Rất dể nổi nóng sau khi va quẹt

Nhiều vụ va chạm giao thông, cách ứng xử khi bị va chạm giao thông đã trở thành nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng rất nghiêm trọng, đơn cử như vụ đối tượng Trịnh Văn Hoài Thanh (22 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại Bến Cát, Bình Dương) dùng dao bấm đem theo trong người đâm chết Đặng Huy Cường (25 tuổi, ngụ tại Bàu Bàng, Bình Dương) và Nguyễn Thanh Sang (23 tuổi, ngụ tại Bến Cát, Bình Dương) sau khi hai bên va chạm giao thông, tranh cãi dẫn đến xô xát vào khoảng 23hngày 7/4/2016 trên đường 30-4, khu phố 2, Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương…

Khi tham gia giao thông đường bộ, cho dù sử dụng phương tiện giao thông nào, người tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, cẩn trọng để không xảy ra những tình huống va chạm, tai nạn giao thông.Tuy nhiên, ngay cả khi những yêu cầu trên được thực hiện, các vụ va chạm giao thông vẫn có thể xảy ra. Vậy, trong tình huống này, người bị va chạm giao thông cần phải làm gì để bảo quản được tài sản, bảo đảm an toàn cho bản thân, tránh để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc từ việc xử lý tình huống va chạm giao thông.
Dưới đây là một số kỹ năng an toàn cơ bản khi bị va chạm giao thông:

1. Tình huống va chạm khi di chuyển bằng ôtô
Khi điều khiển ôtô di chuyển trên đường, cho dù tài xế có cẩn trọng thế nào, các tình huống va chạm với các phương tiện xe giao thông khác hầu như không tránh khỏi, đặc biệt là va chạm với xe máy. Khi va chạm với xe máy, người điều khiển xe máy và cả người dân ở hiện trường vụ va chạm thường đánh giá lỗi thuộc về xe lớn hơn (xe ôtô) vì vậy họ thường gây áp lực đối với người điều khiển ôtô, thậm chí có hành vi ăn vạ. 

Tài xế xe taxi và xe máy ẩu đả sau tai nạn

Ngoài ra, ở những khu vực đông người, có những đối tượng bất hảo thường có hành vi “hôi của”, trộm cắp vặt tài sản của người va chạm giao thông, những đối tượng này thường không giúp đỡ người bị va chạm hoặc giúp đỡ lấy lệ, cố gắng tạo áp lực làm cho vụ việc phức tạp, tạo thời cơ thuận lợi cho chúng “hôi của”, ăn cắp tài sản… Theo đó, nhiều vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng lại trở thành vụ việc nghiêm trọng do sự kích động của các đối tượng này.

Vì vậy, khi điều khiển ôtô va chạm với người điều khiển xe máy, do chỉ là va chạm nhẹ, không phải là tai nạn nghiêm trọng, không cần thiết phải giữ nguyên hiện trường nên tài xế ôtô cần phải bình tĩnh và thể hiện sự bình tĩnh thực hiện một số thao tác lái xe an toàn như: bật đèn xin đường, tấp xe vào lề phải, kéo thắng tay, bấm nút clock cửa xe hoặc khóa cửa xe khi xuống xe…

Việc thực hiện các thao tác trên không chỉ giúp giải tỏa ùn tắc giao thông, bảo vệ tài sản trên xe tránh bị kẻ gian lợi dụng trộm cắp mà còn tác động đến tâm lý của người bị va chạm và cả những người xung quanh, cho thấy tài xế là người bình tĩnh, hiểu luật, sẵn sàng xử lý tình huống, không có ý định bỏ chạy, làm cho kẻ gian xung quanh phải e ngại.

Tài xế ôtô dùng tuýp sắt đánh nhau với người điều khiển xe máy sau va chạm giao thông.

