Cụ thể, trong số gần 868 tỷ đồng giải ngân trong quý I, vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý giải ngân đạt 14,4%; vốn xổ số kiến thiết đạt 24,3%; vốn đầu tư từ ngân sách huyện, thành phố đạt 32,6%; vốn ngân sách Trung ương đạt 17,8%.

Theo ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh (đã ban hành các chương trình hành động gắn với trách nhiệm từng thành viên; theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân và giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn tỉnh...).

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã chủ động, tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (đối với các dự án chuyển tiếp); triển khai hoàn thiện các bước trình tự thủ tục hồ sơ để sớm khởi công dự án (đối với dự án khởi công mới năm 2023), nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về giá trị và tỷ lệ.

Dự án đầu tư mở rộng đường Cà Mau - Ðầm Dơi đang được đẩy nhanh tiến độ.

Ông Nguyễn Ðức Thánh thông tin: “Cà Mau có 21 chủ đầu tư. Trong đó, 8 chủ đầu tư có số giải ngân trên mức bình quân của tỉnh 23,3%; còn lại 13 chủ đầu tư có mức giải ngân dưới 20,3%. Chủ đầu tư giải ngân mức cao nhất đạt 64,7%; huyện có tỷ lệ giải ngân cao nhất là 54,3%, thấp nhất là 5,3%".

Thới Bình là huyện có mức giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm đạt cao nhất tỉnh. Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện, cho hay: “Ngay từ cuối năm 2022, huyện chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân cho các dự án, nhờ vậy công tác giải ngân năm nay đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Ðến cuối tháng 3, huyện đã giải ngân đạt 54%. Hiện các công việc đang chuẩn bị thuận lợi, dự kiến năm nay huyện sẽ hoàn thành sớm chỉ tiêu này”.

Công trình nhà ghi ơn huyện Thới Bình hiện nay đang xúc tiến để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. 

Mặc dù tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về giá trị và tỷ lệ, song chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhiều công trình vẫn chậm tiến độ. Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng 1/2023, các chủ đầu tư tập trung ưu tiên giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 (được giải ngân đến ngày 31/1/2023) và trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; đồng thời, đối với các dự án khởi công mới năm 2023, những tháng đầu năm, các chủ đầu tư tập trung thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định, tổ chức lựa chọn nhà thầu…, chưa phát sinh khối lượng để thanh toán nên kết quả giải ngân chưa cao.

Ðồng thời, kế hoạch đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý năm 2023 được giao 190,35 tỷ đồng, đã phân khai cho Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cà Mau 188 tỷ đồng (bao gồm 105 tỷ đồng hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh và 83 tỷ đồng thanh toán khối lượng đã thực hiện). Ðây là dự án đã thực hiện hoàn thành và sẽ giải ngân hết ngay khi kế hoạch vốn được bố trí. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý năm 2023 được giao chỉ mới là số kế hoạch, chưa có số thu thực tế nên chưa thể giải ngân được kế hoạch vốn bố trí cho dự án, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh.

Bên cạnh đó, do khó khăn, vướng mắc trong việc giao và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo ý kiến của Bộ KH&ÐT đối với phương án phân bổ Kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 tại Công văn số 558/BKHÐT-KTÐPLT, ngày 19/1/2023, nên chưa thể tiếp tục giải ngân được.

Ông Nguyễn Ðức Thánh nhận định: “Mặc dù kết quả giải ngân quý I của tỉnh đạt khá cao, song vẫn còn một số công trình, dự án chậm tiến độ. Ðề nghị trong thời gian tới các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, tỉnh đang gặp trở ngại trong thu hút dự án đầu tư mới trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ thu hút 2 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 221,7 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2022, có 4 dự án mới với tổng vốn đăng ký 952,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân được đưa ra chính là do quy hoạch tỉnh đang trong giai đoạn thẩm định, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên chưa đủ cơ sở để các cơ quan chức năng tổ chức thẩm định về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên chưa có quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động lập danh mục dự án mời gọi đầu tư nên còn lúng túng khi xem xét, giải quyết vướng mắc đối với các đề xuất dự án đầu tư mới. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập quy hoạch tỉnh; làm việc với các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng để hoàn thiện phương án thu hút các dự án đầu tư.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 440 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 144,7 ngàn tỷ đồng (trong đó có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 153,4 triệu USD). UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra (kể cả kiểm tra các quy trình, hồ sơ, thủ tục…) các công trình, dự án đã giao cho nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; xem xét, thu hồi công trình, dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ theo quy định./.


 

                                                                                    Theo Báo Cà Mau