cuộc chiến tranh giao thông” được sử dụng để nói về tình trạng này. Sở dĩ dùng từ “chiến tranh” vì số người chết do tai nạn giao thông trong những năm 1960 còn nhiều hơn số người chết trong cuộc chiến Thanh - Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Cụm từ đó nói lên rằng tình hình TNGT đang ở tình trạng báo động. Vì vậy những người dân và các phương tiện truyền thông đã rất bức xúc và mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu Chính phủ xây dựng một chính sách ATGT triệt để.
Chính phủ Nhật đã kịp thời có những thay đổi mang tính cách mạng. Để các chính sách bảo đảm an toàn giao thông được tiến hành một cách toàn diện, năm 1955 cơ quan phụ trách chính sách an toàn giao thông được đặt trong Nội các Chính phủ, năm 1960 thuộc Văn phòng Chính phủ. Và đến năm 1965, nhằm tăng cường năng lực của cơ quan phụ trách chính sách ATGT, cơ quan này được tách ra đứng độc lập, chịu trách nhiệm điều phối các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả các chính sách về ATGT.
Chính phủ Nhật đã áp dụng chính sách 3E trong đảm bảo TTATGT:
- “Enforcement” (cưỡng chế):
Năm 1960, Chính phủ đã cải cách luật giao thông một cách toàn diện và trên cơ sở đó đã ban hành Luật giao thông đường bộ với mục tiêu đảm bảo ATGT, phòng chống tai nạn giao thông đường bộ và đảm bảo giao thông thuận tiện. Từ năm 1957 đến 1967, ở các tỉnh lần lượt có các phòng cảnh sát giao thông đặt trong Sở cảnh sát tỉnh nhằm tăng cường công tác cưỡng chế thực hiện pháp luật giao thông.
- “Engineering” (xây dựng):
Tăng cường xây dựng các công trình an toàn giao thông là một trong những vấn đề cấp bách. Năm 1966, để đảm bảo an toàn giao thông và giúp giao thông thuận tiện, Nhật Bản đã tập trung tiến hành xây dựng, lắp đặt các công trình ATGT như các hệ thống đèn hiệu, biển báo, cầu vượt…
- “Education” (giáo dục)
Đây là lĩnh vực được thực hiện muộn nhất. Năm 1967, sau khi Bộ Giáo dục tuyên bố kế hoạch giáo dục ATGT và phát hành “Sách hướng dẫn ATGT”,việc giáo dục ATGT ở các trường học đã trở nên phổ biến.
2. Những nét chính của chính sách ATGT tại Nhật Bản
Trong bối cảnh tình hình giao thông đang rất nghiêm trọng, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch tăng cường, củng cố các chính sách ATGT một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Tháng 6 năm 1970, Luật ATGT được ban hành và đã trở thành nội dung cốt lõi của chính sách ATGT hiện nay.
2.1. Những nét chủ đạo
Luật ATGT quy định trách nhiệm của tất cả các cá thể trong xã hội, từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý giao thông đến người lái xe, người đi bộ... đối với tất cả các hình thức giao thông: đường biển, đường bộ, đường không, đường sắt... Về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc đảm bảo ATGT được quy định cụ thể hơn ở những văn bản hướng dẫn dưới luật.
Trong bộ luật này, các cơ quan trung ương chịu trách nhiệm thi hành các chính sách chung cho toàn quốc, các cơ quan địa phương (tỉnh, thành, xã) trên cơ sở các chính sách đó, xây dựng và thực hiện các chương trình cụ thể phù hợp với đặc trưng của từng vùng. Ngoài việc quy định trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông của các cơ quan chức năng quản lý đường bộ, đường sắt, Luật này cũng quy định trách nhiệm những nhà sản xuất phương tiện và các công ty dịch vụ vận tải.
2.2. Hội nghị chính sách an toàn giao thông
Nhật Bản có rất nhiều cơ quan hành chính chịu trách nhiệm về ATGT. Sở cảnh sát chịu trách nhiệm thi hành các quy định và luật lệ liên quan đến giao thông đường bộ. Bộ Giao thông chịu trách nhiệm quản lý các công trình đường bộ, đường sắt, quản lý các doanh nghiệp vận tải (xe buýt, xe tải, đường sắt...); đảm trách việc điều tra cấu tạo của các loại xe ôtô, kiểm định xe... Do các cơ quan đều hoạt động độc lập nên việc thi hành chính sách ATGTmột cách nhất quán rất khó. Vì thế, ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương đều hình thành và thực hiện cơ chế tổ chức hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan liên quan để đưa ra các quyết định quan trọng trong chính sách ATGT. Cơ chế này giúp đảm bảo tính nhất quán, thống nhất trong chính sách ATGT của các cơ quan liên quan ở tất cả các cấp.
