Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Đánh giá tình hình vi phạm tải trọng phương tiện 5 tháng đầu năm 2017, đại diện lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho biết, trong 5 tháng lực lượng chức năng tại các Trạm KTTT lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân sách tay đã tiến hành kiểm tra 121.987 xe, trong đó có 14.453 xe vi phạm, (bằng 11,85%), tước 4.577 GPLX (bằng 31,67% số xe vi phạm), xử phạt 147.339 tỷ đồng (bằng 10,19 triệu đồng/01xe vi phạm). So với cùng kỳ năm 2016 (7,13%) tăng 4,72%.
Tuy nhiên tình trạng tái diễn xe quá tải đường dài, xe cơi nới kích thước thành, thùng chở hàng quá tải, đặc biệt tại các khu mỏ vật liệu, công trình xây dựng, cảng sông. Một số địa phương có cảng, mỏ chưa quyết liệt kiểm soát việc xếp hàng lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.
Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định vận tải đường bộ chưa nghiêm. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở lực lượng KSTTX. Bên cạnh đó, một số Ban QLDA, nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, clinker, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định nhưng thực tế vẫn vi phạm. Một số dự án BOT đã lắp đặt hệ thống cân KTTTX ghép với Trạm thu phí, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể thực hiện được.
Cũng theo Tổng cục ĐBVN, công tác KSTTX cũng còn nhiều bất cập, lực lượng Thanh tra giao thông thực hiện KSTTX mỏng, kinh phí cấp cho công tác KSTTX thấp, chậm trễ gây khó khăn trong triển khai và chi trả cho thực hiện nhiệm vụ KSTTX. Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, thiết bị cân còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ tuyến đường có xe tải lưu thông. Khó khăn về vị trí mặt bằng không đủ để đặt bàn cân, trình độ lực lượng vận hành, quản lý thiết bị cân hạn chế…do đó vẫn còn các đoạn quốc lộ, đường địa phương có xe quá tải lưu thông.
Từ 1/1/2016 đến hết 30/4/2017, Tổng cục ĐBVN, các Cục QLĐB và các Sở GTVT đã cấp 26.273 GPLHX. Việc phân cấp thẩm quyền cấp GPLHX cho các Sở GTVT, các Cục QLĐB cơ bản đáp ứng nhu cầu và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải, giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại đối với loại phương tiện quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng có kích thước và khối lượng nhỏ, lưu thông đường ngắn. Việc cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của hệ thống đường bộ cả nước trên trang Web của Tổng cục ĐBVN đã tạo thuận lợi cho các Sở GTVT, các Cục QLĐB trong việc tra cứu tải trọng, khổ giới hạn của tuyến đường khi thực hiện cấp GPLHX. Cùng với đó, hệ thống đường bộ trên cả nước được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, các yêu cầu sửa chữa, gia cường, tháo bỏ biển hạn chế tải trọng, về cơ bản đáp ứng được việc lưu thông của các xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng…
Đại diện Doanh nghiệp vận tải hàng hóa phát biểu ý kiến mong muốn được tháo gỡ khó khăn, rào cản cho các Doanh nghiệp trong tình hình hiện nay
Tại cuộc đối thoại ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, công tác KTTT phương tiện được Nhà nước, Chính phủ coi trọng, chỉ đạo sát sao, từ đó các doanh nghiệp vận tải rất phấn khởi. Các doanh nghiệp hoạt động chân chính tin tưởng rằng hiệu quả công tác này đem lại sự ổn định, cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho thị trường vận tải. Hiện nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính thấy công tác KSTT làm rất nghiêm cho kết quả tốt, đã tin tưởng đầu tư thêm phương tiện. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng trong thời gian gần đây vấn nạn xe quá khổ, chở quá tải bùng phát, gây nhức nhối, lo ngại cho các doanh nghiệp. Hậu quả, có những doanh nghiệp vận tải đang trong bờ vực phá sản.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, tình trạng chở quá tải bắt đầu từ mối bốc xếp hàng hóa, đặc biệt tại các bến sông, cảng sông, cảng thủy nội địa, mỏ và địa điểm tập kết vật liệu xây dựng… Từ đó, các xe quá tải tỏa ra các tuyến đường Quốc lộ, liên tỉnh, huyện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, nhiễu loạn hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, việc KSTT phương tiện trên đường đã không còn sự quyết liệt, hiệu quả như trước khi không có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa Công an, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hoạt động KSTT xe hiện nay chưa đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp. Việc buông lỏng công tác kiểm soát tải trọng từ bến cảng đến trên đường khiến các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện theo quy định bị thiệt so với các doanh nghiệp chạy quá tải. Những doanh nghiệp tự giác bỏ ra hàng trăm triệu cải tạo phương tiện để phù hợp quy định, nhưng rồi cũng “bằng nhau” với doanh nghiệp chạy quá tải.
