Ngoại hình tưởng như “bình cũ” nhưng lại là “rượu mới”

“Bình cũ, rượu mới” trong trường hợp này chính là một lời khen ngợi dành cho Dat Bike Weaver++. Mẫu xe điện Made in Vietnam này đã hoàn toàn thoát khỏi bóng dáng của hai thế hệ sản phẩm đi trước, dù vẫn còn sở hữu diện mạo hao hao.

Startup Việt đã chú trọng hơn tới chất lượng hoàn thiện của sản phẩm. Trên mẫu Weaver++ hiện nay, khách hàng khó có thể lắc đầu ngao ngán khi nhìn vào vị trí mối hàn thân khung xe, các đầu nối dây điện, cách bố trí linh kiện… Tất cả đều rất chỉn chu, đẹp mắt và chứng tỏ có sự đầu tư chất xám và cầu toàn.

Nếu như nhìn vào mức độ hoàn thiện của Weaver hay Weaver 200 - hai thế hệ sản phẩm đầu tiên của Dat Bike, người dùng chỉ có thể đánh giá xe có chất lượng ngang với những lò độ hạng xoàng. Cộng với việc liên tục thấy Founder “lên tivi gọi vốn triệu này triệu nọ Đôla” - khiến sự hoài nghi về mức độ nghiêm túc của Startup này càng tăng lên.

Nhưng đến thế hệ sản phẩm Weaver++, Dat Bike đã cho thấy sự nghiêm túc của Founder Nguyễn Bá Cảnh Sơn - người đã quyết tâm bỏ lại “giấc mơ Mỹ” với công việc trong mơ ở thung lũng công nghệ Silicon nổi tiếng để về Việt Nam ôm mộng xanh hóa giao thông. Hoặc có thể đơn giản chỉ là hãng đã lắng nghe người tiêu dùng và quyết tâm thay đổi - dù hiểu theo cách nào thì cũng là tín hiệu vô cùng tích cực cho khách hàng.

Và đó chắc chắn cũng là lý do vì sao Startup này đã huy động được tổng cộng tới 16,5 triệu USD tính từ khi thành lập vào năm 2019 cho tới thời điểm bài viết này được công khai. Rõ ràng các nhà đầu tư am hiểu về kinh tế, công nghệ cũng như sản xuất - những người có thể rót hàng trăm tỷ đồng tiền vốn cho Dat Bike - là những cái đầu sành sỏi và biết rót tiền vào đúng chỗ sẽ cho ra quả ngọt, chứ không phải “đi vào lòng đất”.

Thiết kế pha lẫn cổ điển và hiện đại, khác biệt và bụi bặm

Cụ thể, Dat Bike Weaver++ vẫn sở hữu kiểu thiết kế hoài cổ đặc trưng của những chiếc mô tô classic: Đèn chiếu sáng full LED dạng tròn với viền demi tròn pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Cụm xi-nhan trước và sau vẫn được thiết kế tách biệt độc lập như thế hệ tiền nhiệm.

Ghi đông xe đã được thiết kế lại, tăng chiều cao giúp cho việc cầm lái trở nên dễ dàng hơn. Tư thế ngồi lái thoải mái hơn, khiến cho việc điều khiển Weaver++ cũng linh hoạt và dễ làm quen hơn thế hệ trước.

Cùng với tay lái mới, Dat Bike cũng trang bị cho Weaver++ một màn hình màu hiển thị đa thông tin cực kỳ đẹp mắt. Giao diện dù là ngày hay đêm với tông màu nền chủ đạo là trắng/đen cũng đều cho chất lượng hiển thị rất sắc nét, dễ quan sát và bắt mắt. Chi tiết này tạo cảm giác hiện đại cho xe, khác biệt hoàn toàn với những chiếc xe tầm giá dưới 150 triệu hiện nay tại Việt Nam.

Ở phía bên dưới, hai bánh xe sử dụng vành đúc 16 inch đi kèm cặp lốp không săm kích cỡ lớn: bánh trước 100/80 - bánh sau 120/80. Trang bị này không chỉ giúp chiếc xe điện trở nên “ngầu” hơn, mà còn góp phần cải thiện khả năng bám đường khi đi chuyển trên những địa hình khó.

Cốp chứa sạc dạng bình xăng giả và yên đơn dạng dài bọc da là những chi tiết rất đẹp mắt, vẫn được hãng xe Việt tiếp tục duy trì trên bản nâng cấp này. Bộ pin màu cam vuông vức và rất bắt mắt vẫn được treo giữa xe, với điểm nhấn là vị trí quẹt thẻ để khởi động xe, cùng với ăng-ten giúp kết nối phương tiện và Smartphone.

