Người dân Vũ Hán (Trung Quốc) tham gia chương tình chia sẻ xe đạp

Khoảng 50% dân số thế giới đang sống tại các thành phố trên toàn cầu và từ nay đến năm 2050, con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 70%.

Cùng với sự phát triển của đô thị, xe ô tô vẫn thường là lựa chọn đầu tiên đối với nhiều cư dân thành phố, với hy vong mạng lưới đường sá có thể bắt kịp với sự phát triển dân số. Thế nhưng những xu hướng sau đây sẽ góp phần định hình một xã hội bền vững hậu ô tô.

Lệnh cấm các loại phương tiện chạy bằng động cơ sử dụng dầu diesel ở nhiều nước dường như đang khởi động cuộc cách mạng trong di chuyển.

Nhiều thành phố trên thế giới đang không ngừng nỗ lực tạo cho người dân một môi trường xanh hơn và đáng sống hơn. Tại Đức, lệnh cấm xe ô tô lắp động cơ chạy bằng dầu diesel hiện là chủ đề được thảo luận sôi nổi. Mới đây, thành phố Stuttgart đã cấm khoảng 300.000 phương tiện chạy bằng dầu diesel lưu thông trong thành phố.

Nhiều nước khác cũng đang chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu động cơ đốt trong, kỷ nguyên của những loại phương tiện thân thiện với môi trường. Tại Na Uy, từ năm 2025 sẽ không có chiếc xe ô tô mới nào chạy bằng xăng hoặc dầu diesel được sản xuất. Costa Rica thậm chí còn muốn cấm sản xuất các loại xe này từ năm 2021.

Bên cạnh đó, sự trở lại của khu vực dành cho người đi bộ trong các bản quy hoạch đô thị bền vững cũng là một xu hướng “xanh” giúp định hình xã hội hậu ô tô. Các nhà quy hoạch đô thị hiện đại lâu nay vẫn muốn nâng cao chất lượng sống tại các thành phố, nhất là đối với người đi bộ và đi xe đạp.

Với mục đích này, thành phố Ghent ở Bỉ đã phát triển dự án “Leefstraat” (có nghĩa là “con đường sống”), với ý tưởng người dân có thể chặn một đoạn đường trong vài tháng để biến chúng thành khu vui chơi hay sinh hoạt công cộng. Trong khoảng thời gian này, họ sẽ di chuyển bằng các phương tiện thay thế như xe điện hay xe đạp.

Tại Tây Ban Nha, thành phố Barcelona đang thử nghiệm kế hoạch mang tên “Superblocks” nhằm lấy lại những con đường vốn trước đây đông nghẹt ô tô để làm nơi vui chơi và sinh hoạt cho người đi bộ. Khu vực trung tâm của các thành phố Oslo và Madrid cũng sẽ sớm “vắng bóng” ô tô hoàn toàn.

Cùng với các xu hướng quy hoạch đô thị, các công nghệ số cũng đang tạo ra những cơ hội hoàn toàn mới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ xe. Hiện đã có đến hơn 1.600 chương trình chia sẻ xe đạp trên toàn thế giới. Từ Warsaw (Ba Lan) đến Vũ Hán (Trung Quốc), từ Buenos Aires (Argentina) đến Brussels của Bỉ, chia sẻ xe đạp đang là một sự lựa chọn đi lại thân thiện với môi trường và góp phần làm giảm lưu lượng xe chạy trên các con đường.

Các chương trình mới còn bao gồm cả xe đạp điện giúp cho việc di chuyển lên dốc trở nên dễ dàng hơn. Và tất nhiên, điều gì có thể áp dụng với xe đạp thì cũng có thể áp dụng được với ô tô. Một năm trước, các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ xe ô tô đã đón nhận đến hơn 2 triệu người dùng, chỉ tính riêng ở Đức.

Công nghệ cũng làm gia tăng sự thuận tiện khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng, từ đó góp phần thúc đẩy sự thay đổi trong cách di chuyển của con người.

Giờ đây, nhờ công nghệ số hóa, nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể hiển thị các phương án di chuyển khác nhau cho một hành trình cụ thể nào đó, cũng như cung cấp lộ trình và thời gian các tuyến xe buýt hay tàu điện ngầm, khiến cho việc sử dụng các phương tiện công cộng trở nên “dễ thở” và thuận tiện hơn rất nhiều.

Theo mt.gov.vn