Thông tin tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT chiều nay (1/2), ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT) cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 (94.161 tỷ đồng), ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành ngay chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).
Trong đó, nguồn vốn nước ngoài đã được giao 100% kế hoạch (4.958 tỷ đồng). Vốn trong nước đã giao 89.177, đạt 99,97% kế hoạch.
Năm 2023, trung bình mỗi tháng Bộ GTVT phải giải ngân 7.800 tỷ đồng - Ảnh minh họa.
Còn lại hơn 26 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch.
"Trong tổng số vốn đã phân khai, các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các chủ đầu tư khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh…) được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).
Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao); Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); Các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%); Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); Các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 (chiếm 22,3%)", ông Thái cho hay.
Cũng theo ông Thái, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT đã đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 1,81%. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 giải ngân được 761 tỷ đồng, đạt 1,38%.
Chia sẻ thêm về kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT, ông Thái cho biết, theo số liệu thống kê, dự kiến năm 2022 giải ngân được 52.969 tỷ đồng, đạt 96,2% kế hoạch được giao.
Kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT đảm bảo mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 92,7%) và kết quả giải ngân năm 2021 (đạt 93,7%).
Trong tổng số vốn giải ngân năm 2022, nhóm các chủ đầu tư/Ban QLDA: các đơn vị thuộc Bộ giải ngân 47.089 tỷ đồng (đạt 98%). Các đơn vị khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh…) giải ngân 5.879 tỷ đồng (đạt 83,9%).
"Đối với các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ, có 14/20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95%, 1/20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn 95% nhưng cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 92,7%) là Ban QLDA Mỹ Thuận; 5/20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn mức trung bình cả nước, gồm: Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; các trường: Cao đẳng Hàng Hải 1, Cao đẳng GTVT Trung ương 1.
Đối với các chủ đầu tư khác: có 24/47 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95%, 4/47 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn 95% nhưng cao hơn mức bình quân cả nước và 19/47 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn mức trung bình cả nước", lãnh đạo Vụ KH-ĐT thông tin.
Theo Báo Giao thông