Cùng với ghi đông xe, giảm xóc phía sau dạng monoshock - tương tự những mẫu xe PKL, hay bộ gắp sau khỏe khoắn và mô tơ đặt giữa - truyền động xích (tương tự mẫu xe điện cao cấp VinFast Theon) là những nâng cấp cực kỳ giá trị và góp phần tạo nên khác biệt đến mức “lột xác” về trải nghiệm sử dụng của Dat Bike Weaver++ so với hai thế hệ trước.

Trải nghiệm lái hứng khởi như... BMW trong thế giới xe hơi

Nếu so với những xe ô tô phổ thông, việc ôm vô-lăng một chiếc BMW đem lại cảm giác “đầm lì”, có sức mạnh nhảy vọt và tạo được sự phấn khích hay cảm giác “gây nghiện” cho tài xế; thì trải nghiệm lái của Dat Bike Weaver++ cũng khá tương tự - xét trong thế giới xe hai bánh (phân khúc phổ thông với mức giá 150 triệu đổ lại).

Trái với vẻ ngoài có phần gai góc, khác biệt; việc nhảy lên, làm chủ và vọt đi trên chiếc Dat Bike Weaver++ thực sự rất đơn giản (với ghi đông, giảm xóc, khung thân - gắp sau như đã đề cập ở phần trên).

Và không chỉ dừng lại ở mức đơn giản, Dat Bike Weaver++ còn đem lại cho người cầm cương một mức độ “khoái cảm” nhất định, một sự thôi thúc không ngừng, nịnh nọt như rót mật vào tai “vặn tay phải đi, bơm thêm ga nữa lên xem nào!”

Cụ thể, nước ga đầu được tinh chỉnh một cách rất hiền hòa để đem lại sự an toàn - không gây giật mình cho người cầm lái - mà theo cá nhân người viết bài là rất hợp lý. Nhưng chỉ cần vượt qua ngưỡng 15 - 20 km/h, tay ga của chiếc Weaver++ đem lại một sự hào sảng hơn hẳn những chiếc xe động cơ đốt trong thông thường.

Mỗi lần vặn ga, chiếc xe lập tức vọt đi không hề trễ nải. Nghe tiếng xích zéo zéo bên dưới và gió lùa bên tai khi cơ thể bắn đi, thực sự không khác gì bơm thẳng một liều Adrenalin ngay vào máu.

Kiểu vận hành này khiến cho việc vượt những xe khác trở nên vô cùng đơn giản. Những tay lái ưa thích chạy xe “trẻ - trẩu” theo phong cách phóng nhanh phanh gấp sẽ rất hợp với chiếc xe điện này.

Việc chuyển từ truyền động trực tiếp (mô-tơ đặt ở bánh xe sau) sang truyền động xích cũng khiến cho phản hồi tay ga của Weaver++ trở nên mượt mà và bớt “hỗn” hơn nhiều. Đồng thời khi nhả ga hay bóp phanh, chiếc xe cũng vẫn có khả năng thu hồi năng lượng; nhưng không giật cục và tạo sự khó chịu như thế hệ Weaver 200 tiền nhiệm. Đây là hai điểm khác biệt cực kỳ đáng giá mang tính “lột xác” của xe so với 2 thế hệ trước.

Đó là còn chưa kể tới việc Startup Việt còn “ăn chơi” trang bị theo xe hẳn một bộ sạc công suất lớn lên tới 22A, giúp cho quá trình sạc đầy chiếc Dat Bike Weaver++ chỉ trong 3 tiếng. Nếu vội, người dùng có thể cắm sạc 1 tiếng là đã có thể di chuyển được tới 100km. Theo hãng công bố, Weaver++ đang là mẫu xe điện có tốc độ sạc nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay và trạm sạc nhanh Dat Charge là trạm sạc có tốc độ nhanh nhất cho xe 2 bánh trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Còn trải nghiệm thực tế cho thấy chiếc xe này hoàn toàn có thể chạy hàng ngày liên tục tới 1 tuần không cần sạc, nếu chạy theo kiểu đi chợ - đi làm loanh quanh trong thành phố. Ngay cả khi chạy gắt - gấp, thì Dat Bike Weaver++ cũng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu di chuyển trong ngày. Nếu đi phượt ngoại ô bán kính khoảng 70km đổ lại, xe dư sức “cân tất” cả hành trình. Còn nếu đi xa hơn, bạn sẽ phải dừng nghỉ uống nước, lấy lại sức và kết hợp chờ sạc giữa đường, nhưng cũng không cần phải đợi quá lâu.

