Thói quen khó thay đổi
Tỷ lệ sở hữu xe máy bình quân mỗi hộ gia đình giai đoạn 2014-2017 tại Hà Nội gần như không đổi. Năm 2014, bình quân một gia đình ở Thủ đô sở hữu 2 xe máy, đến năm 2017 sở hữu 2,088 xe máy. Con số gần như không tăng với các hộ gia đình tại các quận nội thành - theo số liệu khảo sát mới đây của Công ty CP Phát triển đô thị bền vững, phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam, thực hiện.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ, vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này, trong khi các loại phương tiện công cộng khác chưa đủ hấp dẫn.
TS. Chu Công Minh, giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét: Xe máy là phương tiện rất thuận tiện và phù hợp với điều kiện hạ tầng tại Việt Nam nói chung. Nó giúp người dân đi lại dễ dàng hơn rất nhiều, nhất là với phần đông những người sống xa bến tàu, bến xe, không dễ tiếp cận phương tiện công cộng.
Xe máy là phương tiện thuận tiện và phù hợp với điều kiện hạ tầng tại Việt Nam nói chung.
Trong một nghiên cứu tương tự, do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện tại Hà Nội, cũng cho rằng, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững và không sẵn lòng thay đổi hành vi đi lại.
Theo WB, số km trung bình mà một phương tiện đi sẽ giảm xuống khi số phương tiện trong hộ gia đình tăng lên. Nếu số xe máy trong hộ gia đình giảm đi, các xe còn lại sẽ được sử dụng nhiều hơn. Dù là phương tiện đi lại phổ biến nhưng hiểu biết của các thành phố về việc quản lý phương tiện này còn rất hạn chế.
Hà Nội và TP.HCM đang lên kế hoạch hạn chế, cấm xe máy vào năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này và lưu ý, nhiều nước phát triển hơn Việt Nam không cấm xe máy.
Xe máy dày đặc vẫn an toàn
Ông Shigeo Yoshizawa, Trưởng nhóm An toàn giao thông, thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy quốc tế, cho rằng, các thành phố tại Việt Nam nên học tập kinh nghiệm từ quản lý xe máy tại Đài Loan. Đây là mô hình thành công trong việc quản lý giao thông đường bộ, với xe máy hoạt động dày đặc.
Đài Loan có trên 15 triệu xe máy hoạt động, với tỷ lệ 67 xe/100 dân, cao hơn nhiều so với Việt Nam hiện nay là 46 xe/100 dân. Dù mật độ xe máy lớn nhưng giao thông ở Đài Loan lại ít lộn xộn và tắc đường.
Đài Bắc là đô thị phát triển của Đài Loan với thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 nghìn USD/năm. Tuy nhiên, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến. Hơn 10 năm trước, tắc đường thường xuyên xảy ra, nhưng kể từ năm 2000 mọi chuyện đã thay đổi, đó là nhờ cách quản lý mới.
Về đỗ xe, xe máy được tập trung vào những khu vực nhất định và phải trả phí. Điều này giúp người đi bộ không phải tràn xuống lòng đường để di chuyển, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đài Loan có nhiều xe máy nhưng vẫn không bị tắc đường.
Tất cả các hành vi vi phạm hành lang ưu tiên, vi phạm luật lệ an toàn giao thông đều bị xử phạt rất nghiêm khắc. Xe máy không đi vào làn đường ưu tiên như đường của xe buýt, bởi sẽ bị phạt nặng.
Một biện pháp quản lý khác chú trọng, đó là tập trung tổ chức, chỉ dẫn giao thông cho các dòng phương tiện, cũng như siết chặt vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Xe gắn máy, có làn đi riêng. Đến ngã 4 ở những đoạn đường lớn, nếu muốn rẽ trái, sẽ có một khu vực đỗ riêng, được gọi là: “khu vực chờ rẽ trái hai giai đoạn”. Tức là phải đi qua lối bên phải ngã 4 trước, dừng lại chờ, rồi mới được đi tiếp.
Rất nhiều giải pháp đã được Đài Loan triển khai để quản lý có hiệu quả việc lưu thông hỗn hợp của phương tiện xe máy với các phương tiện khác. Đài Loan có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, được quy hoạch rất phù hợp. Cho nên, mặc dù lượng giao thông rất lớn, bao gồm các loại giao thông nhưng nhìn chung giao thông ở đây rất tốt, hầu như không tắc nghẽn như ở Việt Nam.
Để có được điều đó, trước hết phải có một quy hoạch tốt và kinh nghiệm về quản lý giao thông. Cùng với đó là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Vì vậy, dù đô thị nơi đây rất nhiều xe máy nhưng an toàn giao thông vẫn được đảm bảo, ông Shigeo Yoshizawa nhận xét.
Theo VietnamNet