Lực lượng thanh niên của Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I (Cục ĐTNĐ Việt Nam) tuyên truyền pháp luật TTATGT cho người dân đi đò ngang

 

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” là một chủ trương lớn của Chính phủ do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động từ năm 2011 trên phạm vi toàn quốc.

Đến nay, Cuộc vận động đã góp phần rất lớn trong việc tạo môi trường văn hóa trong hành động, ứng xử của mỗi người khi tham gia giao thông đường thủy, làm chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi quần chúng nhân dân khi tham gia giao thông, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử có văn hóa của cán bộ, nhân viên lực lượng chức năng quản lý nhà nước về TTATGT ĐTNĐ, góp phần xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn minh, an toàn. Tính riêng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, toàn quốc đã xây dựng và duy trì hoạt động của hơn 1.600 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, từ đó TNGT trên ĐTNĐ cũng được kéo giảm qua từng năm.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt của việc thực hiện Cuộc vận động đó là xây dựng các mô hình văn hóa giao thông đường thủy. Sau 7 năm triển khai, Hải Phòng và Kiên Giang là hai trong số những địa phương điển hình, thu hút được hàng ngàn người dân tự giác tham gia tích cực. Đây cũng là hai địa phương có hệ thống giao thông ĐTNĐ đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, vừa có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Tại TP. Hải Phòng, Cảnh sát đường thủy là lực lượng nòng cốt phối hợp với các đơn vị trên địa bàn duy trì hoạt động của 10 mô hình văn hóa giao thông, trong đó có 9 mô hình đã được công nhận đạt chuẩn và một mô hình mới triển khai xây dựng vào cuối năm 2017 là mô hình “Bến cảng văn hóa - an toàn” tại bến cảng của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.“Tuyến sông Cấm Văn hóa - An toàn” tại Hải Phòng là một trong ba mô hình điểm đầu tiên do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với địa phương xây dựng. Đây là mô hình hội tụ được nhiều loại mô hình (cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông văn hóa - an toàn; đoạn - tuyến sông văn hóa - an toàn; đoàn tàu văn hóa - an toàn và cơ quan, đơn vị chức năng tham gia công tác đảm bảo TTATGT đường thủy văn hóa).

Kiên Giang là địa phương hiện có tổng số 38 mô hình đăng ký, được công nhận 23 mô hình, trong đó có 4 mô hình “Bến đò Văn hóa - An toàn”; 01 mô hình “Đoàn tàu Văn hóa - An toàn”; 5 mô hình “Cảng, bến tàu An toàn”; 11 mô hình “Ứng xử có văn hóa trong thực thi nhiệm vụ” và 02 mô hình tập bơi “Phòng chống đuối nước trẻ em”. Đến nay, sau thời gian tổ chức kiểm tra, rà soát theo các tiêu chí đã duy trì 15 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt chuẩn.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, sau khi đi vào hoạt động, các mô hình đều mang lại dấu ấn tốt về văn hóa của người tham gia giao thông đường thủy, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng quản lý nhà nước; các phương tiện tham gia giao thông, bến phà, bến đò đã đổi mới diện mạo khang trang, sạch đẹp. Nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả rất đáng ghi nhận.

“Thực tế cho thấy, tình hình TTATGT, trật tự xã hội trên ĐTNĐ có nhiều chuyển biến, được quần chúng nhân dân và người tham gia giao thông đồng tình ủng hộ. Đặc biệt là TNGT đường thủy giảm hẳn cả 3 tiêu chí, không để xảy ra TNGT liên quan đến hoạt động chở khách, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện khi tham gia giao thông”, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng khẳng định.

Mặt khác, nhờ Cuộc vận động, tình trạng tội phạm hoạt động trên các tuyến ĐTNĐ được cải thiện đáng kể. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đã từng bước được nâng cao; thái độ ứng xử, tiếp xúc với nhân dân của cán bộ thực thi nhiệm vụ chuyển biến rõ nét; chủ phương tiện hoạt động vận chuyển hành khách tại các mô hình đã đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao ý thức và trách nhiệm đảm bảo ATGT cho hành khách.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Tàu của lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I tuyên truyền văn hóa giao thông với bình yên sông nước tại TP. Hải Phòng

Nhìn nhận về những rào cản kìm chế hiệu quả của Cuộc vận động, ông Hùng cho rằng tuy đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng vẫn mang tính tự nguyện, nên đòi hỏi công tác vận động quần chúng phải hết sức linh hoạt, xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình là một cách làm mới, chưa có sự tập huấn, hướng dẫn bài bản từ bước đầu nên các địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là về pháp lý, cơ sở vật chất, nghiệp vụ nâng cao hiệu quả của các mô hình…

Mặt khác, các ban chỉ đạo Cuộc vận động hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên luôn bị động về thời gian; việc theo dõi, kiểm tra thực hiện các mô hình chưa thực sự sâu sát, hạn chế về con người và kinh phí cho công tác triển khai thực hiện, đặc biệt là xây dựng và duy trì các mô hình.

Hơn hết, sự quan tâm đầu tư đến công tác đảm bảo TTATGT đường thủy của các địa phương chưa đồng đều, tình trạng một số doanh nghiệp vẫn coi nặng hiệu quả kinh doanh, chưa chủ động đến đảm bảo TTATGT, đặc biệt là công tác tuyên truyền pháp luật chưa được tiến hành liên tục, chưa đáp ứng yêu cầu. Hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa phong phú, không được cập nhật thường xuyên, thiếu kinh phí tuyên truyền... Trong khi đó, đây là yếu tố có tính quan trọng hàng đầu, cần được đẩy mạnh để phát huy hiệu quả cao hơn nữa.

Đó cũng là một số hạn chế lớn cần sớm được loại bỏ nhằm tiếp tục triển khai đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, giám sát, xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, từ đó tạo sự lan tỏa và nhân rộng mạnh mẽ.

Tạp chí GTVT