Dat Bike Weaver++ một mẫu xe rất tuyệt, nhưng chưa hoàn hảo

Chi tiết đáng nói đầu tiên, dù rất nhỏ nhưng lại gây khó chịu và làm giảm trải nghiệm lái của người dùng khá nhiều. Đó là chân chống giữa của xe được thiết kế không cố định tốt. Do đó mỗi khi đi qua ổ gà, con lươn, đoạn đường xóc hay leo vỉa; người cầm lái lại thấy những tiếng “lộc cộc”, cảm giác như chiếc xe èo uột đang “long sòng sọc” - dù Dat Bike Weaver++ không hề yếu ớt, thậm chí còn khá đầm lỳ và chắc chắn.

Điểm yếu tiếp theo có thể coi như “gót chân Asin” của Dat Bike Weaver++, đó chính là việc mẫu xe điện Việt “anti địa hình đèo núi”, bất chấp ngoại hình rất “chiến ngầu” và thoạt nhìn có thể dễ dàng “cân tất” những cung đường xấu - khó. Cụ thể, xe cực kỳ ỳ ạch khi leo dốc cao. Nếu giữa dốc gặp chướng ngại vật buộc người lái phải giảm tốc và mất đà, Weaver++ sẽ đem lại cảm giác “chưa đến chợ đã hết tiền” một cách rất “ố dề”.

Và cuối cùng, đó chính là mức giá mới 65,9 triệu đồng cho Dat Bike Weaver++ tức là tăng 11 triệu đồng so với phiên bản tiền nhiệm. Nhà sản xuất cho rằng việc định giá xe vẫn còn là rẻ bởi lẽ mức giá này đã bao gồm pin (có khả năng chạy tới 200km/lần sạc) và thuế VAT, đi kèm hàng loạt nâng cấp trang bị xịn xò (màn hình màu, truyền động xích, giảm xóc sau monoshock, mâm đúc và cặp lốp không săm địa hình cỡ lớn…).

Tuy nhiên dưới góc nhìn của một người tiêu dùng phổ thông, mức giá ngang tầm một chiếc Vespa hay SH Mode (và nhỉnh hơn hẳn một chiếc Winner X hay Exciter) thực sự sẽ khiến khách hàng phải rất đắn đo và cân nhắc trước khi có thể “xuống tiền”.

Dat Bike chỉ có duy nhất một trạm sạc nhanh Dat charge với công suất dòng điện lên tới 80A ở TP HCM và vỏn vẹn 3 showroom ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Rõ ràng là khó có thể bì được với những thương hiệu “cửa dưới” như Yadea, Pega… chứ đừng nói là VinFast - thương hiệu số một hiện nay. Tuy nhiên, Dat Bike rõ ràng là nhắm vào thị trường ngách và không hề cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ kể trên.

Nhưng thực tế đối khách hàng, tỉ lệ hiệu suất trên giá thành (7kW / 66 triệu đồng) của Dat Bike Weaver++ hiện đang tốt nhất thị trường xe điện. Chưa kể chi phí vận hành rất rẻ - chỉ rơi vào khoảng 20.000 đồng / 200km, tương đương 100 đồng / km di chuyển.

Và nếu nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, khi Dat Bike tự hào tuyên bố doanh số của hãng đã tăng vọt 1.000% kể từ thế hệ Weaver 200, hay xe hiện nay “đắt như tôm tươi”, sản xuất không kịp bán và khách muốn mua đều phải đặt trước; có thể thấy Dat Bike bước đầu đã thuyết phục được người tiêu dùng.

Không những khách hàng chịu mua, mà còn chịu kiên nhẫn chờ đợi để được nhận xe. Đó không chỉ là điều đáng mừng cho Dat Bike nói riêng, mà còn là tín hiệu rất tích cực cho ngành sản xuất xe điện của Việt Nam nói chung. Cùng với VinFast, chắc chắn Dat Bike sẽ là những cái tên “làm nên chuyện lớn”.

Xe chưa ổn, rồi thế hệ sản phẩm sau, dần cải tiến sẽ ổn. Quan trọng là người Việt đã “chập chững” có những bước đi đầu tiên trong ngành công nghiệp sản xuất: tự thiết kế, làm chủ công nghệ và chủ động được dây chuyền lắp ráp. Chúng ta đã bắt đầu đi, chưa biết là nhanh hay chậm, nhưng cứ đi rồi sẽ đến. Tất cả rồi sẽ được thời gian trả lời.

Theo xehay.vn