Tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn, đa phần trẻ em được phụ huynh đưa đến trường bằng phương tiện cá nhân. Điều này vô tình khiến trật tự ATGT nơi cổng trường trở nên phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ùn tắc vì hạ tầng bất cập
Khu vực cổng trường Trường Tiểu học Ngọc Khánh và THCS Phan Chu Trinh (phố Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội) thường xảy ra ùn tắc do nhiều xe máy, ô tô dừng đỗ chờ đón học sinh Ảnh: Tạ Hải
Gần như ngày nào cũng vậy, vào giờ học sinh đến lớp hay tan học, khu vực cổng trường Trường Tiểu học Ngọc Khánh và THCS Phan Chu Trinh (đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội) lại xảy ra ùn tắc. Nguyên nhân do hàng trăm phương tiện xe máy, ô tô dừng đỗ chờ đón học sinh.
Ghi nhận của PV tại đây cho thấy, chủ yếu học sinh tại đây được cha mẹ đưa đón bằng xe cá nhân, ít thấy trường hợp các em tự đi xe đạp hay đi bộ đến trường. Theo các chuyên gia, thực trạng này diễn ra phổ biến ở các trường tiểu học, trung học tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, việc cha mẹ không để con tự đi đến trường là do họ lo lắng cho an toàn của con em mình khi mà hạ tầng cũng như phương tiện công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường học có xe hợp đồng đưa đón nhưng không đủ điều kiện nên từng xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.
Trong khi đó, vỉa hè bị lấn chiếm nên trẻ không có không gian đi bộ và việc đi xe đạp trong dòng giao thông hỗn hợp cũng hết sức rủi ro cho trẻ.
Đề cập đến các giải pháp đã triển khai, ông Hiếu cho rằng, các giải pháp hạn chế tốc độ, tránh mở trực tiếp cổng trường ra các tuyến đường trục, xây các cầu vượt, làn đường gom trước cổng trường hiện nay không giúp ích nhiều trong việc thúc đẩy trẻ tự đi học.
“Các nước phát triển đã thành công với việc xây dựng các chính sách khuyến khích trẻ em tự đi lại đến trường cùng với việc xây dựng hệ thống xe buýt trường học tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các nước đang phát triển như Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào xe máy nên việc tổ chức và quản lý giao thông hướng tới học sinh gặp nhiều khó khăn”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, tại Việt Nam chưa có hạ tầng ATGT riêng dành cho trẻ tự đến trường. Ngay cả vỉa hè đi bộ hiện cũng bị lấn chiếm, việc đi xe đạp cũng chưa có làn riêng và xe buýt học sinh cũng chưa được triển khai.
“Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, chẳng hạn như giảm tốc độ giới hạn xung quanh trường học xuống còn 30km/h. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế còn nhiều khó khăn vì nhiều trường được bố trí gần nhau trên các trục đường quốc lộ hay đường tỉnh”, ông Công cho hay.
Nâng cao chất lượng vận tải công cộng
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, việc xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm điều này trên phạm vi toàn thành phố hết sức khó khăn và tốn kém.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gần đây cho thấy, nếu cự ly quá xa thì cha mẹ cũng sẽ không để con tự đi học. Xác suất bố mẹ cho con tự đi học cao nhất là trong cự ly dưới 1,5km. Do đó việc tăng cường an toàn và cung cấp hạ tầng đi bộ, xe đạp nên tập trung trong bán kính 1,5km từ các trường học”, TS. Hiếu nhìn nhận.
“
Theo nghiên cứu, sau đợt giãn cách xã hội do Covid-19 đầu tiên vào tháng 4/2020, tỷ lệ trẻ em đi lại tích cực (xe đạp và đi bộ) đã giảm 23%, từ 53% (trước dịch) xuống 31% trong khi tỷ lệ đưa đón bằng xe máy tăng lên 11%. Đến nay, việc việc đưa đón đã thành thói quen và nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục duy trì, kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT
”
Ngoài ra, để trẻ tự đến trường an toàn, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kỹ năng và giúp trẻ thực hành thành thục kỹ năng tham gia giao thông, các tình huống giao thông có thể xảy ra từ nhà đến trường, đặc biệt là việc qua đường an toàn, đi đúng phần đường quy định, tuân thủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ.
Trong khi đó, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để có thể giải quyết căn cơ vấn đề này, cần phải quy hoạch lại hệ thống trường học, dựa trên sự phân bố dân cư tại các vùng, đảm bảo các khu dân cư đông đúc phải có trường học ngay trong khu vực để học sinh có thể tự đi bộ đến trường.
Song song với đó cần tổ chức hệ thống xe đưa đón học sinh một cách bài bản, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Công cho rằng, trước mắt cần cải tạo môi trường xung quanh trường học, như lắp đặt các biển báo hiệu đi chậm, cảnh báo khu vực trường học, sơn vạch kẻ dành cho người đi bộ, gờ giảm tốc…
Về lâu dài cần quy hoạch lại mạng lưới trường học, di dời trường học không được nằm trên trục các tuyến quốc lộ, đường lớn, hoặc phải có đường gom đi vào để tránh bị xung đột giao thông và hạn chế va chạm.
“Ngoài ra, các giải pháp trước mắt cũng cần thực hiện như: Trang bị kỹ năng tham gia an toàn cho các học sinh; khuyến khích tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô để giảm áp lực về giao thông nơi cổng trường và có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư dịch vụ này”, ông Công nói.
Theo atgt.vn