Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2010 - Ảnh: HĐ

Cuối 2020, hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT và nhà đầu tư đang rốt ráo triển khai đầu tư, thi công dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và BOT Mỹ Thuận - Cần Thơ để sớm nối thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ hoàn thành rút ngắn thời gian lưu thông, giảm tải cho tuyến QL1 từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với tổng chiều dài gần 140km, tuyến cao tốc này có 3 hợp phần: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đối với đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang) dài 61,9km đã được Bộ GTVT khởi công xây dựng năm 2004 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ đầu năm 2010. Tại thời điểm thông xe, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (TMĐT 9.884 tỷ đồng) là tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với 4 làn xe hoàn chỉnh và hai làn dừng khẩn cấp, đưa vào khai thác đã rút ngắn thời lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang từ 90 phút xuống còn 30 phút.

Cuối năm 2019, khởi công cầu Mỹ Thuận 2

Cũng liên quan đến một dự án lớn khác trên tuyến này, Ban QLDA7 vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu khả thi (báo cáo giữa kỳ) dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Theo đó, phương án được đề xuất ưu tiên lựa chọn là xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 tại vị trí cách cầu Mỹ Thuận hiện tại 350m về phía thượng lưu. Dự án có chiều dài khoảng 6,61km, tổng mức đầu tư trên 5.175 tỷ đồng. Dự án dự kiến được khởi công xây dựng vào quý III/2019, hoàn thành trong năm 2022.

Đoạn thứ hai nằm trên tuyến đường trọng điểm phía Nam này là Trung Lương - Mỹ Thuận. Khởi động xây dựng vào tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư theo hình thức BOT được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018 để kết nối với tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tuy nhiên, do nhà đầu tư dự án gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác huy động vốn tín dụng nên công tác thi công dự án sau hơn 3 năm vẫn ì ạch, tiến độ rất chậm, khối lượng chủ yếu đến từ công tác giải phóng mặt bằng. Dự án chỉ thực sự khởi sắc vào giữa tháng 6 vừa qua khi Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) ký kết được hợp đồng tài trợ vốn tín dụng cho dự án với 4 ngân hàng: Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết: “Nút thắt lớn nhất của dự án về việc vay vốn tín dụng đã được tháo gỡ. Hiện nay, 18 gói thầu trên tuyến đã đồng loạt triển khai thi công với sản lượng đạt trên 400 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2020, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác”.

Về phía nhà đầu tư, ông Dương Quang Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm tới 30% (khoảng 2.800 tỷ đồng).

“Dự án đang được khẩn trương triển khai đồng loạt trên toàn tuyến. Hiện đã giải ngân hơn 1.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư, trong đó chi trả cho GPMB là hơn 1.300 tỷ đồng, thanh toán khối lượng xây lắp, tư vấn và các chi phí khác là gần 460 tỷ đồng. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành dự án vào năm 2020”, ông Châu nói.

Một đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Ảnh: Lã Anh

Đầu năm 2019, khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Nằm ở cuối tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ được Bộ GTVT giao Ban QLDA Thăng Long thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.370 tỷ đồng, với mục tiêu xây dựng 23,6km đường cao tốc đi qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Long (13,35km) và Đồng Tháp (10,25km).

Theo thông tin của PV Báo Giao thông, sau khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển trong thời gian 1 tháng (16/4 - 16/5) đã có 11 bộ hồ sơ được Ban QLDA Thăng Long bán ra. Kết thúc thời gian mời sơ tuyển, đơn vị đã nhận được 4 nhà đầu tư nộp hồ sơ sơ tuyển với tổng số 14 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đáng chú ý, trong danh sách các nhà đầu tư ngỏ ý tham gia đầu tư dự án có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp danh tiếng trong nước, đặc biệt là sự có mặt của liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty CP Bê tông Hà Thanh.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn - doanh nghiệp nằm trong hệ thống của Tập đoàn Đèo Cả, được biết đến là nhà đầu tư hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng). Trong khi đó, liên danh CIENCO4, từng kinh qua nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 Hà Nội… Thành viên còn lại là Công ty CP Bê tông Hà Thanh cũng là một tên tuổi lớn lĩnh vực sản xuất bê tông phục vụ các công trình xây dựng.

Chiều qua (26/6), trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, hiện đơn vị đang tiến hành chấm sơ tuyển nhà đầu tư, dự kiến đầu tháng 7/2017, Ban QLDA Thăng Long sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư.

“Trong quý III/2018, dự án sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến, đầu năm 2019, công trình sẽ khởi công xây dựng. Đây là công trình đi qua khu vực có địa chất rất phức tạp, nhiều đoạn phải xử lý nền đất yếu nên thời gian thi công dự án chắc chắn sẽ kéo dài, dự kiến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành cùng với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2022”, ông Roãn nói.

Theo Báo giao thông