Việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như sử dụng camera để ghi lại hành vi vi phạm giao thông rồi sau đó “phạt nguội” là điều cần thiết trong điều kiện giao thông hiện nay. Đây là biện pháp giáo dục, răn đe hữu hiệu rằng dù không có bóng dáng CSGT trên đường nhưng bất cứ sự vi phạm nào của anh cũng có thể bị camera ghi lại để “phạt nguội”.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định hiện hành thì trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng khó mà tiến hành “phạt nguội” được. Vì vậy, cần thiết Nhà nước nên nghiên cứu sửa đổi một số quy định liên quan để cơ quan chức năng có điểm tựa pháp lý hợp pháp khi áp dụng “phạt nguội”.

Phải để CSGT “nắm kẻ có tóc”

Ai cũng biết bản thân chiếc xe không thể tự vi phạm giao thông mà chỉ có người điều khiển nó mới có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Vì vậy, khi xử lý cơ quan chức năng không xử phạt chiếc xe mà xử phạt người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm. Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã minh định rõ điều này: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt… đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính…”.

Tuy nhiên, trên thực tế camera chỉ ghi nhận ô tô vi phạm giao thông chứ khó có thể ghi lại rõ hình ảnh của người cầm lái. Chính vì thế, khi CSGT gửi giấy thông báo đến chủ xe về việc ngày đó tháng đó xe của ông/bà vi phạm giao thông tại địa điểm X, mời ông bà đến nhận quyết định xử phạt hành chính, rất có thể chủ xe sẽ chối bay chối biến. Chủ xe có thể nại lý do chính đáng rằng mình không phải là người trực tiếp điều khiển xe và cũng không phải là người vi phạm. Chủ xe lý luận: “Tôi không hề vi phạm, hôm ấy tôi cho bạn thuê, mượn xe và không chừng người bạn ấy lại cho người khác mượn xe nữa…”.

Rõ ràng khi rơi vào tình huống này, cơ quan chức năng khó có thể tìm ra ai mới chính là người thật sự (cầm lái và) vi phạm để mà xử phạt. Khi đó việc “phạt nguội” có thể bế tắc.

Vậy thì phải làm sao? ThS Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) đề xuất: “Trường hợp này hãy phạt “chính chủ”, tức phải sửa quy định để phạt chủ xe!”.

Đồng tình, PGS-TS Trần Việt Dũng (Trưởng khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM) nói: “Việc “phạt nguội” với chủ sở hữu phương tiện là hợp lý. Bởi cho người khác mượn xe hay không là sự lựa chọn của bạn, bạn là chủ xe, bạn phải chịu trách nhiệm”.

Nếu sửa luật theo hướng này, rõ ràng CSGT chỉ cần “nắm kẻ có tóc” mà “phạt nguội” chứ không cần phải vất vả truy tìm, chứng minh ai mới thật sự là người vi phạm.

“Phạt nguội” là biện pháp giáo dục, răn đe hữu hiệu, rằng bất cứ vi phạm nào của bạn cũng có thể bị camera ghi lại và bạn sẽ bị xử phạt. Ảnh: TTXVN

Chủ xe phải chứng minh mình không có lỗi

Cần nhắc lại, muốn “nắm kẻ có tóc” thì phải sửa luật theo hướng trong tình huống “phạt nguội” thì chủ xe phải có nghĩa vụ nộp phạt nếu chủ xe không chứng minh được mình không vi phạm.

Tuy nhiên, điều này lại trái với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Điều luật này quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.

Luật sư Trần Văn Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề xuất: “Về lâu dài, theo tôi cần có sự chỉnh sửa nguyên tắc chủ thể chứng minh hành vi vi phạm trong trường hợp “phạt nguội”. Cần đẩy trách nhiệm chứng minh mình không vi phạm về phía chủ sở hữu xe, tức việc chứng minh mình không vi phạm là nghĩa vụ chứ không phải là quyền. Khi đó, chủ xe sẽ phải chứng minh hôm đó cho ai mượn xe, rồi người đó cho ai mượn lại xe…; hoặc chủ xe phải đưa ra được hợp đồng cho thuê, cho mượn, các nghĩa vụ của bên thuê, mượn xe…”.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Bản chất xử phạt hiện nay là phạt hành vi của người điều khiển phương tiện chứ không phải phạt phương tiện. Vì vậy, khi chủ xe bị phạt, nếu oan thì họ phải chứng minh mình oan, mình không là người điều khiển phương tiện tại thời điểm vi phạm. Cái này có lợi cho chính họ nên họ phải làm”.

Cụ thể hơn, ThS Võ Văn Tài cho rằng: “Bạn cho người khác mượn xe hay không là quyền của bạn. Nếu bạn đã cho người khác mượn xe thì bạn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, trong đó có việc bị “phạt nguội”. Chủ sở hữu phương tiện có thể đòi lại số tiền “phạt nguội” từ người mà mình đã cho mượn xe bằng một vụ kiện dân sự theo quy định của pháp luật”.

