Tuy nhiên, trong thực tế không ít tài xế, đặc biệt là tài mới thường thực hiện các bước này một cách qua loa và thậm chí chưa biết điều chỉnh thế nào để tạo ra tư thế ngồi lái phù hợp nhất. Sau đây là những gợi ý giúp người lái điều chỉnh ghế lái, vô lăng để tạo ra tư thế ngồi thoải mái, phù hợp khi điều khiển ô tô:
Chỉnh ghế lái
Bên cạnh việc chỉnh cơ, hiện nay chức năng ghế lái chỉnh điện đã được trang bị phổ biến trên các dòng xe giúp việc điều chỉnh tư thế ngồi trở nên dễ dàng hơn. Khi đặt mình vài ghế lái, bạn nên ngồi thẳng, đảm bảo cho phần mông, lưng vuông góc và luôn tì vào ghế. Điều này sẽ giúp bạn tránh đau lưng và duy trì sự thoải mái trong suốt quá trình lái xe.
Khoảng cách ghế lái: Để đảm bảo việc điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi đúng nhất, bạn nên khởi động xe rồi đạp chân phanh vài lần. Điều này sẽ giúp bạn làm quen với hành trình chân phanh, qua đó điều chỉnh khoảng cách phù hợp nhất. Chỉnh sao cho chân phải có thể đạp hết hành trình của ga và phanh, đầu gối của bạn gập ở góc khoảng 120 độ. Không nên chỉnh ghế lái quá xa, điều này sẽ khiến cho đầu gối của bạn bị duỗi thẳng, qua đó làm giảm tác dụng của lực đòn bẫy và mất cảm giác với hành trình chân phanh, chân ga. Ngược lại, nếu ghế lái quá gần sẽ làm đầu gối chạm vào bảng táp lô, cản trở thao tác của bạn.
Tựa lưng ghế lái: Để chỉnh độ ngã tựa lưng ghế, bạn nên ngồi thẳng lưng tựa vào ghế, tay nắm đỉnh vô lăng. Sau đó chỉnh độ ngả lưng ghế sao cho cánh tay song song với sàn thì góc ngã lưng ghế là phù hợp nhất.
Độ cao ghế: Để điều chỉnh độ cao ghế, người lái nên nhìn thẳng. Thông qua nút điều khiển, lần lượt chỉnh độ cao đệm ghế sao cho mang lại tầm quan sát rộng, bao quát tầm nhìn tốt nhất, đồng thời khuỷu tay vừa chạm vào bệ cửa, phần đầu gối không chạm vào mép dưới vô lăng khi người lái co chân sát vào ghế.
Tựa đầu ghế: Đây là chi tiết mà nhiều lái xe thường bỏ qua khi điều chỉnh ghế lái vì cho rằng không mấy hiệu quả. Điều này xuất phát từ việc chỉnh tựa đầu chưa đúng. Người dùng nên chỉnh sao cho mép trên của tựa đầu ghế ngang với mắt, khoảng cách từ tựa đầu tới phần gáy khoảng 2-3 cm. Điều này sẽ giúp người lái không bị mỏi cổ, đồng thời sẽ phần nào tránh được chấn thương khi gặp tai nạn.
Với một số mẫu xe hiện đại có tích hợp chức năng nhớ vị trí ghế lái. Người dùng nên kết hợp việc điều chỉnh ghế kết hợp với việc sử dụng chức năng nhớ vị trí ghế để tạo ra sự thoải mái, thuận tiện khi ra vào xe.
Chỉnh vô lăng
Nút điều chỉnh vị trí vô lăng thường được bố trí ở trục vô lăng. Người lái chỉ cần ấn nút điều hướng (với các xe trang bị vô lăng chỉnh điện) hoặc kéo lẫy (vô lăng chỉnh cơ) để điều chỉnh khoảng cách, độ cao, thấp của vô lăng.
Hãy tưởng tượng vô lăng là một chiếc đồng hồ. Để tạo tư thế lái thoải mái nhất, người lái nên cầm vô lăng ở vị trí 3 giờ và 9 giờ. Vị trí này sẽ giúp phần cẳng tay ít bị cong hơn, vai và lưng cũng đỡ mỏi và thoải mái hơn. Bên cạnh đó, người lái cũng nên điều chỉnh sao cho khoảng cách từ trục vô lăng, vị trí cầm vô lăng đến phần vai ngực vào khoảng 25 - 30 cm, đồng thời khuỷu tay tạo góc 120 độ. Với khoảng cách này, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí sẽ hoạt động hiệu quả và giảm thiểu chấn thương cho người lái.
Ngoài ra, kết hợp với tầm mắt từ vị trí ghế lái, bạn nên điều chỉnh độ cao thấp của vô lăng sao cho trục vô lăng song song với tựa lưng ghế và đảm bảo tầm quan sát đồng hồ hiển thị thông số vận hành của xe.
Theo Báo Thanh niên