“Khẳng định văn hóa giao thông là trách nhiệm của cả hệ thống, mà trước hết là các nhà quản lý, người dân và phạm vi của cả đất nước. Tuy nhiên, có phải là chủ quan hay không khi cho rằng trách nhiệm này là khách quan trong giai đoạn quá độ mà chúng ta vừa qua khi là nước chậm phát triển lên nước phát triển mức độ trung bình”.

Ông Đào Ngọc Nghiêm ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: DUY LINH)

Đó là ý kiến của ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội.

Cắt nghĩa “văn hóa giao thông”

Băn khoăn về “văn hóa giao thông” nên được hiểu như thế nào? TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp đặt vấn đề: Nói rằng không tồn tại một “văn hóa giao thông ở Việt Nam” liệu có phù hợp không? Có quá lạm không?

Như vậy, theo TS Lê Hồng Sơn, nếu thừa nhận sự “thiếu vắng văn hóa giao thông” ở Việt Nam thì cũng phải cắt nghĩa được lý do, căn nguyên của nó để cùng tìm cách thức chữa trị, cách thức khắc phục.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng, để có một “nền văn hóa giao thông” ở Việt Nam, cần có ít nhất các yếu tố, dù mức độ, phạm vi tác động của chúng không giống nhau như: hạ tầng thể chế, pháp luật về giao thông; hạ tầng các công trình giao thông (đường sá, cầu cống) đáp ứng yêu cầu lưu thông của các phương tiện giao thông đường bộ; nhận thức và sự tuân thủ giao thông của người tham gia giao thông; và ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, là sự nghiêm chuẩn, liêm chính của những người, những lực lượng có trách nhiệm điều hành, duy trì trật tự giao thông; và cũng như không thể thoát ly nền tảng văn hóa nói chung của đất nước.

“Yếu tố hàng đầu để xây dựng văn hóa giao thông và hệ thống thể chế pháp luật của chúng ta dù chưa thật hoàn hảo, còn vài khiếm khuyết, còn vài hạt sạn nhưng có thể nói là hệ thống này khá tốt, khá hoàn thiện. Vấn đề quan trọng là trách nhiệm thi hành, khả năng thực thi của xã hội, kể cả với người dân tham gia giao thông cũng như người có trách nhiệm duy trì luật lệ an toàn giao thông, đối với các văn bản đã được ban hành như thế nào mà thôi” - ông Sơn nhấn mạnh.

Theo TS Lê Hồng Sơn, có thể thấy thể chế không phải là thiếu, nhưng người ta “nhờn”, người ta coi thường kỷ cương, cả về phía xã hội, kể cả về phía lực lượng có trách nhiệm duy trì trật tự an toàn giao thông đều không nghiêm. Đây là một vấn đề về trật tự kỷ luật kỷ cương.

Đồng quan điểm với TS Lê Hồng Sơn về vấn đề văn hóa giao thông cần phải nhìn nhận xuất phát từ yếu tố chính là quản trị xã hội - Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông Quốc gia nhìn nhận, văn hóa không phải là một cái gì quá rộng lớn mà văn hóa là một thói quen, nó là một quá trình hình thành thói quen thông qua các hoạt động độc lập của con người trong cuộc sống.

“Thói quen giao thông của người dân hình thành trên lợi ích của cá nhân. Nếu thói quen giao thông thực hành văn hóa mà nó mang lại lợi ích cho chúng ta thì nó sẽ hình thành thói quen tốt. Nếu như chúng ta tuân thủ pháp luật, tuân thủ giao thông, tuân thủ cộng đồng nhưng nó mang hại cho chúng ta, chúng ta không thể hoàn thành cái gọi là văn hóa giao thông được” - nhà báo Phạm Trung Tuyến chia sẻ.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến. (Ảnh: DUY LINH)

Ở đây quản trị xã hội cần phải có những hạ tầng cho việc hình thành văn hóa này - theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, hạ tầng ở đây có thể là vật thể như các tổ chức giao thông, các quá trình mà chúng ta xây dựng phương thức giao thông cho phù hợp. Cũng có thể là những hạ tầng phi vật thể như hệ thống pháp luật làm thế nào để người tham gia giao thông phải trả giá cho những hành vi phản văn hóa của mình. Khi mà người ta không phải trả giá cho những hành vi tham gia giao thông. Khi người tham gia giao thông có thể dừng xe lại để mà giải quyết những vấn đề bằng cách dùng quan hệ hoặc là dùng các cách thức không phù hợp thì nó sẽ hình thành một cách thức văn hóa khác nhau, thói quen khác nhau.