Sau khi xuống xe, nếu quan sát thấy người bị va chạm bị thương tích hãy tiến gần về phía họ, dìu họ vào trong lề đường, đề nghị được đưa họ đi cấp cứu. Nếu họ đồng ý, yêu cầu họ ngồi gần ôtô, mượn chìa khóa xe máy của họ, dắt xe máy vào lề đường. Nếu họ có người đi cùng, yêu cầu người đó điều khiển xe máy hoặc giao lại xe để họ trông.

Nếu họ đi một mình, cần phải giúp họ gửi xe máy ở hộ dân ven đường trước khi đưa họ đi cấp cứu, nếu xung quanh không có nhà dân, cần phối hợp với họ để nhờ người thân đến trông xe. Trong quá trình này, có thể có nhiều đối tượng gây áp lực, tài xế cần bình tĩnh ứng xử, yêu cầu họ để yên để mình đưa người bị va chạm đi cấp cứu, không cần tranh cãi lỗi phải, chỉ tập trung vào việc đưa nạn nhân đi cấp cứu.


Nếu quan sát nhận thấy người bị va chạm không bị thương, xe không hư hỏng nặng, có thái độ hung hăng… tài xế ôtô không nên tiến đến hiện trường nơi va chạm mà nên đứng chờ ở lề đường vì chắc chắn người bị va chạm sẽ tìm đến để nói chuyện.

Khi họ tiến đến gần, tài xế cần giữ được bình tĩnh, đứng tựa lưng vào cửa xe ngay ghế tài xế (đề phòng bị tấn công từ sau lưng), nếu họ tranh luận về lỗi, hãy bình tĩnh yêu cầu họ nói trước và lắng nghe với thái độ chăm chú, cầu thị. Nếu phần lỗi rõ ràng thuộc về tài xế ôtô, cần phải nhẹ nhàng xin lỗi, mong họ thông cảm, nếu họ yêu cầu bồi thường, chấp nhận thương lượng bồi thường hợp lý.

Nhưng nếu họ đòi bồi thường quá cao, vô lý, có biểu hiện ăn vạ, đám đông gây áp lực cần phải tạo cớ trì hoãn để nhờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Có thể lấy lý do không đem theo nhiều tiền, cần gọi cho người thân đem tiền lại, sau đó tránh ra xa hoặc vào ôtô khóa cửa gọi cho cơ quan công an gần nhất để xin trợ giúp.

Nếu phần lỗi thuộc về người điều khiển xe máy, sau khi để họ nói xong, tài xế cần nhẹ nhàng phân tích dựa trên cơ sở luật giao thông đường bộ. Nếu họ nhận thức được mới tính đến việc bồi thường cho xe ôtô.

Nếu người bị va chạm không tiếp thu, luôn khẳng định mình không có lỗi, có thái độ hung hăng, muốn sử dụng vũ lực, tài xế ôtô cần giữ khoảng cách an toàn khoảng 2m, nếu họ tiến lại gần, có thái độ gây hấn nên di chuyển vòng quanh xe cố tạo khoảng cách an toàn. 

Lợi dụng sơ hở kẻ gian thường trộm cắp, móc túi

Nếu nhận thấy đối tượng gây hấn có đồng bọn trợ giúp, không nên di chuyển vòng quanh xe mà cần phải chọn hướng nào dễ chạy nhất để thoát thân, tránh bị các đối tượng đánh hội đồng, gây thương tích. Sau đó cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để xin nhận sự trợ giúp.

Trường hợp khi va chạm với người điều khiển xe máy, nếu họ có bạn bè cùng đi, có thái độ hung hăng, gây hấn, muốn sử dụng vũ lực, bao vây quanh xe ôtô… nếu nhận thấy tình thế nguy hiểm, tài xế ôtô không cần lái xe bỏ chạy ngay mà nên cố thủ trong xe, lập tức gọi điện cho cơ quan công an gần nhất, nói rõ tình huống nguy hiểm để xin trợ giúp. Nếu các đối tượng hung hăng đập phá xe, có thể dùng smart phone ghi hình diễn biến vụ việc hoặc ghi nhớ đặc điểm nhân dạng, đặc điểm phương tiện để trình báo cơ quan công an. 

