Nhiều ý kiến không đồng ý chuyển sát hạch, cấp phép xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an

Lý do gì chuyển đổi?

Từng nhiều năm công tác tại Ủy Ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, trước năm 1995, lĩnh vực SH-CBLX do Công an phụ trách, tuy nhiên, để phù hợp với tình hình mới và tránh việc một đơn vị vừa cấp bằng vừa kiểm tra, từ năm 1995, Chính phủ đã giao lĩnh vực này về Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý.

“Khi được giao về Bộ GTVT, từ chỗ chưa có các giáo trình học tập, hạ tầng, phương tiện sát hạch toàn xe cũ, đến nay, sau 25 năm về Bộ GTVT, SH-CBLX đã có quy định, giáo trình rõ ràng. Thêm vào đó, với chủ trương xã hội hóa, các trung tâm đào tạo lái xe được xây dựng, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng, phương tiện và ứng dụng công nghệ đồng bộ, đảm bảo được các tiêu chí cao nhất về đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe của Nhà nước”, ông Thanh nói.

Về quản lý, ông Thanh cho biết, thực hiện quy định của Chính phủ, lĩnh vực SH-CBLX đang được giám sát, kiểm tra của ít nhất 3 cơ quan, gồm: Bộ GTVT (sát hạch, cấp bằng), Bộ Y tế (kiểm tra sức khỏe), Bộ Công an (kiểm tra, kiểm soát sử dụng trên đường). Giờ đây, nếu lĩnh vực này chuyển về Bộ Công an, có nghĩa là lực lượng vũ trang sẽ vừa sát hạch, cấp bằng vừa kiểm tra. “Chuyển đổi, bàn giao bất kỳ lĩnh vực gì cần nêu ra lý do rõ ràng, thuyết phục. Tuy nhiên, với lĩnh vực SH-CBLX, trải qua nhiều năm công tác ở Ủy ban ATGT quốc gia và nay là Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tôi chưa ghi nhận có phát sinh vấn đề gì lớn, mọi việc vẫn đang được vận hành trơn tru, đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, ông Thanh nói.

ADVERTISING

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia giao thông lĩnh vực vận tải, cũng cho rằng, khi sắp xếp hoặc chuyển đổi, bàn giao bất kỳ lĩnh vực nào, ngoài đề xuất chủ trương, cơ quan soạn thảo cũng phải đưa ra phương án sắp xếp bộ máy, nhân sự. Với đề xuất chuyển SH-CBLX chưa thấy đề cập gì đến các đơn vị đang quản lý với hàng vạn con người tại Bộ GTVT. “Tôi được biết, để làm việc trong Bộ Công an, nhân sự phải là lực lượng vũ trang, vậy để quản lý, duy trì hoạt động lĩnh vực sát hạch, cấp bằng lái xe sau khi được bàn giao từ Bộ GTVT, chắc chắn Bộ Công an sẽ phải tăng thêm nhiều biên chế, trong khi đó nhân sự bên Bộ GTVT lại thừa nhiều”, ông Hùng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Sinh Quyền nêu ý kiến, nên giữ nguyên mô hình quản lý SH-CBLX như hiện nay để khỏi gây xáo trộn, ảnh hưởng đến xã hội. Cùng với đó, khi có các vấn đề gì bất cập về công tác này được người dân phản ánh, cơ quan dân sự có trách nhiệm phải giải trình ngay. Nếu để cho cơ quan vũ trang phụ trách, điều này khó thực hiện nhanh được.

Băn khoăn về hai luật

 Về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ vừa được Bộ Công an xây dựng, trong đó đề cập nội dung SH-CBLX, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, cho rằng, luật về giao thông và đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông tuy hai nội dung nhưng là một nhóm vấn đề. Các nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ, không nên tách ra làm 2 luật gây khó hiểu, chồng chéo. Hơn nữa, khi Bộ Công an xây dựng dự án luật này, Bộ GTVT cũng đang xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, nếu 2 lĩnh vực này muốn rõ ràng thì Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nên chia làm 2 phần. Trong nội dung của mỗi phần liên quan đến bộ, ngành nào thì Chính phủ phân công cho bộ, ngành đó phụ trách, không cần thiết phải ban hành tới 2 luật cho cùng một nội dung.

 Về việc chuyển SH-CBLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, phát biểu ý kiến tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức ngày 7/9, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, ông ủng hộ sự cấp thiết của việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; với quy định SH-CBLX, ông vẫn còn băn khoăn về việc chuyển đổi.

 Ông Hùng nói rằng, hiện nay cũng có một số nước quy định cảnh sát cấp giấy phép lái xe. “Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề chúng tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tham khảo, đó là ở hầu hết các nước này, cảnh sát cấp giấy phép lái xe nhưng cảnh sát không phải là lực lượng vũ trang, lực lượng cảnh sát ở họ là dân sự”, ông nói.

 Cả nước hiện có trên 380 cơ sở đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Sau 25 năm được bàn giao về Bộ GTVT, các cơ sở đã cấp, đổi trên 50 triệu giấy phép lái xe. Với chủ trương xã hội hóa, hiện nay các cơ sở được đầu tư sân bãi, phương tiện, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, các trung tâm cũng được ứng dụng công nghệ để kiểm tra, giám sát việc học, dạy, thực hành trực tuyến thông suốt từ Bộ GTVT, Sở GTVT đến các trung tâm sát hạch.

ÐBQH Phạm Văn Hòa: “Người cấp bằng, người kiểm soát là phù hợp”

Theo tôi, trước giờ, Bộ GTVT thực hiện sát hạch, cấp bằng lái xe, thì bây giờ cứ để cho họ thực hiện nhiệm vụ này. Ðiều quan trọng phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa hai bộ. Trên thực tế, Bộ GTVT cấp bằng lái xe, nhưng Bộ Công an vẫn có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, tịch thu bằng lái.

 Một khía cạnh khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, có quan điểm phản ánh về những tiêu cực và việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập. Vậy nếu công an thực hiện nhiệm vụ này thì có tiêu cực hay không? Theo tôi được biết, trước đây công an cấp bằng lái xe cũng xảy ra tiêu cực. Bây giờ giao anh làm, nếu lực lượng trong ngành tiêu cực sẽ xử lý thế nào? Tất nhiên, nếu xảy ra vi phạm, họ có thể xử lý nội bộ, song điều này cũng khó thực sự khách quan.

 Như vậy, điều tối quan trọng và trách nhiệm của Bộ GTVT là phải quản lý như thế nào để hạn chế thấp nhất tiêu cực xảy ra. Còn trách nhiệm của Bộ Công an là phải điều tra, xác minh, phát hiện tiêu cực và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm. Như thế sẽ có sự kiểm soát chéo nhau. Nếu anh vừa cấp lại vừa xử phạt thì không hay lắm. Một người cấp bằng lái và một người kiểm soát chặt chẽ, theo tôi như thế sẽ là phù hợp. 

Theo Báo Tiền Phong