“Khi một xã hội có quá nhiều thói quen khác nhau thì chúng ta sẽ không có được văn hóa giao thông” - ông Tuyến nói.

Câu hỏi đặt ra ai là người làm ra luật, ai là người thực hiện luật trên các mặt đường, ai là người thực thi công vụ ở trên đường câu trả lời rất rõ người chịu trách nhiệm là nhà nước. Ngay cả khi vi phạm giao thông mà không phạt người ta thì đó cũng là lỗi của cơ quan thi hành công vụ, gần như trách nhiệm thuộc về cơ quan công quyền, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Báo Hà Nội mới) bày tỏ.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Báo Hà Nội mới). (Ảnh: DUY LINH)

“Nhiều người cứ nói rằng người Việt ra nước ngoài thì chấp hành nghiêm luật giao thông các nước mà họ đến trong khi người Việt Nam chấp hành không nghiêm, tôi cho là không phải quan trọng nhất là anh không biết luật và anh ý thức hơn khi bị phạt tiền” - theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, ngoài chuyện thực thi Luật Giao thông trên đường chưa ổn thì thi hành công vụ cũng chưa ổn, còn ý thức của người dân, phạt, xử lý nghiêm là cách giáo dục tốt nhất.

“Nếu không phạt thì không bao giờ thay đổi được ý thức. Ý thức thay đổi khi nó đụng chạm vào túi tiền của người dân, lòng tự trọng của người ta. Lòng tự trọng giờ vơi đi rất nhiều, vì vậy cách tốt nhất là xử lý nghiêm, xử lý nặng, đó là cách giáo dục tốt nhất” - ông Ngọc Tiến ý kiến.

Với tư cách là một người trực tiếp tham gia giao thông, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị Diễn đàn OtoFun cho rằng khái niệm về “văn hóa giao thông” hiện nay rất là mơ hồ. Theo anh Mạnh Thắng, hiện chưa ai định nghĩa chính xác văn hóa giao thông là cái gì và người tham gia giao thông phải căn cứ vào đâu để thực hiện cái đó!

Anh Mạnh Thắng chia sẻ, để chúng tôi có thói quen thì phải có hướng dẫn chi tiết. Luật thì rất chi tiết nhưng để thực hiện được Luật thì không phải hề dễ dàng, bởi vì ngay ở Hà Nội đã có rất nhiều biển báo giao thông chưa được chuẩn, rất khó để chúng tôi có thể thực hiện được đúng luật.

“Văn hóa giao thông” không chỉ là thái độ, cách ứng xử

Bàn về hạ tầng thể chế, pháp luật về giao thông đường bộ của nước ta, TS Lê Hồng Sơn cho biết, trong 15 năm qua, Nhà nước đã hai lần xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ. Cả hai luật đều tập trung quy định những vấn đề cốt lõi, quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ như xác định các quy tắc, kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Và so sánh trong tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, thì các văn bản thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ được xếp vào hàng các văn bản có mức độ đồng bộ, hoàn thiện nhất; dù rằng, theo dư luận đánh giá, vẫn không tránh khỏi còn có một số “hạt sạn”, còn một vài khiếm khuyết.

Như đối với Nghị định 46, có người hay giải thích và thường dùng từ “tăng mức xử phạt”, “xử phạt nặng” đối với hành vi vi phạm. Nói “tăng mức phạt” thì có lý, bởi vì mức phạt đã được nâng lên, cso khi gấp đôi hoặc gấp cao hơn 4 đến 5 lần so với mức xử phạt cũ. Còn nếu nói “xử phạt nặng” thì đối với nhiều trường hợp, theo TS Lê Hồng Sơn, chưa thật đúng lắm. Bởi với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống, mức thu nhập hiện nay; và cùng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm - cá biệt, đối với hành vi cố ý, coi thường, khinh nhờn luật và có khả năng gây hậu quả lớn đối với người khác, với xã hội thì mức phạt mới không phải là nặng, cần nâng lên cao hơn mới đủ sức răn đe và có tác dụng giáo dục chung.

Đồng tình với quan điểm cần “xử phạt nghiêm”, tuy nhiên, cần hiểu đúng, đủ nội hàm của “xử phạt nghiêm” - theo TS Lê Hồng Sơn, nếu chỉ giải thích theo hướng áp dụng mức phạt cao, mức phạt tối đa đối với người có hành vi vi phạm là chưa đủ. Ở đây, cần hiểu “xử phạt nghiêm” với ý rộng hơn, đó là, hễ có hành vi vi phạm thì hành vi đó phải được phát hiện và bị xử lý đúng quy định. Nhưng đáng tiếc, thực tiễn phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay chưa cho thấy tính nghiêm-chuẩn, có tỷ lệ khá thấp.

