Theo nhiều chuyên gia việc bật đèn xe máy ban ngày sẽ an toàn hơn khi tham gia giao thông - ảnh nguồn internet
70% số vụ TNGT liên quan tới xe máy
Theo thống kế của Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay Việt Nam có tỷ lệ cao nhất thế giới với khoảng 46 triệu xe máy, tương đương 500 xe trên 1.000 người dân. Thực tế, xe máy đang chiếm tới 85% phương tiện giao thông tại Việt Nam. Đáng nói là có tới 70% số vụ TNGT liên quan tới xe máy.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, một giải pháp đảm bảo ATGT cho xe máy đã được triển khai thành công tại nhiều nước trên thế giới, đó là tăng cường khả năng nhận diện của người lái xe đối với xe máy bằng cách bật đèn chiếu sáng phía trước.
“Tôi thấy nhiều người nhầm lẫn về đèn chiếu sáng phía trước và đèn pha chiếu sáng”, ông Minh nói và nhấn mạnh: Khác với đèn pha có mục đích chiếu sáng, đèn chiếu sáng phía trước có tác dụng nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khác khi tham gia giao thông.
Tùy theo thiết kế, xe máy thường có một trong 4 loại chiếu sáng phía trước như đèn nhận biết vị trí phía trước, đèn sương mù, chế độ chiếu sáng ổn định của đèn báo hiệu chuyển hướng trước, đèn riêng để bật ban ngày.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan về đèn pha tự động, GS. Pichai Tanneerananon, Trung tâm Nghiên cứu ATGT đường bộ châu Á cho biết, nước này đã sớm nhận thấy lợi ích của việc bật đèn pha ban ngày, đặc biệt là đối với môtô, xe máy. Người lái xe ôtô có thể phát hiện các xe máy đi cùng chiều ở phía sau thông qua gương chiếu hậu từ xa, giảm thiểu được tai nạn khi rẽ, nhất là trên quốc lộ.
“Chúng ta có thể sử dụng cơ chế đèn pha tự động, giúp ngăn chặn TNGT mà không có tốn kém gì. Đèn pha tự động sẽ giúp nhận biết được xe đến từ các hướng khác và tránh được các va chạm giao thông đáng tiếc”, GS. Pichai Tanneerananon cho biết.
Thực tế, từ năm 2005, Thái Lan bắt đầu triển khai đèn pha tự động và chính thức được quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, TNGT do va chạm với xe máy ở Thụy Điển đã giảm 10%, Malaysia giảm 20% và Nhật Bản giảm 40%, TNGT đâm trực diện giảm 26%.
“Tại Thái Lan đã có 80% số người đi xe máy bật đèn pha. So với luật đội MBH, việc bật đèn pha tự động dễ áp dụng hơn, không tốn kém, không gây bất tiện. Việc áp dụng chế độ bật đèn pha vào ban ngày đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu vì họ nhận thấy lợi ích từ việc bật đèn chiếu sáng ban ngày giúp giảm tai nạn, nhiều nước khác dù không thuộc vùng khí hậu ôn đới cũng đã đưa quy định này thành luật. Đây là xu hướng chung của thế giới và cho đến nay đã có tới 7/10 nước ASEAN áp dụng”, GS. Tanneerananon nói.
Trước mắt chỉ áp dụng đối với xe mới sản xuất
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, chất lượng phương tiện có vai trò quan trọng trong đảm bảo ATGT, những xe có đèn chiếu sáng phía trước như xe nhập khẩu người tham gia giao thông dễ nhận biết được từ rất xa và người lái xe sẽ tự thấy cần phải chú ý. Tuy nhiên, hiện nay đối với loại xe SH hay xe Spacy đã có loại đèn này nhưng thậm chí người sử dụng còn lắp thêm công tắc để tắt đèn vào ban ngày. Điều này là do người dân chưa hiểu đây là loại đèn các nước châu Âu bật vào ban ngày để đảm bảo an toàn. Hay đối với xe ô tô thế hệ mới, khi ánh sáng ban ngày kém đèn tự động bật nhưng rất nhiều lái xe đã tắt loại đèn này.
Đánh giá tính khả thi thực hiện bật đèn xanh ban ngày, ông Trí nhận định, nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện thời tiết nhiệt đới như Việt Nam, việc bật đèn pha giữa ban ngày sẽ gây tăng nhiệt độ của môi trường, hao tổn điện năng và đèn pha xe. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ đèn led, nhiều xe ô tô và xe gắn máy đời mới đã được lắp hệ thống đèn led định vị như là trang bị tiêu chuẩn trên xe. Giải pháp đèn led giúp tiết kiệm năng lượng, giảm nhiệt độ khuếch tán ra môi trường và tăng tuổi thọ của đèn so với đèn Halogen truyền thống và không gây chói mắt cho các phương tiện khác mà chỉ giúp tăng khả năng nhận biết phương tiện khi di chuyển trên đường. Nếu đưa ra quy định từ khi bắt đầu sản xuất thì cũng không ảnh hưởng đến giá của xe.
“Theo Luật GTĐB, Bộ trưởng có thẩm quyền quy định về việc này. Đây như là bộ phận an toàn cho xe, cần có báo cáo đánh giá để sớm đưa việc bật đèn pha phía trước vào thực hiện để tăng cường nhận diện cho xe máy. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng đối với xe mới sản xuất, còn trên 40 triệu xe đang lưu hành cần có lộ trình để hợp lý hóa dần. Đồng thời, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung những quy định phạt vi phạm hành chính, cần có chế tài để buộc những người có xe đời mới phải sử dụng loại đèn này khi lưu thông. Tôi cho rằng, đây là giải pháp rất hiệu quả trong đảm bảo ATGT”, ông Trí đề xuất.
Ủng hộ việc bật đèn chiếu sáng cho xe máy vào ban ngày, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, đối với các loại xe nhập khẩu do giá trị xe lớn, người dân nghĩ rằng, tắt đèn để xe được bền hơn. Vì vậy, để người dân đồng thuận cần tuyên truyền cho người dân hiểu nhà sản xuất thiết kế là đề đảm bảo an toàn khi đi ban ngày và cần có lộ trình thực hiện.
Nhiều nước quy định bật đèn xe máy ban ngày
ảnh nguồn internet
Bắt buộc sử dụng đèn đối với xe máy khi di chuyển ban ngày để giảm TNGT là quy định bắt buộc tại không ít quốc gia/bang/thành phố trên thế giới.
Sử dụng đèn trước đối với xe máy vào ban ngày (gọi chung là đèn chiếu gần) là quy định bắt buộc tại nhiều nước châu Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Nhìn chung, mọi xe máy đều phải lắp đèn trước tự động sáng khi khởi động xe. Nghiên cứu chỉ ra, việc lắp hai đèn, trong đó mỗi đèn có đường kính hơn 180mm có tác dụng cao hơn một đèn và đèn nhỏ.
Quy định này giúp các nước châu Âu giảm đáng kể từ 10-16% các vụ tai nạn liên quan tới tầm nhìn. Riêng, tại Áo, bật đèn xe máy khi di chuyển ban ngày giúp giảm 16% số người thương vong vì TNGT. Quy định này cũng bắt buộc tại bang Minnesota, Mỹ, trong đó yêu cầu người điều khiển xe máy phải bật đèn xe mọi lúc khi di chuyển, kết quả đã kéo giảm số vụ tai nạn ban ngày xuống 32%.
Theo atgt.vn