Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã có văn bản số 5049/TCĐBVN-ATGT ngày 19/8/2022 đề nghị các cơ quan, đơn vị nêu trên thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời và khắc phục các bất cập về hệ thống báo hiệu đường bộ, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành và phát huy tốt chức năng báo hiệu cho người tham gia giao thông được an toàn, thông suốt góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ. Để tăng cường bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người tham gia giao thông trên hệ thống đường quốc lộ, đường bộ cao tốc, đặc biệt khu vực tại các nút giao trên các quốc lộ, đường dẫn vào đường bộ cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị nêu trên triển khai thực hiện thuộc phạm vi quản lý như sau:

Đối với các nút giao đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông (xanh - vàng - đỏ), yêu cầu các Khu QLĐB, Sở GTVT và tố chức được giao là người quản lý, sử dụng công trình tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa hư hỏng kịp thời nhằm duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục theo dõi thời gian phân pha và chu kỳ đèn, điều chỉnh phù hợp với lưu lượng giao thông, ưu tiên tín hiệu xanh trên các quốc lộ, đường dẫn vào đường bộ cao tốc (đường ưu tiên). Trường hợp hệ thống đèn tín hiệu giao thông của địa phương hoặc do lực lượng khác quản lý, vận hành nếu có hư hỏng kịp thời thông báo cho đơn vị quản lý để sửa chữa khắc phục nhằm phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đối với các nút giao với quốc lộ và đường khác thuộc Trung ương quản lý mà việc tổ chức giao thông tự điều chỉnh, không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông (xanh - vàng - đỏ), yêu cầu các Khu QLĐB, Sở GTVT và tổ chức được giao là người quản lý, sử dụng công trình rà soát bổ sung biển báo R.122 “STOP”, vạch dừng xe (Vạch 7.1) nếu chưa có hoặc sửa chữa, khôi phục nếu đã có nhưng bị hư hỏng, mòn mờ, che khuất tầm nhìn trên các đường khác (các đường không ưu tiên) đấu nối vào quốc lộ, đường dẫn vào đường bộ cao tốc để báo cho người tham gia giao thông chỉ được phép đi khi trên đường ưu tiên (đường quốc lộ, đường dẫn vào đường bộ cao tốc) không còn nguy cơ mất an toàn giao thông theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN41:2019/BGTVT (Mục D.1, Phụ lục D, Ý nghĩa - Sử dụng biển hiệu lệnh; Mục G2.1, Phụ lục G, Ý nghĩa - Sử dụng vạch kẻ đường).

Rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ (biển báo, vạch sơn) để khắc phục ngay các bất cập, tồn tại (nếu có) phù hợp với tình hình giao thông khu vực phạm vi các nút giao; bố trí gờ giảm tốc trên đường nhánh, bố trí đầy đủ hệ thống chiếu sáng khu vực nút giao bảo đảm chiếu sáng vào ban đêm; phát quang bảo đảm tầm nhìn, bảo đảm giao thông; đầu tư cải tạo các nút giao (nếu cần) bảo đảm bán kính rẽ phải, rẽ trái, độ dốc, tầm nhìn khi xe ra, vào nút, chiều rộng mặt đường, các làn đường theo Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 4054-2005 “Đường ô tô - yêu cầu thiết kế”, TCCS 24:2018/TCĐBVN Tiêu chuẩn thiết kế điều khiển giao thông đường bộ bằng đèn tín hiệu.. .vv bảo đảm giao thông được an toàn, thông suốt, trật tự.

Tiếp tục tổ chức thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của Tổng cục ĐBVN (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) tại văn bản số 5049/TCĐBVN-ATGT ngày 19/8/2022 về thường xuyên rà soát, điều chỉnh báo hiệu trên đường bộ; của Cục ĐBVN tại văn bản số 199/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 11/01/2023 về đảm bảo an toàn giao thông và xử lý kịp thời các hư hỏng mất an toàn giao thông trên hệ thống đường quốc lộ, đường bộ cao tốc đang khai thác./.

Mộng Tuyết