Ông Nguyễn Văn Thanh đã đề nghị Tổng cục ĐBVN kiến nghị Chính phủ tăng thẩm quyền cho Thanh tra giao thông. “Hãy để thanh tra giao thông có quyền tự giải quyết nhiệm vụ của mình chứ không phải chờ đến Cảnh sát giao thông”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thanh đề nghị phải kiểm soát hoạt động bốc xếp hàng hóa tại các cảng, mỏ, điểm tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng… Buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp quản lý bến, mỏ vật liệu…, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xe quá tải hoành hành.
Cũng tại cuộc đối thoại nhiều doanh nghiệp cũng nêu lên vướng mắc khi xem xét cấp giấy phép lưu hành xe. Bên cạnh đó, một số đơn vị cấp phép tại các Sở GTVT chưa hiểu rõ hoặc lúng túng trong việc tính toán tải trọng trục, và tổng trọng lượng cho xe chuyên dùng quá tải có khối lượng bản thân và tải trọng trục xe vượt quá quy định. Việc phối hợp giữa đơn vị cấp giấy phép lưu hành xe và các cơ sở đầu nguồn hàng, lực lượng chức năng còn hạn chế dẫn đến công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các nội dung trong giấy phép lưu hành xe của doanh nghiệp còn chưa đạt hiệu quả cao.
Nhiều ý kiến còn tỏ băn khoăn như, hệ thống một số tuyến quốc lộ chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ, tải trọng cầu và đường chưa đồng bộ, nhiều cầu yếu chưa được sửa chữa, gia cường. Một số đơn vị khi xem xét cấp phép GPLHX chưa hiểu rõ hoặc lúng túng trong việc tính toán tải trọng trục và tổng trọng lượng cho xe chuyên dùng quá tải, có khối lượng bản thân và tải trọng trục xe vượt quá quy định, xe sơ mi rơ moóc có từ 4 trục trở lên, các xe chuyên dùng mà trong Giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT ghi “chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp”.
Phạm vi quy định các phương tiện quá khổ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (chiều rộng > 3,5m; chiều dài > 20m tại Khoản 3 Điều 12 thông tư 46) phải có dẫn đường, hộ tống tương đối rộng và đơn vị thự hiện việc dẫn đường, hộ tống phải là lực lượng chức năng, đơn vị vận chuyển khó đáp ứng. Việc phối hợp giữa các đơn vị cấp GPLHX và các cơ sở đầu nguồn hàng, các lực lượng chức năng còn hạn chế, dẫn đến công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các nội dung trong GPLHX của doanh nghiệp còn chưa đạt hiệu quả cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không công bằng cho các doanh nghiệp chấp hành tốt việc xếp, chở hàng theo quy định…
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện chủ trì cuộc đối thoại
Ghi nhận ý kiến của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và các doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, các ý kiển cởi mở của các đại biểu tham dự hội nghị, đặc biệt các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa về những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về KSTT phương tiện và cấp GPLHX quá khổ trong tình hình hiện nay. Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Vụ, phòng, ban tham mưu của Tổng cục, các Sở GTVT, các Cục QLĐB trên tinh thần cầu thị tiếp thu ý kiến của các Doanh nghiệp vận tải thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, rào cản mà các doanh nghiệp vận tải hàng hóa hiện nay đang gặp phải.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện hệ thống Trạm KTTTX cố định trên đường bộ theo Quy hoạch 1855 phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành đưa vào hoạt động 29 Trạm KTTTX cố định theo Quy hoạch. Thí điểm xử lý vi phạm theo Thông tư 06/2017/TT-BGTVT về quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ đối với một số Trạm cân cố định đảm bảo đủ điều kiện. Hoàn thiện một số chính sách; phối hợp chặt chẽ với Cục ĐTNĐ, Cục HHVN kiểm tra xử lý vi phạm tại các bến cảng thủy nội địa. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm về tải trọng phương tiện, xử lý vi phạm quá tải trọng từ nơi xếp hàng.
Về những vướng mắc về thủ tục, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện, yêu cầu các đơn vị sớm có hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cấp GPLHX cho các doanh nghiệp. Đồng thời, ông Huyện yêu cầu các Cục QLĐB lắp camera để giám sát việc cấp GPLHX, nhằm theo dõi và chống hành vi tiêu cực. "Tôi cũng rất mong doanh nghiệp khi đi xin cấp giấy phép lưu hành xe phải làm việc trực tiếp với nhân viên, không nên qua "cò". Một giấy phép lưu hành xe mất 3 triệu cho "cò" như phản ánh của doanh nghiệp là điều vô lý. Và nếu một công chức nào có tiêu cực tôi đuổi ngay..." Tổng cục trưởng Huyện khẳng định.
Theo tapchigiaothong.vn