2.3. Kế hoạch an toàn giao thông
Ở Nhật Bản, chính sách ATGT được triển khai thực hiện theo các kế hoạch 5 năm. Kế hoạch 5 năm tiếp theo được xây dựng sau khi đã rút kinh nghiệm từ kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm trước đó để có những điều chỉnh hợp lý. Các biện pháp trong Kế hoạch ATGT 5 năm thể hiện nội dung đã được thống nhất trong hội nghị Trung ương về chính sách ATGT. Mục tiêu của Kế hoạch là trong vòng 5 năm phải giảm số người chết vì TNGT. Trên cơ sở nội dung cơ bản của kế hoạch đó, các địa phương cũng xây dựng các kế hoạch về an toàn giao thông phù hợp với đặc trưng của địa phương mình.
2.4 Các biện pháp cơ bản về ATGT
Đây là những biện pháp cơ bản của chính sách ATGT, là những nội dung quan trọng không thể thiếu của Kế hoạch ATGT:
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông
Khi đưa ra các biện pháp về xây dựng hạ tầng giao thông như trang bị hệ thống đèn tín hiệu, các công trình đường bộ, quản lý giao thông, sử dụng đường hợp lý…cần phải chú ý đảm bảo an toàn cho người đi bộ, bởi một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách ATGT của Nhật bản là đảm bảo ATGT dành cho “các đối tượng yếu thế cần được ưu tiên” như người đi bộ, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em.
+ Phổ biến kiến thức an toàn giao thông
Chính phủ đã thực hiện chính sách tăng cường phổ biến kiến thức, giáo dục ATGT, xây dựng những chương trình giáo dục về ATGT ở các trường học, các địa phương. Thêm vào đó, việc sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông trong các hoạt động công chúng cũng góp phần rất quan trọng cho việc thức tỉnh ý thức của người dân. Không chỉ phổ biến kiến thức một cách đơn thuần, phương pháp giảng dạy ATGT bằng thực tế cũng được khuyến khích áp dụng.
+ Bảo đảm việc lái xe an toàn
Đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông; hoàn thiện các luật liên quan đến điều kiện lái; cải tiến công tác quản lý các doanh nghiệp vận tải; quy định một cách hợp lý, khoa học về điều kiện, thời gian làm việc; bảo đảm thông tin thời tiết, khí tượng.
+ Bảo đảm tính an toàn cho các phương tiện giao thông
Cải tiến kỹ thuật cơ bản, thực hiện việc kiểm tra một cách chặt chẽ để bảo đảm tính an toàn trong cấu tạo và các trang thiết bị của xe là một biện pháp hữu hiệu để loại trừ nguy cơ gây tai nạn.
+ Duy trì trật tự giao thông
Thực hiện các biện pháp cần thiết như cưỡng chế giao thông; nghiên cứu, phân tích để nhận dạng các vi phạm nguy hiểm, hành vi lái xe gây phiền phức cho người khác…để thắt chặt xử lý.
+ Duy trì các biện pháp cấp cứu
Nỗ lực trang bị các thiết bị y tế, duy trì hệ thống dịch vụ cấp cứu để đảm bảo việc cứu thương và cải thiện công tác điều trị. Sự xuất hiện của cụm từ“Chăm sóc y tế khẩn cấp” (Emergency Medical Care) đã thay đổi chính sách “3E” thành “4E”.
+ Thực hiện việc đền bù thiệt hại hợp lý, công bằng.
Thiết lập các chế độ bảo hiểm, đền bù thiệt hại đầy đủ cho các nạn nhân.
+ Phát triển khoa học kỹ thuật
Tiến hành các cuộc điều tra nghiên cứu mang tính chất tổng hợp về nguyên nhân gây tai nạn, mở rộng nghiên cứu ở từng đối tượng: con người, đường sá và xe cộ.
3. Kết quả đạt được của chính sách ATGT tại Nhật Bản
Sau khi Luật giao thông đường bộ được xây dựng năm 1970, số người chết do TNGT có dấu hiệu ổn định và giảm dần qua các năm. Đặc biệt, năm 2006 số người chết do TNGT giảm xuống còn 6.352 người, giảm 60% so với con số tử vong cao nhất từ trước tới nay. Bởi vậy có thể thấy, chính sách ATGT của Nhật đã đem lại kết quả lớn.
Kết quả của chính sách ATGT của Nhật Bản đã chỉ ra rằng, để giảm số vụ TNGT và thương vong do TNGT gây ra phải có một chiến lược dài hơi và sự quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ đến người dân.
Theo TT NCATGT. Khánh Ngọc st