Điều này khiến dự án cao tốc Bắc - Nam đứng trước nguy cơ lỡ tiến độ giai đoạn 1 và thiếu vắng nhà thầu ở giai đoạn 2. Đâu là lời giải cho bài toán này?
Kỳ 1: Lỗ nặng, nhà thầu vẫn phải xoay tiền thi công
Không chỉ khó khăn về vật liệu, các nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam còn đang chật vật xoay xở dòng tiền tăng ca kíp, máy móc, nhân lực để hoạt động công trường không bị gián đoạn.
Không chỉ khó khăn về vật liệu, các nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam còn đang chật vật xoay xở dòng tiền để hoạt động công trường không bị gián đoạn (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải
Nhà thầu “cháy túi” vì bão giá
Một buổi sáng trung tuần tháng 7/2022, gặp PV trên công trường dọc đoạn tuyến Km 57 - Km 58 gói thầu XL6 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, gương mặt ông Thái Duy Liên, Chỉ huy trưởng nhà thầu 36 thêm rạng rỡ hơn so với cuộc gặp khoảng 2 tháng trước khi hay tin giá xăng, dầu tiếp tục giảm.
“Xăng xuống, dù vẫn ở mức cao nhưng công trường sẽ bớt lỗ”, nét mặt dù có chút rạng rỡ nhưng ông Liên vẫn không giấu được vẻ trầm tư.
“Theo khái toán, đơn giá đất đắp trong hợp đồng được phê duyệt chỉ 75.000 đồng/m3 chặt và thêm 13.000 đồng chi phí lu lèn. Thực tế, mỗi khối đất rời về đến chân công trường hiện đã tăng đến 105.000 đồng, chi phí một khối đất chặt lên đến 150.000 đồng.
“
Hiện tại, đối với dự án giao thông nói chung và cao tốc Bắc - Nam nói riêng có thể chia ra làm hai nhóm nhà thầu.
Nhóm 1 vẫn còn khả năng thi công và có thể thi công hoàn thành bắt kịp tiến độ. Riêng nhóm thứ 2 tiến độ thi công trì trệ có dấu hiệu thiếu hụt tài chính nghiêm trọng dẫn đến khó hoàn thành gói thầu theo hợp đồng.
Do vậy, các Ban QLDA cần tiếp tục tập trung kiểm soát, điều chuyển khối lượng nhà thầu yếu theo đúng quy định hợp đồng đã ký kết.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT
”
Từ đầu năm đến nay, giá cát cũng 3 lần tăng cao, từ đơn giá phê duyệt hơn 300.000 đồng/m3, giờ đã tăng đến 420.000 đồng/m3. Sự leo thang giá vật litrị hợp đồng”, ông Liên nói.
“Thời tiết thì quá đẹp nhưng giá vật liệu tăng quá cao, nhà thầu không thể làm. Tiến độ thi công trước còn vượt, khoảng 1 tháng nay bỗng nhiên chậm lại”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban điều hành dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn than thở.
“Mục sở thị” dự án, hiện trước mắt PV không còn là những đoàn xe vận chuyển vật liệu nối đuôi nhau, tiếng máy lu rền vang. Thay vào đó là sự ảm đạm bất thường.
“Sức nóng công trường dường như bị dập tắt bởi bão giá”, ông Cao Văn Hóa, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty TNHH Định An nói và thừa nhận, từ ngày 13/6 tới nay, nhà thầu chỉ làm cầm chừng. Trước kia trên công trường có hơn 80 đầu xe hoạt động, đến nay không còn xe nào.
“Lúc ký hợp đồng giá dầu là 14.000 đồng/lít, giờ đã lên gấp 2,5 lần. Bình quân một ngày chúng tôi dùng 15.000 lít dầu. Vật tư như bê tông, cát, đá bây giờ cũng tăng theo. Các nhà thầu giờ đây gần như đã kiệt sức”, ông Hóa nói trong vô vọng.
Tại dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, tình cảnh cũng tương tự.
Ông Lê Huy Cương, phụ trách thanh toán thuộc liên danh Vinaconex - Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thi công gói thầu XL3 cho biết, giá nhiên, vật liệu thi công tăng cao nhất lên đến hơn 160%, trung bình từ 20 - 30%.
Không chỉ tại dự án Nghi Sơn - Diễn Châu mà Vinaconex cũng đang “méo mặt” tại 4 dự án thành phần khác thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex, tính trung bình cả 5 gói thầu mà Tổng công ty đảm nhận thi công, chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng tăng 21,3%. Nếu tính cả biến động máy thi công, nhân công thì khoảng 28%.
“Gần 20 năm làm giao thông, chưa bao giờ tôi thấy khó như lúc này”, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt) lo lắng khi thời điểm cuối tháng 5/2022, vẫn có gói thầu không tìm được nhà thầu vì “cứ đưa hồ sơ là họ bỏ, vì giá quá thấp”.
