Công tác gia cố, nâng cấp kè bảo vệ đê biển được tỉnh Cà Mau tăng cường thực hiện.
Trong 10 năm trở lại đây, sạt lở đất bờ biển đã làm mất hơn 5.000ha đất rừng. Riêng tính từ đầu năm 2023 đến nay, có hơn 50ha đất rừng đã biến mất hoàn toàn do sạt lở. Qua đó, có thể thấy, sạt lở đất đang là loại hình thiên tai nặng nề nhất của tỉnh Cà Mau. Theo ghi nhận tại dãy rừng phòng hộ trên tuyến đê biển Tây, đoạn đi qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, do ảnh hưởng của mưa bão và gió mùa Tây Nam, tình trạng sạt lở khu vực này ngày càng nghiêm trọng và khiến nhiều đoạn bị lở đến chân đê.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi đã sinh sống gần khu vực đê biển Tây mấy chục năm nay, mỗi khi vào mùa mưa bão, sóng biển dâng cao và đánh vào đê khiến đê ngày càng bị sạt lở. Người dân chúng tôi ai cũng lo sợ, bởi nếu đê vỡ sẽ không ngăn được nước biển tràn vào, gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhà cửa. Tôi mong rằng ngành chức năng tỉnh sẽ sớm có giải pháp nâng cấp đê”.
Sạt lở bờ biển hiện đang đe dọa và ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân, nhất là bà con sinh sống ven đê biển. Trước thực trạng đó, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều nguồn lực triển khai các đoạn kè khẩn cấp bảo vệ đê biển trước nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư các đoạn kè là rất lớn, do vậy những điểm xung yếu sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Theo đó, các đoạn kè, gồm: Đoạn từ bờ Bắc Sào Lưới đến vàm Ba Tỉnh (huyện Trần Văn Thời), với chiều dài hơn 740 mét; đoạn Vàm T25 đến Vàm Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) khoảng hơn 1.000 mét và đoạn Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) khoảng hơn 1.000 mét là 03 gói kè cứng hóa mặt đê được thực hiện khẩn cấp nhằm bảo vệ mái đê trong mùa mưa bão năm nay. Hiện các công trình này đang được ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cây rừng phòng hộ đổ ngã và dần bị mất đi do bờ biển Tây bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều thuộc Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, các đoạn đê biển Tây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, U Minh xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn không còn cây rừng. Mặc dù, bên ngoài đê có kè cơ bản nhưng với chiều cao thiết kế trước đây thì hiện nay không còn phù hợp, do đó khi có triều cường, nước biển dâng cùng với sóng đánh cao qua kè, đánh vào bờ và tác động đến những đoạn không còn rừng, gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, sóng đánh nước biển tràn vào ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Trước thực tế đó, chúng tôi tiến hành thống kê những đoạn nguy hiểm để triển khai giải pháp ưu tiên và xin chủ trương thi công để bảo vệ đê. Hiện Chi cục thủy lợi đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ủy quyền làm chủ đầu tư triển khai thực hiện các gói kè cứng hóa mặt đê để ngăn chặn sạt lở trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được sự phân công của Chi cục thủy lợi giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo công trình hoàn thành, bảo vệ những đoạn đê xung yếu đạt hiệu quả”.
Trong những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được hơn 58km kè bảo vệ đê, với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh đã triển khai khẩn cấp khắc phục sạt lở kè và cứng hóa mái đê, với chiều dài hơn 3,9km, với mức đầu tư gần 09 tỷ đồng. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ.
Theo kết quả khảo sát, thống kê, phân loại sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau tại thời điểm 30/6/2023, tổng chiều dài các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 31 km; các đoạn sạt lở nguy hiểm khoảng 58 km, nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ. Đây là diện tích đất, cây rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm. Nếu để sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất thêm đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong, buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp. Khi đó việc xây dựng công trình bảo vệ sẽ rất tốn kém, rất khó khôi phục lại diện tích đất và cây rừng đã mất.
Từ kết quả đạt được trong xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển trong những năm qua và tình hình diễn biến sạt lở bờ biển thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, cần phải chủ động hơn và xử lý dứt điểm nhiệm vụ này trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Vì nếu không xử lý dứt điểm thì thiệt hại sẽ càng lớn, khó khắc phục hơn và tỉnh phải thường xuyên tập trung đối phó với tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và tỉnh Cà Mau có nguy cơ “tụt hậu” trong phát triển kinh tế so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Theo camau.gov.vn