Trong tình huống các đối tượng sử dụng hung khí đập phá cửa, có ý định tấn công, nhận thấy nguy hiểm, tài xế cần tính toán để lái xe chạy thoát. Thông thường các đối tượng sẽ dùng xe máy, người chặn đầu xe, tài xế có thể lùi xe với tốc độ nhanh sau đó lái xe vượt qua sự ngăn cản của các đối tượng. Sau đó cần trình báo với cơ quan công an sở tại để ghi nhận, xử lý vụ việc.

Tài xế xe ôtô và người điều khiển xe máy đánh nhau sau va chạm giao thông và

Trường hợp, người điều khiển xe máy va chạm với ôtô nhưng không dừng xe lại để xử lý mà bỏ chạy, nếu đường vắng có thể đuổi theo yêu cầu họ dừng lại để giải quyết, nếu đường đông tuyệt đối không nên đuổi theo để tránh xảy ra tai nạn giao thông.

Nếu va chạm với phương tiện khác là xe ôtô, tài xế cần dừng xe tại hiện trường, kéo thắng tay, bấm clock cửa khi rời xe để giải quyết. Khi thương lượng với người bị va chạm, nếu nhận thấy họ có thái độ ôn hòa có thể thương lượng giải quyết hợp lý, có thể đề nghị họ lái xe tấp vào lề đường để giải tỏa ùn tắc giao thông. Nếu va chạm dẫn đến thiệt hại nặng, tốt nhất nên giữ nguyên hiện trường chờ lực lượng cảnh sát giao thông đến giải quyết, yêu cầu đơn vị bảo hiểm ghi nhận lại vụ việc.

Trường hợp nhận thấy người va chạm có thái độ hung hăng, gây hấn, muốn sử dụng vũ lực… cần phải giữ khoảng cách an toàn với đối tượng. Nếu bị tấn công hãy chạy vòng quanh xe để tránh đòn, sau đó tránh xa, gọi ngay cho cơ quan công an gần nhất đến giải quyết. Không cần quan tâm việc đối tượng đập phá xe, chỉ cần quan tâm bảo đảm an toàn cho bản thân và người cùng đi trên xe.

2. Tình huống va chạm khi di chuyển bằng xe máy

Khi di chuyển bằng xe máy nếu xảy ra va chạm với các phương tiện khác, chẳng hạn như va chạm với ôtô, nếu người điều khiển xe máy có lỗi cũng không nên bỏ chạy mà cần dừng lại để xử lý. Trước tiên cần phải nhẹ nhàng xin lỗi tài xế ôtô, thương lượng bồi thường, nếu tài xế ôtô đòi bồi thường quá cao, vô lý, thương lượng không thành có thể gọi điện báo cơ quan công an xin trợ giúp giải quyết.

Trường hợp nhận thấy tài xế ôtô không kiềm chế, có thái độ hung hăng, muốn sử dụng vũ lực, người điều khiển xe máy cần giữ khoảng cách an toàn khoảng 2m. Nếu đối tượng tấn công có thể di chuyển vòng quanh xe ôtô của đối tượng để tránh đòn và thoát thân. Sau đó trình báo vụ việc với cơ quan công an sở tại.

Trường hợp xe ôtô va chạm nhưng không dừng lại để giải quyết mà bỏ chạy, nếu xét thấy không bị thiệt hại quá nghiêm trọng nên bỏ qua. Nếu bị thiệt hại nghiêm trọng, xét thấy hành vi của tài xế ôtô phải bị xử lý hoặc có thể gây nguy hiểm cho người khác cần phải ghi nhận đặc điểm xe ôtô sau đó báo với cơ quan công an gần nhất để ghi nhận, xử lý. Tuyệt đối không liều lĩnh đuổi theo, chạy xe vào làn xe ôtô, có hành vi quá khích dẫn đến hành vi vi phạm tội hoặc gây tai nạn giao thông.

