Đến nay, toàn tỉnh đã có 93 tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng với tổng chiều dài 714 km, thực hiện nhiệm vụ chống tràn. Ngoài ra, còn có 214 cống và 18 trạm bơm được đầu tư đưa vào vận hành nhằm kiểm soát mặn, ngăn triều cường và tiêu nước. Bên cạnh đó, tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 103 km, đã có gần 52 km được kiên cố hoá, cùng với đó là 56 km kè bảo vệ bờ biển.
Về hệ thống giao thông đường bộ, toàn tỉnh hiện có hơn 11.500 km gồm đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn; trong đó có khoảng 5.418 km đường giao thông được trải nhựa. Song song với đó là nhiều khu cảng, bến tàu và khu neo đậu lớn phục vụ neo đậu tránh trú bão. Hệ thống điện, thông tin liên lạc, quan trắc khí tượng thuỷ văn, cảnh báo thiên tai… luôn được quan tâm đầu tư phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.
Không chỉ quan tâm đầu tư mới, mà công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng cũng được triển khai thường xuyên, liên tục. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, dẫn chứng, riêng năm 2022, qua kiểm tra, đánh giá các điểm xung yếu của tuyến đê biển Tây đã xác định còn 6 điểm xung yếu, trên cơ sở đó triển khai phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm PCTT. Riêng đối với công trình bờ bao, cống, kênh mương…, chỉ trong năm 2022 toàn tỉnh đã có 99 công trình được nạo vét, duy tu, bảo dưỡng với tổng mức đầu tư hơn 189 tỷ đồng, cơ bản đảm bảo các công trình đê điều và PCTT được vận hành hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, chỉ trong năm 2022 đã có 636 tỷ đồng được giải ngân để triển khai xây dựng các công trình, dự án PCTT, biến đổi khí hậu (BÐKH) bằng nhiều hình thức phù hợp. Không chỉ vậy, việc khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, khắc phục nhanh chóng các sự cố công trình nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản của Nhân dân. Theo đó, trong năm 2022, tỉnh đã kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai vượt qua khó khăn… với tổng nguồn lực ủng hộ trên 624 tỷ đồng. Từ đó đã có hơn 4.100 hộ dân bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, Ðầm Dơi và TP Cà Mau… được hưởng hỗ trợ.
Ông Nam cho biết thêm, từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thuỷ lợi trong năm 2022, tỉnh phê duyệt hơn 187 tỷ đồng để triển khai đầu tư thực hiện các công trình thuỷ lợi. Thực hiện dự án “Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đê phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng ven biển tỉnh Cà Mau” năm 2022 là 279 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống kè biển, kè sông, công trình PCTT khắc phục sự cố sụt lún, hư hỏng đê biển với tổng kinh phí khoảng 140 tỷ đồng. Hay từ Dự án "Tăng cường năng lực ứng phó thiên tai và thích ứng với BÐKH cho cộng đồng ven biển vùng ÐBSCL” và Dự án “Trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển”, nhiều phần việc đã được triển khai vào thực tế với giá trị khoảng 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Tờ trình số 04/TTr-UBND, ngày 31/1/2023, của UBND tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau kinh phí thực hiện các dự án đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển với kinh phí khoảng 1.501 tỷ đồng.
Với vai trò quan trọng của hạ tầng trong công tác phòng chống cũng như khắc phục hậu quả sau thiên tai, mới đây UBND tỉnh đã có công văn hoả tốc về tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề nghị Sở NN&PTNT bố trí cán bộ, lực lượng quản lý đê thường xuyên kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống đập để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố sạt lở, sụt lún...
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình sụp lún, sạt lở lộ giao thông, khẩn trương hướng dẫn các địa phương, Nhân dân thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại. Ðồng thời thống kê, dự báo các vị trí lộ giao thông có khả năng xảy ra sạt lở, sụp lún, hư hỏng, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống phù hợp với nhận định diễn biến thiên tai, thời tiết và điều kiện thực tế ở địa phương, đảm bảo lưu thông an toàn cho người dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực, qua đó tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại sản xuất do nắng nóng và điều kiện thời tiết thay đổi trong giai đoạn chuyển sang mùa mưa. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương; theo dõi, tổng hợp kịp thời số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kịp thời, đúng quy định. Ðồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là thuỷ sản nuôi; chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; khuyến cáo người dân thực hiện tốt khâu chọn giống để nâng cao hiệu quả sản xuất./.
Theo Báo Cà Mau