Đến tháng 7/2022, sau 14 tháng kể từ lúc khởi công, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn còn tới 3 gói thầu chưa hoàn thành thành lựa chọn nhà thầu.
Không chỉ nỗi lo vật liệu…
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu
“Các ngân hàng bắt đầu siết vốn vay tín dụng khiến vốn quay vòng của nhiều nhà thầu đang gặp khó”, lãnh đạo một nhà thầu có tiếng trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông đề cập bối cảnh chi phí làm cao tốc đang vượt quá giá trị trúng thầu.
Vị này cũng cho rằng, ngoài bão giá, các doanh nghiệp giao thông còn đang xoay xở trong một “tổ tơ vò”.
“Lệnh” rút ngắn tiến độ đang được thực hiện tại hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Để đáp ứng, nhà thầu buộc phải huy động thêm máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực thi công cả ngày lẫn đêm. Riêng lương công nhân tăng ca đêm, nhà thầu đã phải tính gấp đôi ban ngày.
Định mức làm một khối đất là 10 đồng nhưng nếu thời tiết bất lợi, nhà thầu phải bỏ ra chi phí gấp đôi, gấp ba cho công việc ấy.
Một bất cập khác là giá vận chuyển vật liệu. Theo định mức được Bộ Xây dựng phê duyệt, vận chuyển một m3 đất/km khoảng 2.500 - 3.000 đồng. Thế nhưng, hiện nhà thầu phải thuê ngoài là 8.000 đồng/m3/km.
Những chi phí phát sinh đó nhà thầu đều tự chủ động cân đối, không hề có cơ chế hỗ trợ, thanh toán thêm.
Trầm ngâm nhớ lại 3 năm trước đó, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 thực hiện, mở ra hy vọng giải quyết cảnh “đói” việc, vị lãnh đạo trên cũng cho hay, có những nhà thầu ông biết trở nên bết bát hơn, mới thi công đến lớp cấp phối đá dăm đã lỗ 42% so với giá trị thanh toán.
“Đây là giai đoạn quyết định, cần “xắn tay” vào cứu nhà thầu. Nếu không có những giải pháp khẩn cấp, giai đoạn 1 khó thành công, giai đoạn 2 không chắc còn nhà thầu tham gia”, vị này nói.
Theo ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, không chỉ sau dịch Covid-19, nhân lực ngành giao thông thiếu hụt trầm trọng mà trước đó, bản thân các nhà thầu cũng phải cạnh tranh, đưa ra các chính sách hấp dẫn để chiêu mộ nhân lực.
Đơn cử tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, mức lương công nhân phổ thông tại dự án đã tăng lên khoảng 2,5 lần (từ 270.000 đồng lên hơn 500.000 đồng/ngày). Chưa kể các chế độ chính sách (bảo hiểm, chế độ đi lại, ăn uống…).
Với yêu cầu về tiến độ, chất lượng, ở cấp bậc lao động cao hơn, bắt buộc doanh nghiệp phải tăng ca, tăng kíp. Đối với lương tăng ca áp dụng nhân theo hệ số 1,5 - 2 lần và gấp 3 lần trong dịp lễ, Tết.
Để rút ngắn tiến độ 1 - 3 tháng, máy móc thiết bị cũng phải huy động tăng gấp 1,5 lần. Một số vùng do yếu tố thời tiết chỉ làm được 8 tháng/năm, nhà thầu vẫn phải trả lương cho người lao động đủ 12 tháng để giữ chân họ.
Các yếu tố trên khiến đơn giá thi công thực tế tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo hiện vượt so với thời điểm dự toán 30%.
“Nghịch lý là hiện nay lại không có cơ chế thưởng cho nhà thầu đưa dự án về đích sớm. Bài toán bù giá đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu theo quy định hợp đồng cũng chưa có câu trả lời”, ông Thắng nói.
Tại văn bản gửi đến Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan ngày 14/7/2022, Hiệp hội gồm 20 nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đồng loạt kêu cứu khi một số chủng loại vật tư, vật liệu chính như: Giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%; cát vàng tăng khoảng 15 - 40%, cá biệt có gói thầu tăng 187%; giá nhựa đường tăng khoảng 35 - 50%; giá thép tăng 40 - 50%...
Các nhà thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển đang thông báo sẽ tiếp tục tăng giá cước vận tải lên 30 - 40%.
Cộng các biến động một số vật tư, vật liệu chính nêu trên (chưa tính biến động máy thi công, nhân công) tăng khoảng 20 - 30% so với giá trị hợp đồng khiến nhà thầu rơi vào suy kiệt tài chính và đứng trên bờ vực phá sản.
Theo Báo Giao thông