Trường hợp người điều khiển xe máy va chạm với xe máy khác khi đang lưu thông. Trong tình huống này, người điều khiển xe máy có thể đối mặt với hai mối nguy hiểm đến từ người bị va chạm và các đối tượng bất hảo tại hiện trường vụ va chạm. Người bị va chạm có thể có hành vi tấn công vũ lực hoặc các đối tượng bất hảo có thể lợi dụng sơ hở để trộm cắp tài sản của người điều khiển xe máy.

Đánh nhau chỉ vì va chạm giao thông.

Vì vậy, trong tình huống này, nếu nhận thấy lỗi thuộc về mình, người điều khiển xe máy cần chủ động nhẹ nhàng xin lỗi người va chạm, mong được bỏ qua, đề nghị bồi thường thiệt hại. Trong quá trình thương lượng giải quyết cần khóa cổ xe, cất giữ chìa khóa xe ở nơi an toàn, kiểm tra tài sản mang theo tránh bị kẻ gian lợi dụng trộm cắp.

Nếu họ chấp nhận có thể thương lượng để bồi thường. Tuy nhiên, nếu họ đòi hỏi vô lý, cần phải nương theo yêu cầu của họ, trì hoãn kéo dài thời gian, sau đó kín đáo báo cơ quan công an gần nhất nhờ trợ giúp, giải quyết. Nếu họ không có thiện chí, cố tình gây hấn, sử dụng vũ lực cần phải giữ khoảng cách an toàn, chọn vị trí thuận lợi để phòng thủ hoặc thoát thân khi bị tấn công. Sau đó phải báo ngay vụ việc với cơ quan công an sở tại để ghi nhận, xử lý.

Trường hợp nhận thấy lỗi thuộc về người điều khiển xe máy khác, nếu hậu quả không nghiêm trọng, cho dù họ có xin lỗi hay không cũng nên bỏ qua, không nên dùng những từ gây ức chế cho người bị va chạm hoặc cố tình gây khó khăn cho họ.

Nếu người va chạm có lỗi nhưng không nhận lỗi, cũng không bỏ đi mà cố tình tranh luận, tạo cớ gây hấn, người điều khiển xe máy cần bình tĩnh, đề nghị họ tấp xe vào lề để giải quyết. Khi họ muốn tranh luận, cứ để họ nói, tỏ thái độ chú ý lắng nghe, sau khi họ nói xong mới phân tích luật để họ nhận ra được lỗi của mình. Nếu họ nhận lỗi, đề nghị bồi thường, nếu thiệt hại nghiêm trọng có thể yêu cầu họ bồi thường hợp lý, không nghiêm trọng có thể bỏ qua.

Trường hợp, người va chạm sau khi nghe giải thích vẫn không nhận lỗi và có thái độ gây hấn, muốn sử dụng vũ lực để giải quyết, người điều khiển xe máy phải giữ khoảng cách an toàn, di chuyển để đối tượng không tiến lại gần, có thể di chuyển quanh một vật che chắn hoặc chạy theo hình tròn để tránh đòn hoặc thoát thân. Lúc này không nên quan tâm đến tài sản mà chỉ cần quan tâm đến an toàn của bản thân. Sau khi thoát ra được cần phải báo ngay với cơ quan công an sở tại để ghi nhận, xử lý vụ việc. Tuyệt đối không đứng lại đôi co, tranh luận, xô xát với đối tượng dẫn đến hành vi phạm tội hoặc thiệt hại do hành vi gây hấn, tấn công của đối tượng.

Như vậy, để an toàn khi bị va chạm giao thông, người bị va chạm cần phải bình tĩnh, có thái độ ứng xử văn minh và có kỹ năng xử lý an toàn để bảo đảm an toàn cho bản thân và tài sản mang theo.

Theo Công an nhân dân – Thiên Ân