Theo dự thảo Nghị định 46 sửa đổi, nhiều hành vi vi phạm như đi ngược chiều trên cao tốc, điều khiển xe máy bằng chân, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại... do cá nhân, tổ chức ghi lại sẽ được dùng làm căn cứ để xác định vi phạm
Thay vì chỉ có trang thiết bị được kiểm định của lực lượng chức năng, hình ảnh từ thiết bị máy ảnh, camera của người dân cung cấp sẽ được dùng để phạt nguội vi phạm giao thông. Đây là quy định mới được ban soạn thảo đưa vào nghị định thay thế Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến.
Rõ hơn trách nhiệm chủ phương tiện
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông, dự thảo bổ sung 3 nội dung mới để phạt nguội, trong đó có sửa đổi quy định xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.
Ông Tùng cho biết, khác với quy định hiện nay tại Nghị định 46 chỉ quy định công cụ thiết bị nghiệp vụ, dự thảo lần này bổ sung quy định sử dụng thông tin hình ảnh thu được từ thiết bị ghi hình của tổ chức, cá nhân cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm. Việc bổ sung để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc đấu tranh, phát hiện và tố giác vi phạm.
“Khi người dân quay hay chụp được cảnh vi phạm sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng làm căn cứ xử phạt. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang sử dụng hình ảnh do người dân cung cấp để làm cơ sở mời chủ phương tiện hợp tác xác minh người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó làm việc với người có hành vi vi phạm, yêu cầu họ xác nhận và ký biên bản làm căn cứ ra quyết định xử phạt”, ông Tùng nói.
Liên quan đến trách nhiệm chủ phương tiện, ông Tùng cho biết, dự thảo quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được để xử lý, sẽ gửi thông báo yêu cầu cá nhân, tổ chức đến trụ sở giải quyết. Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân nếu không hợp tác, không chứng minh được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thì bị xử phạt hành vi vi phạm.
Thừa nhận hiện nay có tình trạng người vi phạm không đến giải quyết vi phạm giao thông, ông Tùng nhìn nhận, tuy Nghị định 46 xác định chủ phương tiện có trách nhiệm phối hợp xác định đối tượng vi phạm nhưng nếu chủ phương tiện không phối hợp cũng không bị xử lý. Dự thảo lần này sẽ giải quyết vấn đề này bằng quy định: Nếu chủ phương tiện không hợp tác sẽ phạt luôn lỗi này. Bên cạnh đó, nếu chủ phương tiện không chứng minh được là không điều khiển xe gây ra hành vi vi phạm cũng sẽ bị xử phạt.
“Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính vì việc chứng minh là quyền của người vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt có nghĩa vụ chứng minh vi phạm”, ông Tùng lý giải và khẳng định: “Quy định này phù hợp với luật vì người có thẩm quyền xử phạt đã chứng minh vi phạm bằng hình ảnh thu được xe đó đã vi phạm, trong đó chủ phương tiện là đối tượng được xét đến đầu tiên. Dự thảo cho phép chủ phương tiện chứng minh vi phạm, nếu không chứng minh được mình không điều khiển sẽ phạt hành vi đã phát hiện”.
Đối với chủ phương tiện là tổ chức, ông Tùng khẳng định, chủ phương tiện phải có nghĩa vụ xác minh ai đã điều khiển xe vi phạm. Ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ với ATGT, trách nhiệm của chủ phương tiện rất lớn mà nói không biết ai điều khiển xe là vô lý. Để phòng trường hợp này, dự thảo quy định, chủ phương tiện là tổ chức nếu không xác định được người điều khiển vi phạm sẽ bị phạt tiền với mức phạt gấp đôi so với cá nhân. Hiện nay, tình trạng xe vi phạm được phát hiện qua hình ảnh hay không qua hình ảnh quá thời gian nhưng không đến giải quyết vi phạm còn nhiều. Dự thảo sẽ quy định thông báo cho cơ quan đăng kiểm để từ chối kiểm định với những đối tượng này.
“Cục CSGT cũng đang sửa đổi Thông tư 15 của Bộ Công an theo hướng khi sang tên đổi chủ phải làm lại giấy đăng ký xe, trong đó cập nhật địa chỉ của chủ mới. Dự thảo nghị định bổ sung thêm xử phạt đối với chủ phương tiện không đổi đăng ký xe theo quy định khi sang tên đổi chủ hay cải tạo phương tiện”, ông Tùng cho biết.
Máy ảnh, camera không kiểm định
“
Nghị định 46 mới sẽ phải là khớp nối các Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Bộ luật Hình sự. Thay vì quy định 3 mức vi phạm nồng độ cồn trong nghị định chúng ta chỉ quy định 2 mức. Khi đó, vi phạm ở mức 1 thì xử phạt hành chính còn vi phạm mức 2 sẽ khớp nối với Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự. Lúc đó chúng ta tuyên truyền mạnh mẽ quy định, uống rượu bia ở mức này dù chưa gây hậu quả sẽ bị xử lý hình sự. Nếu chúng ta tuyên truyền uống rượu bia khi lái xe sẽ bị phạt tù thì sẽ thẩm thấu vào người dân sâu hơn.
