Năm 2017 tỉnh Cà Mau giảm cả 03 tiêu chí tai nạn giao thông. Toàn tỉnh xảy ra 81 vụ, làm chết 33 người, bị thương 108 người. Số vụ (81/89) giảm 08 vụ, giảm 9%; số người chết (33/44), giảm 11 người, giảm 25%; số người bị thương (108/120) giảm 12 người, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016. Phần lớn phương tiện gây tai nạn giao thông do xe máy chiếm 63%, liên quan đến xe ô tô chiếm 37%; Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm phần đường, làn đường, kỹ năng lái xe kém, vi phạm quy tắc tránh vượt,... Ở đường thủy phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng, phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát. Độ tuổi của người gây tai nạn giao thông trung bình từ 18 đến 55 tuổi, đa số sinh sống ở các vùng nông thôn.
Kết quả này là tổng thể triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Tỉnh quan tâm thực hiện có chiều sâu công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TT ATGT, nội dung tuyên truyền ATGT được lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội đoàn thể cấp cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm, chú trọng tuyên truyền ATGT trên báo chí, sóng phát thanh – truyền hình. Hiện nay tỉnh có 06 chương trình tuyên truyền ATGT trên sóng phát thanh truyền hình đặc biệt có Chương trình “Tìm hiểu an toàn giao thông trên sóng truyền hình” thông qua Hộp thư tin nhắn 8288, phát hàng ngày; tuyên truyền trên Website của Ban An toàn giao thông tỉnh,...Bằng hình thức tuyên truyền này đã thu hút, tuyên truyền đến từng người dân, qua đó làm chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông. Ngoài ra, trong năm tỉnh tổ chức 02 Hội thi tìm hiểu ATGT cho đoàn viên thanh niên; học sinh khối trung học cơ sở thu hút hàng ngàn lượt người xem; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng tuyên truyền ATGT cho Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố các huyện, thành phố để tăng cường thêm lực lượng tuyên truyền viên cấp cơ sở; Tham dự liên hoan phim toàn quốc về an toàn giao thông do UBATGTQG tổ chức, kết quả đạt được 01 giải nhì.
Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục thì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, khép kín địa bàn, phát huy hiệu quả phòng ngừa TNGT, lực lượng Cảnh sát tuần tra kiểm soát 22.465 ca, (so với cùng kỳ tăng 4.494 ca (22.465/17.971). Lập biên bản vi phạm TTATGT: 64.015 trường hợp. Ra quyết định xử phạt: 53.044 trường hợp, với số tiền: 48,4 tỷ đồng. Tước quyền sử dụng: 6.380 GPLX. Tạm giữ: 17.461 phương tiện.
Công tác đào tạo, sách hạch, cấp Giấy phép lái xe tiếp tục được tăng cường chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo; quy trình coi thi, chấm thi đều được lắp đặt camera giám sát, đồng thời phần thi thực hành lái xe hạng A1, A2 đã được triển khai bằng thiết bị chấm điểm tự động qua đó nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Sở GTVT phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức đổi GPLX thông qua Bưu điện các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến đổi GPLX.
Công tác quản lý hoạt động vận tải được quan tâm đúng mức, Sở Giao thông vận tải đã công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh vi phạm của nhà xe. Đồng thời sử dụng dữ liệu được trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, năm 2017 tước phù hiệu 75 trường hợp xe vi phạm về tốc độ. Công tác bảo đảm an toàn đường thủy nội địa được tăng cường, đặc biệt trên các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy được Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý điều kiện an toàn đối với phương tiện ra, vào bến. Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ vận tải hành khách du lịch.
Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhằm kiểm soát tải trọng xe ô tô vận tải hàng hóa hoạt động trên các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Giao thông vận tải và Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng đóng trên địa bàn tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay. Các lực lượng kiểm soát tải trọng xe đã thường xuyên tổ chức kiểm tra độc lập và phối hợp thực hiện vào các cao điểm theo kế hoạch đề ra. Tổng kiểm tra: 278 lượt, phát hiện 63 trường hợp vị phạm , phạt 641 triệu đồng, tước có thời hạn 25 GPLX.
Sự chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, thường xuyên và kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các địa phương với các giải pháp thường xuyên, liên tục đã tạo nên sự đồng thuận của nhân dân về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí, đặc biệt số người chết giảm 25%, không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan báo, đài trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phản ánh kịp thời tình hình tai nạn giao thông trong các dịp cao điểm, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông, hướng dẫn người dân các biện pháp tham gia giao thông an toàn và phòng tránh tai nạn giao thông,... đã mang lại hiệu quả tích cực. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức điều hành đồng bộ các giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ đồng thời phân định rõ đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức gương mẩu chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô vẫn còn ở mức cao (63%), tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường,...(liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông) chiếm tỷ lệ cao (hơn 71%). Do kinh phí của tỉnh còn hạn chế, việc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng Công an và Thanh tra Giao thông vận tải còn thiếu và chưa kịp thời phục vụ cho công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, giáo dục các huyện thành phố còn mang tính chung chung, không có chương trình, kế hoạch, định hướng cụ thể. Công tác tuyên truyền chủ yếu do Đài Truyền thanh và các cơ quan đoàn thể, tự tổ chức thực hiện. Phần lớn các huyện, thành phố không dành nhiều kinh phí để phục vụ công tác tuyên truyền.
Năm 2018 Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề xuất lựa chọn chủ đề năm 2018 “An toàn giao thông cho trẻ em”, lấy trẻ em là mục tiêu và là động lực xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; tiếp tục xác định mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về cả số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017.
Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan thành viên Ban ATGT các tỉnh, các huyện, thành phố Cà Mau cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT QG, các bộ ngành có liên quan. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:
- Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; thực hiện giáo dục an toàn giao thông chính khoá cả 3 cấp học phổ thông; tuyên truyền văn hoá giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tiếp tục vận động nhân dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe máy và xe đạp điện.
- Nâng cao nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư, hiện đại hoá phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng CSGT Thanh tra giao thông và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng tổ chức giao thông và bảo đảm điều kiện tham gia giao thông an toàn cho trẻ em, đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em.
- Tiếp tục triển khai thực Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng cơ chế thuận lợi để kết nối vận tải thuỷ nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vận tải ven biển, tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức, giảm mức độ phụ thuộc vào vận tải đường bộ.
- Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TT ATGT.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên, Ban ATGT tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh; xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các tổ chức cá nhân có liên quan; tập trung tháo gỡ những khó khăn, những nút thắt trong quá trình tổ chức thực hiện ở cả các sở, ngành và địa phương; các đồng chí Chủ tịch UBND-Trưởng Ban ATGT các địa phương trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn.
Huỳnh Anh