Leyat Helica có thiết kế giống như một chiếc máy bay thu nhỏ với cánh quạt tại mũi xe - Ảnh: AutoEvolution

Vào năm 1909, Marcel Leyat - kỹ sư, nhà sáng chế và thiết kế máy bay người Pháp - có ước mơ chế tạo nên một chiếc máy bay riêng. Tuy nhiên, do không có đủ vốn để hiện thực hóa giấc mơ, Leyat chuyển sang làm ô tô lấy cảm hứng từ máy bay. Thành quả là chiếc xe độc nhất vô nhị có tên Leyat Helica (tiếng Pháp mang nghĩa cánh quạt).

Vào giai đoạn đầu thế kỷ trước, nền công nghiệp ô tô và hàng không có sức ảnh hưởng rất lớn lên nhau. Các tiến bộ kỹ thuật từ một mảng luôn được áp dụng sang mảng còn lại mọi cách có thể. Việc lắp cánh quạt lên Leyat Helica của kỹ sư người Pháp có thể coi là kết quả của lối tiếp cận đó.

Để tạo ra được một mẫu xe nhanh, mạnh, Leyat tin rằng những yếu tố phức tạp như hộp số, ly hợp, trục khuỷu hay vi sai là không cần thiết. Cánh quạt khổng lồ lắp tại đầu xe là giải pháp được ông lựa chọn để tăng tốc cho xe với động cơ 18 mã lực sử dụng riêng phục vụ trang bị này.

Nhờ cánh quạt khổng lồ đằng trước, chiếc xe cổ có thể chạy 110km/h - tốc độ khủng so với ô tô tiêu chuẩn trong giai đoạn những năm 1900 - Ảnh: AutoEvolution

Thân xe Leyat Helica được chế tạo theo phong thái tối ưu khí động học nhất có thể, với phong cách bo tròn như xe hiện đại. Đây cũng là mẫu xe nhấn mạnh nhất tới yếu tố khí động học trên ô tô cổ điển, mà hiện tại mẫu xe nào cũng phải sử dụng.

Thân ngoài được chế tạo từ gỗ ván ép (plywood) nhẹ nhưng có độ bền cao. Mâm được làm từ đĩa nhôm tích hợp phanh để giảm trọng lượng. Tổng cộng xe chỉ nặng 225kg đã tính cả cánh quạt, nhiên liệu tiêu thụ 4,9 lít/100km.

Nội thất Leyat Helica cũng lấy cảm hứng từ máy bay với chỉ độc nhất ghế lái đơn phía trước và ghế hành khách phía sau - Ảnh: AutoEvolution

Trên thực tế, việc loại bỏ hộp số và vi sai của Leyat là hoàn toàn chính xác. 2 trang bị này thời đó chưa phát triển nên làm lãng phí năng lượng sinh ra từ động cơ rất nhiều. Kết cấu cánh quạt mà Leyat lựa chọn giúp Helica chạy được 110km/h - tốc độ thuộc hàng khủng và cực kỳ nguy hiểm thời đó, nhất là khi xét tới việc thân xe làm từ gỗ.

Leyat Helica ra mắt công khai tại triển lãm Paris 1921 và được sản xuất chỉ 30 xe trong giai đoạn 1919 tới 1925 vì thiếu vốn. Trong số này, chỉ 23 xe được bán ra và chỉ 4 xe còn tồn tại tới hiện giờ. Trong nhóm này, chiếc Helica nổi tiếng nhất nằm trong bộ sưu tập tư nhân của hoàng thân Monaco.

Theo Báo Tuổi trẻ