Camera giám sát giao thông tại Mỹ
Nếu ai đã từng đến Mỹ hoặc đơn giản là xem các bộ phim của Hollywood, chắc hẳn đều có thể thấy hình ảnh CSGT ghi vé phạt, dán lên phương tiện đỗ xe trái phép và chủ nhân xe tự khắc phải đến nộp phạt. Cũng có tình huống một ngày có trát phạt vi phạm giao thông bất ngờ được gửi đến nhà qua đường bưu điện.
Chế tài xử phạt nghiêm khắc, linh hoạt
Sở dĩ việc xử phạt vi phạm giao thông tại Mỹ và nhiều nước phương Tây như: Australia, Anh... đơn giản gọn nhẹ là do có sự kết hợp giữa hệ thống camera thông minh, tách biệt giữa việc ghi biên bản - thu tiền phạt, đồng thời, hệ thống quản lý phương tiện và nền tảng pháp luật chặt chẽ của những nước này đã tạo ra tính răn đe rất cao.
Chẳng hạn, tại Mỹ, “phạt nguội” vi phạm giao thông có thể được thực hiện qua hình thức dán vé phạt trên xe (đối với các trường hợp đỗ xe trái quy định, không có mặt tại hiện trường) hoặc qua camera.
Cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tự động tại các tuyến đường chính, những khu vực có nhiều người đi bộ và xung quanh trường học.
Camera giám sát giao thông tại Việt Nam
Hệ thống camera này có thể phát hiện vi phạm luật giao thông như: Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ hay đỗ xe không đúng nơi quy định… Hình ảnh xe vi phạm sẽ được gửi về trung tâm để tra biển số xe và gửi thông báo phạt tới tận nhà của chủ phương tiện. Người này có thể trực tiếp tới văn phòng để nộp phạt hoặc làm qua hệ thống trực tuyến.
Mặc dù CSGT không trực tiếp thực hiện tất cả các bước này nhưng người vi phạm không dám lơ là thời hạn nộp phạt bởi chế tài xử phạt rất nặng. Nếu sau 30 ngày, người vi phạm không hoàn thành thủ tục, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, chậm hơn nữa sẽ phạt gấp ba, gấp bốn, cuối cùng là triệu tập ra tòa và phải chịu mọi án phí.
Lúc này, họ sẽ đứng trước nguy cơ vừa bị phạt tiền, bấm lỗ bằng lái (7 lần bấm lỗ sẽ bị thu bằng lái), tịch thu bằng lái, thậm chí là bắt giam. Những thông tin về tình trạng vi phạm sẽ được chia sẻ giữa các bang, với các công ty bảo hiểm…
Do đó, trong trường hợp người phạm pháp cố tình điều khiển xe tại các bang khác đều sẽ bị phát hiện. Ngoài ra, họ còn phải chịu phí bảo hiểm ô tô tăng vì các công ty này đánh giá phí dựa trên tình trạng vi phạm của chủ xe.
Vương quốc Anh cũng có quy trình xử phạt nguội tương tự nhưng có một điểm khác biệt đó là chủ xe vi phạm có 28 ngày kể từ ngày nhận vé phạt để hoàn thành thủ tục và nếu nhanh chóng nộp phạt trong 14 ngày, chủ xe sẽ được giảm 50% mức phạt. Còn nếu chậm hơn 14 ngày so với hạn cuối thì tiền phạt sẽ tăng thêm 50%.
Tại tất cả các nước này, việc xử phạt nguội qua camera hoàn toàn tập trung vào chủ phương tiện (tức người đứng tên trên phương tiện). Thông báo phạt được gửi cho chủ đăng ký xe. Nếu người đó không điều khiển phương tiện khi vi phạm xảy ra thì phải có trách nhiệm chuyển thông báo tới người trực tiếp cầm lái trong khung thời gian nhất định. Nếu không chuyển kịp thời, chủ xe cũng sẽ bị phạt.
Chây ì vi phạm có thể không được vay tiền ngân hàng
Ngoài lắp camera phát hiện vi phạm giao thông, tại Trung Quốc, cụ thể là Thâm Quyến còn đang phát triển một hạ tầng quản lý giao thông thông minh có khả năng kết nối và đồng bộ trên quy mô lớn.
Nhờ cơ sở dữ liệu thông tin về công dân mà Bắc Kinh đang xây dựng, nước này có thể áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát hiện ngay lập tức danh tính người vi phạm.
Thậm chí, công nghệ này còn cho phép gửi thông báo phạt đến điện thoại người vi phạm nhưng biện pháp này hiện mới được thử nghiệm trong xử phạt người đi bộ sai làn.
Ông Wang Jun, Giám đốc các giải pháp marketing đến từ Intellifusion cho biết: “Camera có độ phân giải 7 triệu pixel sẽ đảm bảo hình ảnh gương mặt của người điều khiển trong phương tiện bị chụp đủ nét để có thể so sánh nhận dạng với hệ thống của chúng tôi nhưng với điều kiện thông tin nhận dạng của người đó được lưu trữ trong dữ liệu của cảnh sát giao thông”.
Thậm chí, nhờ đồng bộ hóa dữ liệu, người vi phạm giao thông nhiều lần sẽ bị phạt điểm uy tín xã hội, kéo theo hệ quả bị hạn chế nhiều dịch vụ khác như mua vé máy bay hay khả năng vay nợ tại ngân hàng.
Theo Báo Giao Thông