Theo ThS Tài, việc đòi hỏi phải có một thủ tục, trình tự để người chủ sở hữu có thể chứng minh mình không vi phạm, qua đó không phải chịu “phạt nguội” là một điều khó, cơ quan nhà nước không đủ thời gian, điều kiện để làm. “Do đó, hãy phạt “chính chủ”, sau đó người này đòi lại tiền từ người mình đã cho mượn hoặc cho thuê xe bằng các biện pháp luật định khác” - ThS Tài nói.

Chủ xe cần lưu ý khi cho thuê

Chủ xe khi cho thuê, cho mượn xe cần có hợp đồng cho thuê, cho mượn xe. Hợp đồng ghi nhận rõ thời gian cho thuê, cho mượn, xây dựng luôn điều khoản nếu người sử dụng vi phạm giao thông bị “phạt nguội” trong thời gian này thì bên thuê, bên mượn phải có trách nhiệm nộp phạt…

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nên chính thức treo đăng kiểm nếu không nộp phạt

Một số ý kiến khác còn cho rằng cần thiết nên có thêm quy định nếu chủ xe (cá nhân hay tổ chức) chây ỳ, không chấp hành nộp phạt thì họ sẽ bị “chế tài” bằng cách neo một số quyền như không cho đăng kiểm xe, không cho chuyển dịch quyền sở hữu…

“Nếu đến hạn đăng kiểm mà xe họ vẫn không được đăng kiểm thì chắc chắn họ không dám cho xe đó lưu thông trên đường, vì ra đường thì sẽ lại bị CSGT thổi phạt nặng. Vì vậy, đây cũng có thể là biện pháp ràng buộc để chủ xe phải chấp hành nộp phạt. Chỉ đến khi chủ xe thực hiện nộp phạt xong thì cơ quan chức năng sẽ giải tỏa các quyền đó cho họ” - một chuyên gia pháp luật đề xuất.

Nộp phạt trễ, tiền phạt sẽ tăng gấp đôi, gấp ba!

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Singapore và nhiều nước châu Âu, hình thức “phạt nguội” được áp dụng phổ biến. Các tuyến đường, bao gồm cả đường cao tốc và đường nội thị thường lắp đặt hệ thống camera. Hình ảnh này được quản lý bởi cơ quan giám sát giao thông, có trách nhiệm phát hiện các lỗi vi phạm.

Sau khi phát hiện xe vi phạm, cơ quan cảnh sát sẽ chuyển biên bản vi phạm và quyết định xử phạt hành chính về địa chỉ của chủ sở hữu phương tiện vi phạm, bất kể người vi phạm có phải là người điều khiển phương tiện vi phạm hay không. Kèm theo đó là hình ảnh và các thông số chứng minh phương tiện vi phạm luật giao thông (ví dụ, dừng đèn đỏ không đúng hoặc vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, vượt ẩu…).

Chủ phương tiện xe có trách nhiệm phải nộp phạt (qua chuyển khoản) đúng hạn theo yêu cầu ghi trên quyết định xử phạt nếu họ là người vi phạm. Tuy nhiên, nếu người lái xe tại thời điểm vi phạm không phải chủ phương tiện thì trách nhiệm trình báo lúc này phải do chủ phương tiện và người vi phạm thực hiện.

Tất nhiên, cảnh sát phải gặp mặt và điều tra để tránh trường hợp “nhận tội thay” hoặc bỏ sót người vi phạm. Thậm chí nếu vì lý do nào đó cảnh sát nghi ngờ người lái xe vi phạm không phải chủ phương tiện (ví dụ, camera ghi lại người lái xe giống người nam, tóc ngắn trong khi chủ phương tiện là nữ, tóc dài), cảnh sát sẽ yêu cầu chủ phương tiện khai báo ai là người lái xe tại thời điểm vi phạm.

Hệ thống theo dõi giao thông, phát hiện lỗi và yêu cầu nộp phạt tại một số nước được hiện đại hóa. Các xe cảnh sát đi tuần thường gắn camera để ghi lại tất cả biển số xe trên đường. Hệ thống điện tử sẽ cho biết biển số nào có vấn đề (ví dụ, chưa nộp phạt, hết hạn đăng ký...), cảnh sát sẽ cho dừng xe có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra và in phiếu phạt tại chỗ.

Đối với các trường hợp vi phạm nhưng không nộp phạt đúng quy định, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục gửi đến người vi phạm phiếu phạt lần hai. Ở lần này, mức phạt có thể tăng lên thêm vài chục phần trăm, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần số tiền phạt cũ, tùy vào thời gian, tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Nếu chủ phương tiện hay người vi phạm quyết tâm không hợp tác, họ sẽ bị kiện ra tòa. Ở Úc, nếu sau hai lần người vi phạm vẫn không chịu nộp phạt thì người điều khiển phương tiện vi phạm đó sẽ bị đưa vào danh sách đen và sẽ bị dừng xe bất kỳ lúc nào để xử lý.

Tất nhiên về nguyên tắc, chủ phương tiện có quyền khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát nếu họ thấy rằng kết quả camera ghi lại không đúng với thực tế hoặc cảnh sát phạt không đúng đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, trường hợp này không phổ biến vì camera thường ghi lại thông tin cụ thể và có độ chính xác cao.

The PLO