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp. (Ảnh: DUY LINH)

TS Lê Hồng Sơn khẳng định, hạ tầng các công trình giao thông đường bộ là điều kiện vật chất khá quan trọng để giúp xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta. Đúng là không phủ nhận những cố gắng rất lớn trong xây dựng các công trình giao thông đường bộ trong một số năm gần đây; tuy nhiên, do nhiều khó khăn, hạn chế về các nguồn lực, có thể nói, hệ thống hạ tầng các công trình giao thông đường bộ của nước ta chưa được phát triển kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đây có lẽ là một nhân tố kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, và là “điểm nghẽn” trong xây dựng văn hóa giao thông.

“Với một hạ tầng như hiện nay, theo tôi xây dựng văn hóa giao thông cho con người, cho xã hội là quá khó khăn” - TS Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, tuy nhiên, theo TS Lê Hồng Sơn, chúng ta cần hướng tới phát triển các phương tiện giao thông công cộng; theo đó tạo sự lựa chọn thuận lợi cho người dân trước để chính họ sẽ quyết định việc thay thế phương tiện, các thức đi lại của mình. Lúc đó, kết hợp với các giải pháp hành chính - kinh tế phù hợp tác động vào, chủ trương hạn chế, thay thế phương tiện giao thông cá nhân mới có hiệu quả như mong muốn.

Còn nói về nhận thức và sự tuân thủ pháp luật giao thông của những người tham gia giao thông, có thể nói, dù không “vơ đũa cả nắm”, TS Lê Hồng Sơn cho rằng, chúng ta có một thực tế khá buồn, khá tiêu cực là ở bất kỳ ở đâu, đặc biệt là ở các đô thị lớn, vào giờ cao điểm rất dễ chứng kiến hình ảnh của người tham gia giao thông vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông. Có thể nói, ra đường là gặp vi phạm pháp luật giao thông. Nhiều khi thấy “chướng tai, gai mắt” - như một thách thức; nhưng mãi rồi “thấy quen, thấy nhờn, thấy bớt khó chịu”.

Nhìn nhận với thực tế giao thông "vón cục, hỗn độn" ở một số địa bàn, một số thời điểm như hiện nay thì liệu có xây dựng được “văn hóa giao thông” một cách thuận lợi hay không? Theo TS Lê Hồng Sơn, ngoài việc bố trí thời gian, giờ giấc, ngoài lý do hạ tầng, thì không thể không nói tới quy hoạch cư dân, quy hoạch xây dựng tùy tiện, chen chúc và còn phải kể đến việc tăng dân số cơ học không thể kiểm soát như vừa qua, đặc biệt là ở vùng lõi đô thị lớn là điều khó chấp nhận.

YỵTán thành với ý kiến của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến khi nói về văn hóa giao thông ở đây không chỉ là thái độ, cách ứng xử và cho rằng văn hóa giao thông là vấn đề đa ngành, đa cấp - ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội cho rằng, rõ ràng văn hóa giao thông của chúng ta còn rất nhiều cái tồn tại.

Chỉ rõ thể chế và cơ chế chính sách chất lượng chưa cao và từ nội dung xây dựng, định hướng chưa bám sát thực tiễn, chưa giám sát luật đề ra, chưa cụ thể hóa để phù hợp với từng địa phương - ông Đào Ngọc Nghiêm không tán thành với ý kiến thể chế của chúng ta đồng bộ và văn minh thì chưa phải.

Cho biết Hà Nội mới chỉ có 9% dành cho giao thông, 2,8% dành cho bãi đỗ xe và cấu trúc giao thông chưa hợp lý, ông Ngọc Nghiêm cho rằng như thế thì khó khăn là tất nhiên và khi cấu trúc chưa hợp lý thì khó có văn hóa hợp lý được! Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, năng lực quản lý có vấn đề và cả vấn đề giáo dục ý thức, vai trò của người tham gia giao thông.

Khẳng định đây là trách nhiệm của cả hệ thống, mà trước hết là các nhà quản lý, người dân và phạm vi của cả đất nước. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm có phải là chủ quan hay không khi cho rằng trách nhiệm này là khách quan trong giai đoạn quá độ mà chúng ta vừa qua khi là nước chậm phát triển lên nước phát triển mức độ trung bình.

“Trách nhiệm của cả hệ thống, và cách tiếp cận phải từ hệ thống từ đa ngành mới trả lời được câu trách nhiệm thuộc về ai” - ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị.

theo báo Nhân dân