Luật sư Hoàng Văn Hướng,
Đoàn Luật sư TP Hà Nội
”Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho rằng, Nghị định 165 của Chính phủ đang quy định thiết bị để phạt nguội phải được kiểm định. Tại Lào Cai, lực lượng thanh tra sử dụng máy ảnh, camera quay chụp hình ảnh vi phạm nhưng không lập được biên bản vi phạm vì lực lượng CSGT cho rằng, các thiết bị này không được kiểm định. Trong khi đó, phía Bộ KH&CN cho biết các thiết bị này không phải kiểm định.
“Thiết bị máy ảnh, camera, ghi âm cần được quy định rõ trong nghị định lần này là không phải kiểm định vì các loại thiết bị này được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn người nào dùng hình ảnh photoshop đã có quy định pháp luật khác điều chỉnh”, ông Sơn đề xuất.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, quy định tại Khoản 8, Điều 80 về trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ cần đối chiếu lại với Điều 11, Nghị định 165 quy định về quản lý phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 11 quy định, khi có kết quả thu được từ thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt cần nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp xác định được phải lập biên bản và kết quả được lưu cùng biên bản. Trường hợp chưa phát hiện được kết quả thu được không được dùng để lập biên bản xử phạt.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc xử phạt hành vi không thắt dây an toàn và người điều khiển phương tiện để cho người ngồi trên xe không thắt dây an toàn đã thành thông lệ quốc tế. Hành vi không thắt dây an toàn nguy hiểm cho chính bản thân người lái xe. Ban soạn thảo cần lưu ý hành vi không đội MBH chế tài còn nhẹ, đặc biệt là đối với trẻ em, nên nâng lên mức từ 400.000 - 500.000 đồng và phạt đối với người có hành vi chở trẻ em không đội MBH lên mức 800.000 - 1 triệu đồng.
“Đề nghị tổ soạn thảo rà soát lại toàn bộ chế tài đối với hành vi vi phạm trật tự ATGT của trẻ em, những hành vi nào liên quan đến sai phạm của người lớn, ví dụ như để trẻ em không đội MBH hoặc giao mô tô, xe máy cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi… cần nâng chế tài xử phạt lên cao hơn từ 3-4 lần so với mức hiện nay”, ông Hùng đề xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện (đã có nhiều vụ tai nạn liên quan đến hành vi này) cũng cần nâng mức xử phạt nặng, đối với lái xe ô tô nên ở mức từ 4-5 triệu đồng, đối với mô tô, xe máy cũng nên ở mức 2 - 3 triệu đồng. Dù khó khăn trong xác định vi phạm, nhưng chúng ta đã có hệ thống camera, có hình ảnh người dân cung cấp phát hiện trường hợp nào vi phạm phải xử lý ngay.
Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân gây TNGT do vi phạm nồng độ cồn ở các nước phát triển rất thấp do họ quản lý tốt nhưng sử dụng điện thoại lại tăng, tại Mỹ chiếm trên 30% số vụ TNGT. “Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn và một số hành vi vi phạm khác cần kiến nghị Chính phủ có văn bản đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn cụ thể để Khoản 4, Điều 260 đi vào đời sống. Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn vi phạm mức 3, từ 80 mg/100ml máu trở lên có thể xem xét chuyển sang xử lý hình sự, để làm được thì phải cần hướng dẫn cụ thể của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao”, ông Hùng nói.
Đối với quy định sử dụng thiết bị nghiệp vụ để xử phạt vi phạm giao thông, ông Hùng cho rằng, quy định tại Điều 80, Nghị định 46 cần giải thích rõ để dễ triển khai trong thực tế. Một số trang thiết bị không phải là trang thiết bị nghiệp vụ quy định tại Nghị định 165 chúng ta đã dùng. Một số clip quay xe lùi trên cao tốc mà người dân cung cấp đã được CSGT xử lý, hay một số hành vi khác được người dân cung cấp hình ảnh đã được xác minh và xử lý. Máy ảnh hay camera hành trình hiện không phải kiểm định nhưng vẫn được CSGT dùng để xử lý. Việc đưa nội dung này vào Nghị định 46 sẽ giúp người dân nắm bắt đầy đủ hơn về quy định đã có trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục và cảnh báo rất hiệu quả.
“Đặc biệt cần rà soát lại toàn bộ tất cả các điểm quy định về hành vi không hợp tác với người thực thi công vụ, nên quy định mức xử phạt cao nhất trong khung phạt”, ông Hùng nói thêm.
Theo atgt.vn