Hiện đã có 3 hãng taxi nhỏ bỏ thương hiệu riêng lập G7 taxi dùng chung App để cạnh tranh với Grab - Ảnh: Tạ Tôn
Xu hướng hợp nhất các hãng taxi
Cuối tháng 8/2018, ba hãng taxi tại Hà Nội là taxi Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội thống nhất thành lập hãng G7 taxi và chính thức hoạt động vào đầu tháng 10 với App mang thương hiệu G7 taxi.
Taxi Thành Công là một trong 3 thương hiệu taxi lớn tham gia vào G7 taxi với mong muốn tạo ra một thế lực mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với taxi công nghệ. Dù khá tiếc nuối khi phải hy sinh thuơng hiệu đã tồn tại 10 năm, nhưng ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Taxi Thành Công lại cho rằng, việc gia nhập G7 taxi sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững trong thị trường cạnh tranh.
Hàn Quốc cấm hoàn toàn Uber và tạo ra một nền tảng, có tên gọi là Kakao taxi. Trong đó, toàn bộ những xe cá nhân muốn kinh doanh taxi đều đăng ký vào nền tảng đó để phục vụ người dân. Người dân khi gọi điện đặt xe chỉ biết Kakao taxi, còn từng hộ cá nhân tham gia vào nền tảng đó đều phải tuân thủ những điều kiện rất chặt chẽ, kể cả các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị trên xe, giám sát hành trình, công cụ tính tiền. |
“Hà Nội có nhiều hãng taxi nhỏ lẻ, nhiều đơn vị dưới 100 xe, ít hãng có đủ số lượng xe, năng lực tài chính để cạnh tranh với taxi công nghệ. Thấm nhuần “Câu chuyện bó đũa”, chúng tôi tận dụng sức mạnh của từng đơn vị tạo thành một lực lượng đủ sức cạnh tranh và tồn tại. Cái được đầu tiên là tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, có môi trường kinh doanh với quy mô lớn hơn để phát triển”, ông Quân chia sẻ.
Cũng theo ông Quân: “Chúng tôi được G7 cam kết đầu tư tài chính và công nghệ để phát triển taxi truyền thống. Các hãng tham gia sẽ sử dụng App G7 taxi, mô hình này tương tự như mô hình quản lý taxi của Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp taxi đã xây dựng App cho riêng mình nhưng chưa thành công vì chưa có nguồn lực”.
Ông Phan Trọng Tuệ, đại diện G7 taxi - đơn vị vừa hợp nhất 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội chia sẻ, Hà Nội hiện có hơn 70 doanh nghiệp taxi với khoảng 17.000 phương tiện nhưng doanh nghiệp lớn nhất cũng chỉ có hơn 1.000 phương tiện, chiếm chưa đến 7% thị phần. Đó là một điểm yếu của taxi Hà Nội, rất khó cạnh tranh với taxi công nghệ có số lượng phương tiện nhiều hơn.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Trần Hữu Minh cho rằng, việc các hãng liên danh, hợp nhất với nhau là một bước đi đúng hướng. Việc hợp nhất doanh nghiệp vận tải với quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình quản lý hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tính chuyên nghiệp... đem lại lợi ích cho khách hàng, cho người dân. Việc hợp nhất cũng tạo ra một đầu mối dễ nhớ, dễ nhận diện hơn cho người dân khi phải nhớ quá nhiều số điện thoại của từng hãng taxi.
“Với cơ quan quản lý, quản lý một đầu mối đương nhiên sẽ đơn giản và hiệu quả hơn quản lý nhiều đầu mối. Việc phổ biến các văn bản pháp luật, thanh tra giám sát, xác định trách nhiệm cũng sẽ tinh giản, nhanh hơn”, ông Minh nói.
Nhân viên trực tổng đài tại hãng taxi Thành Công - Ảnh: Tạ Tôn
Toàn bộ taxi của Hà Nội sẽ có một App chung?
Theo ông Phan Trọng Tuệ, các hãng taxi sẽ sử dụng chung thương hiệu, App G7 taxi và trả tiền hàng tháng cho G7. Đồng thời, họ cũng ủy quyền cho G7 quản lý phương tiện, người lái. Các hãng sẽ vận hành trên nền tảng của G7 taxi, tuân thủ theo quy định của G7, các hãng sẽ không còn bộ nhận diện riêng như logo, tem, mào.
“Tuy mỗi hãng có tiêu chuẩn chất lượng riêng, nhưng G7 sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ chung và sẽ được kiểm soát chặt chẽ bằng công nghệ, con người. Khi đó, G7 taxi sẽ khắc phục tính đơn lẻ của thị trường taxi. Ngoài 3 hãng đã thỏa thuận với số lượng khoảng 3.000 xe, G7 đang tiếp tục đàm phán với một số hãng khác. Khi G7 taxi có số lượng đủ mạnh cùng với ứng dụng công nghệ và có nguồn tài chính đủ mạnh, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với Grab”, ông Tuệ nói.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc sát nhập nhằm phục vụ hành khách tốt hơn và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, các hãng sẽ phải đảm bảo đồng nhất về quan điểm kinh doanh và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, các hãng chung nhau một quy chế hoạt động, đồng phục lái xe, làm sao đảm bảo an toàn, tiện ích cho khách hàng, khiếu nại của khách hàng được giải quyết một cách nhanh nhất.
“Trong Đề án quản lý taxi, UBND TP Hà Nội đã giao hiệp hội xây dựng một phần mềm chung cho tất cả các hãng taxi trên địa bàn. Hiệp hội đang phối hợp với một đơn vị phần mềm xây dựng App chung. Khi đó, các hãng sẽ cùng một chất lượng xe, cùng một giá cước và nội quy quy chế, sẽ đảm bảo được tất cả các yếu tố như tôi đã nói ở trên”, ông Hùng nói.
Về điều này, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự thảo quy chế quản lý taxi của UBND thành phố đang đưa ra hướng là tất cả taxi của Hà Nội sẽ có một App chung gọi là Taxi Hà Nội và giao cho Hiệp hội Taxi Hà Nội thực hiện. Sau khi có App chung này, diện phủ lớn hơn, số lượng xe lớn hơn, các App đã có sẽ phải có sự kết nối chung”, ông Tuyển khẳng định.
Theo ông Trần Hữu Minh, để mô hình trung tâm điều hành chung phát huy hiệu quả, cần nhiều việc phải làm như: Có cơ chế để đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp. Ví dụ trong 10 cuộc điện thoại tới tổng đài, có cách nào để bảo đảm sự phân bổ đồng đều hợp lý cho từng đơn vị, bảo đảm sự đồng đều về chất lượng dịch vụ, làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của từng công ty thành viên... Những điều này không đơn giản nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, việc hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ sẽ tạo sự cạnh tranh mang tính quy mô hơn để đẩy mạnh hoạt động vận tải bằng taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngay từ khi thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử, Bộ GTVT đã mong muốn nhiều đơn vị vận tải taxi sử dụng chung một App, để hành khách ở bất cứ địa phương nào đều có thể truy cập được khi muốn gọi taxi. Đứng về người sử dụng dịch vụ, điều này đem lại sự tiện lợi, qua đó sẽ tạo được sự cạnh tranh mang tính công bằng, công khai”, ông Thủy nói.
Theo Báo giao thông